Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Người thầy giáo mang quân hàm xanh

Thứ Hai, 11/04/2016 15:19 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày bám bản, tối bám lớp, khoảng thời gian duy nhất để anh Tiến soạn giáo án là vào lúc đêm muộn. Vất vả là vậy nhưng anh vẫn luôn nhiệt huyết với công việc.

Đối với Thiếu úy Nguyễn Sĩ Tiến, Đồn biên phòng cửa khẩu Tén Tằn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa thì việc dạy con chữ cho bà con ở đây không còn là nhiệm vụ nữa, đó là tình cảm của người lính Bộ đội Cụ Hồ với Nhân dân.

Thiếu úy Nguyễn Sĩ Tiến. (Ảnh: Hoàng Mẫn)

Tén Tằn là xã vùng cao biên giới huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, cách TP Thanh Hóa 300km. Xã có 7 bản với 889 hộ/4.115 nhân khẩu, đồng bào dân tộc Thái chiếm 94%, và một bản dân tộc Khơ Mú.

Từ một xã có học sinh đến tuổi mà không đến trường chiếm tỷ lệ cao và học sinh bỏ học nhiều, đến nay tình trạng trên đã chấm dứt. Ở các lớp học xóa mù chữ, tỷ lệ học viên tham gia học tập đạt hơn 90%; qua kiểm tra, đánh giá 100% đã biết đọc, biết viết.

Thiếu úy Nguyễn Sĩ Tiến chia sẻ: Ngày mới về nhận nhiệm vụ, sau nhiều đợt khảo sát địa bàn, anh nhận thấy đối tượng mù chữ và tái mù chữ chủ yếu là phụ nữ, tập trung ở độ tuổi 30 - 45 tuổi. Điều này khiến anh luôn trăn trở, suy nghĩ phải làm sao để mang cái chữ đến cho bà con ở xã Tén Tằn.

Nhiều lần cùng với Hội Phụ nữ xã xuống từng nhà vận động người dân đến lớp, anh Tiến thấy rằng, chính những bất đồng ngôn ngữ khiến việc vận động trở lên khó khăn. Chính vì vậy, anh đã vào bản, cùng ăn, cùng ở, cùng tham gia mọi hoạt động với bà con để được bà con dạy tiếng dân tộc.

“Sáng người dân lên nương tôi cũng lên nương, làm cùng họ, trò chuyện và chia sẻ với họ…”. Nhờ vậy mà lớp học từ chỉ có vài học viên đã có rất đông học viên ở mọi lứa tuổi tham gia học tập. Anh Tiến bộc bạch.

7 năm làm công tác vận động quần chúng, Thiếu úy Nguyễn Sĩ Tiến đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn để có được những thành quả của ngày hôm nay. Được sự ủng hộ của đơn vị và chính quyền địa phương, từ năm 2012 đến nay, Thiếu úy Nguyễn Sĩ Tiến đã mở và trực tiếp dạy 4 lớp với 176 học sinh. Đến nay, các học viên cơ bản đã biết đọc, biết viết, từ đó biết ứng dụng những công nghệ vào sản xuất để nâng cao đời sống.  

Có học viên rồi nhưng người thầy mang quân hàm xanh ấy lại gặp phải khó khăn trong quá trình dạy học. Nguyên nhân là do trình độ nhận thức của người dân không đồng đều, học viên còn mặc cảm. Ngoài ra, thời gian học là vào buổi tối, học viên ban ngày phải lo việc đồng áng, thậm chí nhiều bản không có điện lưới nên việc duy trì số lượng học viên cho mỗi khóa học với anh Tiến cũng là một thử thách. Bên cạnh đó, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại ở một số hộ gia đình, nên một số chị em theo học không được gia đình ủng hộ hoặc bị dị nghị từ hàng xóm, phải bỏ học giữa chừng.

Anh Tiến chia sẻ với các đại biểu tại buổi Giao lưu điển hình tiên tiến trong học tập và 
làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức mới đây tại Hải Phòng.
(Ảnh: Hoàng Mẫn)

Để khắc phục tình trạng đó, anh Tiến đã tự mày mò phương pháp sư phạm, soạn những bài giảng phù hợp với khả năng nhận thức của từng đối tượng, từng lứa tuổi. Anh cũng vừa dạy học, vừa động viên, chia sẻ với học viên. Tấm lòng của người lính Bộ đội Cụ Hồ đã dần chiếm được tình cảm của học viên cũng như của bà con nhân dân xã Tén Tằn.

Ngày bám bản, tối bám lớp, khoảng thời gian duy nhất để anh Tiến soạn giáo án là vào lúc đêm muộn. Vất vả là vậy nhưng anh vẫn luôn nhiệt huyết với công việc. Đối với Thiếu úy Nguyễn Sĩ Tiến thì việc dạy con chữ cho bà con nơi đây không còn là nhiệm vụ nữa, đó là tình cảm của người lính Bộ đội Cụ Hồ đối với Nhân dân.

Với anh Tiến, mỗi lần học sinh của mình đến lớp khoe “Thầy ơi, em biết đọc chữ rồi. Em biết viết tên của mình rồi!” là niềm vui, niềm hạnh phúc, là phần thưởng quý giá, khích lệ tinh thần cho những người “thầy” vùng biên như anh.

Bên cạnh công tác vận động, tuyên truyền xóa bỏ định kiến lạc hậu, anh Tiến cùng lãnh đạo địa phương còn tạo điều kiện cho chị em tham gia lớp học kết hợp, thành lập các câu lạc bộ thêu, dệt thổ cẩm ở các thôn, bản, thu hút và tạo việc làm cho chị em phụ nữ.

Thấy học viên tiến bộ từng ngày, được chứng kiến cuộc sống của họ ngày một ổn định, anh Tiến ấp ủ ý định sẽ tiếp tục mở các lớp xóa mù chữ cho người dân ở những bản khác của Tén Tằn. Với anh và đồng đội thì giúp đồng bào vùng biên có cuộc sống tốt hơn đó chính là một trong những việc làm hiệu quả góp phần quan trọng vào công tác gìn giữ và bảo vệ đường biên, mốc giới của Tổ quốc./.

Hoàng Mẫn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN