Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguy cơ tiềm ẩn từ các công trình xây dựng cao tầng

Thứ Tư, 03/10/2018 10:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thời gian gần đây đã xảy ra không ít vụ tai nạn đối với người tham gia giao thông liên quan đến các công trình xây dựng cao tầng. Thực tế này đang đặt ra nhiều vấn đề trong công tác bảo đảm an toàn thi công tại các công trình này.

 

Theo phản ánh của bạn đọc, thời gian qua, tại nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra khá nhiều vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do vật liệu, phương tiện thi công rơi từ các công trình xây dựng cao tầng. Điển hình như vụ việc xảy ra tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình vào ngày 24/1/2018. Cụ thể, vào khoảng hơn 16h ngày 24/1, trong khi chiếc xe ô tô mang BKS: 35A-05697 đang lưu thông trên đường Hải Thượng Lãn Ông thuộc phường Phúc Thành (thành phố Ninh Bình) thì bất ngờ bị một thanh sắt từ trên tầng 4 của một tòa nhà đang thi công rơi xuống đâm thủng nóc xe taxi ở hàng ghế sau bên trái. Hậu quả, đã làm một người đàn ông bị thương rất nặng và tử vong sau đó.

Mới đây nhất, khoảng 18h tối 27/9 vừa qua, khung sắt khá lớn tại công trình đang thi công trên đường Lê Văn Lương (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã rơi từ trên cao xuống trúng 02 người đang điều khiển xe máy. Vụ việc đã làm một người tử vong tại chỗ và một nạn nhân khác bị thương. Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Công an quận Thanh Xuân đã cùng với các cơ quan chức năng đưa nạn nhân bị thương đi cấp cứu, đồng thời tiến hành bảo vệ hiện trường và xử lý theo quy định. Thông tin bước đầu, nạn nhân nữ tử vong trong vụ tai nạn được xác định là chị Dương Thị H (sinh năm 1987, quê Bắc Ninh).

Đây chỉ là hai trong số khá nhiều vụ tai nạn có liên quan đến các công trình xây dựng cao tầng xảy ra trong thời gian vừa qua. Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay chỉ tính riêng tại thành phố Hà Nội, trên các tuyến phố đang có rất nhiều công trình xây dựng cao tầng nhưng việc che chắn thực hiện sơ sài, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn lao động cũng như gây tai nạn đối với người tham gia giao thông tại các tuyến đường xung quanh công trình. Cùng với đó là hình ảnh khá nhiều những chiếc cần cẩu tháp, cẩu trục của các công trình xây dựng cao tầng ven đường. Có những chiếc cần trục vươn dài hàng chục mét, nằm vắt ngang phía trên các tuyến đường có mật độ người và phương tiện qua lại rất đông.


Công trình "Trung tâm thương mại và Văn phòng cho thuê" tại ô đất 4.6NO - nơi xảy ra vụ tai nạn ngày 27/9 
 không được rào chắn, bảo hộ (Ảnh: MG).

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Quyên ở quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: “Cẩu tháp tại nhiều công trình cao tầng dài đến vài chục mét; nếu không may tai nạn xảy ra thì thật khủng khiếp. Mọi người đi làm, đi học phía dưới biết là nguy hiểm nhưng vẫn phải “liều” đi qua bởi không phải lúc nào cũng có thể chuyển sang đi đường khác được”. Còn theo anh Trần Đức Tuệ ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) đề xuất: “Với các công trình xảy ra sự cố, cần đình chỉ hoạt động để điều tra. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần yêu cầu các công trình phải có rào bảo vệ, tránh để vật liệu rơi từ trên xuống. Hiện nay, mỗi khi đi qua các tuyến đường có cần cẩu hoạt động hay các công trình xây dựng cao tầng đang thi công là tôi lại lo lắng vì vật liệu, máy móc… có thể rơi xuống đầu bất cứ lúc nào".

Tìm hiểu được biết, đối với Hà Nội, năm 2012, UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định quản lý sử dụng, vận hành cần trục tháp cẩu trong thi công xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, những công trình sử dụng tháp cẩu có bán kính hoạt động ngoài phạm vi công trình, có nguy cơ ảnh hưởng tới giao thông và công trình lân cận thì chỉ cho phép hoạt động từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Bên cạnh đó, phải đảm bảo đủ hệ thống cảnh báo, cảnh giới, người hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông theo quy định. Tuy vậy, trên thực tế, vẫn có những công trình ngang nhiên đưa tháp cẩu dài hàng chục mét nằm ngay trên đầu người đi đường. Đồng thời, một số chủ đầu tư, nhà thầu thi công chưa tuân thủ các quy định về công tác an toàn trong thi công…

Thực tế cho thấy, nhiều vụ tai nạn đối với người tham gia giao thông liên quan đến các công trình xây dựng cao tầng có nguyên nhân là do con người tắc trách, chủ quan; đôi khi bất chấp, coi thường tính mạng. Cụ thể, người điều khiển phương tiện thi công không thực hiện đúng quy trình vận hành, quy tắc an toàn; người quản lý thi công công trình, chủ máy móc, chủ đầu tư đưa vào sử dụng trang thiết bị không bảo đảm an toàn, công nghệ không phù hợp... Điều đáng nói là trong khi những vụ việc tai nạn liên quan các công trình xây dựng cao tầng xảy ra nhiều nhưng không ít vụ đã rơi vào “im lặng”; ít cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi bất cẩn, vô trách nhiệm trong xây dựng đã cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội...

Về vấn đề trách nhiệm trong các vụ tai nạn nói trên, theo nhiều luật sư, cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý hình sự với các tội "Vô ý làm chết người", "Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp", "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người", "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"… Việc xem xét này tùy thuộc vào nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn, yếu tố lỗi (do cơ quan điều tra xác định) và tính chất hậu quả của tai nạn.

Liên quan đến vụ tai nạn nghiêm trọng vào tối 27/9 tại đoạn đường qua dự án "Trung tâm thương mại và Văn phòng cho thuê" tại ô đất 4.6NO (do công ty Xuất nhập khẩu và đầu tư Sao Mai làm chủ đầu tư; Công ty Đầu tư và Phát triển Tây Hồ làm đơn vị thi công; nhà thầu phụ thi công lắp kính mặt ngoài là Công ty CP Thương mại Phát triển công nghệ Hà Nội mới DHP), trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Giám định Chất lượng công trình xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội), cho biết: Chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, từ đền bù thiệt hại, dừng công trình, phòng tránh tất cả vụ việc có thể xảy ra; đồng thời phải đợi đến khi phía Công an điều tra, báo cáo xong rồi kết luận xem có được thi công hay không.

Có thể thấy, nếu các quy định về bảo đảm an toàn không được chấp hành nghiêm túc thì các công trình xây dựng cao tầng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến mất an toàn. Hiện đang trong mùa mưa bão, nguy cơ mất an toàn từ các công trình này lại càng gia tăng, nhất là liên quan đến hệ thống cẩu tháp trên cao. Thiết nghĩ, để hạn chế những tai nạn thương tâm liên quan đến các công trình xây dựng cao tầng, cơ quan chức năng và chính quyền các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm khắc đối với các công trình có vi phạm. Các chủ đầu tư, tư vấn giám sát, đơn vị thi công phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật như: quy định về an toàn, thực hiện cảnh giới cảnh báo, kiểm tra nhật ký thi công cầu cẩu tháp, chế độ định kỳ bảo hành...

Đồng thời, dư luận cho rằng, trong thi công các công trình xây dựng cao tầng, công tác an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Trong đó, trách nhiệm thuộc về nhà thầu, chủ đầu tư, các cơ quan chức năng quản lý đều phải tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn quá trình thi công. Đó là cơ sở để không xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng; bảo đảm tiến độ cho các công trình xây dựng cao tầng cũng như đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông tại các tuyến đường xung quanh./.

Minh Giang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN