Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Người thiết kế Lễ đài Độc lập trên Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 quê Hưng Yên

Thứ Năm, 07/09/2017 16:46 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Đó là kiến trúc sư (KTS) Ngô Huy Quỳnh - một trong những học trò cuối cùng của Trường Mỹ thuật Đông Dương.

 

Con người và sự nghiệp của ông là hình ảnh một kiến trúc sư đầy tài năng, uyên bác nhưng giản dị, một người nghiên cứu khoa học với tâm hồn nghệ sĩ và tấm lòng đôn hậu. Ông đã mất nhưng tên tuổi của ông sẽ được lịch sử và nhiều thế hệ người Việt Nam ghi nhớ, bởi ông chính là người đã thiết kế Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

1.JPG

Lễ đài Độc lập trên Quảng trường Ba Đình do KTS Ngô Huy Quỳnh thiết kế

KTS Ngô Huy Quỳnh sinh năm 1920 tại làng Ngọc Lập, xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình Nho học. Năm 1938, với tài năng của mình, ông đã thi đỗ vào cả hai khoa Mỹ thuật và Kiến trúc của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ngay từ năm thứ ba ông đã thiết kế một số công trình, đa phần là những ngôi nhà tư nhân và những biệt thự: Ngôi nhà 84 Nguyễn Du, biệt thự ở phố Cao Đạt - Hà Nội, những ngôi nhà ở Nam Định, Đình Bảng - Bắc Ninh... Những công trình do ông thiết kế, đến ngày nay vẫn còn giá trị nghệ thuật.

Năm 1943, sau khi tốt nghiệp, trở thành kiến trúc sư, ông chính thức tham gia Việt Minh và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, KTS Ngô Huy Quỳnh được Ðảng cử tham gia lập chính quyền cách mạng tại thành phố Nam Ðịnh.

Ngày 1/9/1945, KTS Ngô Huy Quỳnh được cấp trên giao trọng trách thiết kế và tham gia dựng một Lễ đài ở vườn hoa Ba Đình, có thể giản dị nhưng phải trang nghiêm. Sau những phút giây rất nhanh tính toán, KTS Ngô Huy Quỳnh đã chọn phương án dựng lễ đài bằng gỗ theo cách đóng đinh (vì thời gian gấp) và bọc lụa xung quanh trên vàng dưới đỏ để tạo dáng mỹ thuật, vừa nhanh vừa dễ làm. Nơi dựng lễ đài là bồn cỏ tròn ở giữa vườn hoa Ba Đình. Công trình được thiết kế có màu vàng nhạt, vòng hai tay ôm lấy phía sau lễ đài màu đỏ.

Cùng tài năng và sự nỗ lực, ông và các cộng sự hoàn thành công trình nổi tiếng này chỉ trong một ngày đêm (công trình hoàn thành trước rạng đông ngày 2/9). Màu đỏ, vàng của lễ đài với hai bình hương hai bên, cùng màu của cờ đỏ sao vàng trên cột cờ lễ đài, tất cả cùng nổi lên rực rỡ và sống động.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ lâm thời đã đứng trên Lễ đài ra mắt quốc dân đồng bào và Người trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập bất hủ, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

2.jpg

Ngày 2-9-1945, trên lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tháng 10 năm đó, KTS Ngô Huy Quỳnh vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương, khi mới chỉ 25 tuổi.

Năm 1947, KTS Ngô Huy Quỳnh cùng các KTS Nguyễn Cao Luyện, Trần Hữu Tiềm, Hoàng Như Tiếp sáng lập Ðoàn Kiến trúc sư Việt Nam, tiền thân của Hội Kiến trúc sư Việt Nam ngày nay. Đến năm 1956, khi Trường Đại học Bách Khoa được thành lập, KTS Ngô Huy Quỳnh là một trong những người thành lập ra lớp kiến trúc đầu tiên của Việt Nam và ông cũng chính là chủ nhiệm đầu tiên của lớp kiến trúc ấy.

KTS Ngô Huy Quỳnh là một trong những kiến trúc sư tài năng, có nhiều đóng góp cho nền kiến trúc Việt Nam và sự phát triển của ngành xây dựng nước nhà. Được đào tạo tại Trường Mỹ thuật Đông Dương (của Pháp), sau này lại có một khoảng thời gian đi học nghiên cứu sinh ở Liên Xô nên kiến thức về kiến trúc Phương Tây của ông rất uyên thâm. Nhưng đặc biệt, ông là một trong số ít các tác giả đi sâu nghiên cứu và viết rất nhiều sách về lịch sử kiến trúc Việt Nam. Ông cũng đã cho xuất bản nhiều tác phẩm về lý luận kiến trúc Việt Nam. Đặc biệt, năm 2001, bộ sách “Lịch sử kiến trúc Việt Nam” của ông được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật, đợt 1.

KTS Ngô Huy Quỳnh được bạn bè, học trò biết đến là một con người tài hoa. Chính sự tài hoa của mình mà cả cuộc đời của ông có nhiều hoạt động phong phú trên các lĩnh vực: nhà báo, nhà giáo, nhà nghiên cứu lý luận, nhà hoạt động xã hội, nhà quản lý... Đặc biệt, dù là một người nghiên cứu khoa học nhưng KTS Ngô Huy Quỳnh là người mang tâm hồn của một người nghệ sĩ thực sự. Ông vẽ như một họa sĩ chuyên nghiệp và vẽ rất nhiều, rất đẹp.

Trong chuyến đi xuyên Việt hồi trẻ, ông đã mang về nhiều tranh và ký họa phong cảnh mọi miền đất nước. Thời gian ông đi học tại Liên Xô, nhiều bức tranh sơn dầu cũng đã ra đời. Có thể nói, ông vừa là một kiến trúc sư giỏi và cũng là một người hoạ sĩ tài năng.

KTS Ngô Huy Quỳnh qua đời năm 2003. Cuộc đời ông đã giành 60 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho nền kiến trúc Việt Nam. Chính những đóng góp lớn tích cực đó, KTS Ngô Huy Quỳnh đã vinh dự đón nhận Huân chương Ðộc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất, Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Lào... Tài năng, phẩm chất trong con người KTS Ngô Huy Quỳnh đã tạo nên một nhân cách, một tấm gương cho không chỉ các kiến trúc sư mà cho cả thế hệ trẻ hôm nay noi theo.

Theo Phụ nữ Việt Nam

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN