Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Sửa đổi Nghị định 100 là phù hợp với tình hình thực tế

Thứ Hai, 07/10/2024 14:04 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe đang được Bộ Công an lấy ý kiến, dự kiến sẽ thay thế cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP đang áp dụng.

Điểm mới của dự thảo lần này là hạ mức xử phạt một số hành vi trong đó có vi phạm nồng độ cồn và đưa quy định trừ điểm Giấy phép lái xe (GPLX) vào thực hiện. Nhiều ý kiến của bạn đọc đánh giá nội dung dự thảo phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

 Anh Vũ Trọng Văn. (Ảnh: TC)

Anh Vũ Trọng Văn, ở Gia Lương, Gia Lộc (Hải Dương) cho biết: Người dân chúng tôi rất đồng tình ủng hộ dự thảo này của Bộ Công an, bởi nó hoàn toàn phù hợp với thực tiễn sau thời gian dài áp dụng xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm. Như chúng ta đã thấy, việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn và siết chặt xử lý các trường hợp vi phạm thời gian qua đã tạo ra sự thay đổi rõ rệt về ý thức chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Bản thân tôi cũng cảm nhận được, hiện nay người tham gia giao thông phần lớn tạo được thói quen "đã uống rượu, bia thì không lái xe". Còn ở các sự kiện liên hoan thì tình trạng mời chào ép nhau uống bia rượu, nhất là đối với những người phải lái xe đã hạn chế rất nhiều. Đây chính là mục đích cao nhất của việc xử phạt, đồng thời cho thấy quy định pháp luật lĩnh vực giao thông đã thực sự đi vào cuộc sống.

Với sự chuyển biến về ý thức như vậy, đã đến lúc cần có điều chỉnh trong chế tài theo hướng nhân văn hơn, trước tiên là điều chỉnh với ngưỡng vi phạm thấp nhất. Việc hạ mức phạt tiền như dự thảo vừa đảm bảo sự nghiêm khắc cần thiết, nhưng cũng có sự linh động, phù hợp với thực tiễn cũng như tính chất, mức độ hành vi vi phạm và cũng tránh được tình trạng “lạm dụng phạt” có thể tạo ra những định kiến trái chiều trong dư luận và quá trình thực thi pháp luật...

Ý kiến về việc Bộ Công an đưa quy định trừ điểm bằng lái xe vào thực hiện, ông Nguyễn Tuấn Minh, ở An Dương (Hải Phòng) cho ý kiến: Theo dõi thời sự tôi thấy, tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thông qua luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Một trong những nội dung quan trọng là quy định về điểm và trừ điểm GPLX. Do vậy, tôi thấy việc quy định về trừ điểm thay cho tước quyền sử dụng GPLX như trong dự thảo là điều cần thiết, để quy định chi tiết và đồng bộ với luật.

Bày tỏ sự ủng hộ với việc áp dụng hình thức trừ điểm thay vì tước quyền sử dụng GPLX như trước đây, chị Trương Thị Thanh Nhàn ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái) cho rằng điều này sẽ hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đi lại, sản xuất, kinh doanh của người điều khiển phương tiện vi phạm, nhất là các tài xế hành nghề kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có giải pháp để đảm bảo các chế tài pháp luật phải luôn được thực thi nghiêm minh, đủ răn đe để mọi người đều phải tuân thủ trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Bởi rất có thể khi chuyển sang hình thức trừ điểm thay vì tước quyền sử dụng GPLX, đi cùng đó là mức xử phạt giảm nhẹ, người lái xe sẽ có phát sinh tư tưởng chủ quan trong chấp hành luật và quy định. Trong khi đó, hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhất là ô tô, mà có nồng độ cồn sẽ rất nguy hiểm và khó lường.

Chị Trương Thị Thanh Nhàn.(Ảnh: TC) 

“Từ những kết quả đã đạt được là tạo chuyển biến tích cực về ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông với thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, chúng ta cần nghĩ đến việc duy trì thói quen đó, tạo nền nếp việc tuân thủ luật trên tinh thần tự giác, giống như những thành công trong quy định người điều khiển mô tô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm trước đây” – chị Nhàn nói.

Ông Trần Ngọc Huấn, ở phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) nêu quan điểm: Tôi rất hoan nghênh tinh thần cầu thị của Bộ Công an trong việc xây dựng dự thảo, lấy ý kiến về nghị định này. Trong đó, dự thảo được đề xuất hạ mức phạt tiền so với Nghị định số 100/2019 đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Qua đó, mức phạt tiền được đề xuất từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô, thay vì mức tiền phạt từ 6 - 8 triệu đồng hiện nay. Cá nhân tôi rất đồng tình với đề xuất giảm mức phạt tiền như vậy. Điều này rất nhân văn và phù hợp thực tiễn cuộc sống.

Thực tế trong thời gian qua cũng cho thấy, do việc áp dụng mức phạt nồng độ cồn rất nặng, nhiều trường hợp chủ xe sẵn sàng bỏ xe, vì số tiền phạt có khi còn cao hơn trị giá chiếc xe của họ, vì vậy, họ sẵn sàng bỏ xe để không phải chịu phạt như một lựa chọn tất yếu. Điều đó dẫn đến những hệ lụy và bất cập trong đó có tình trạng bãi giữ xe vi phạm của nhiều đơn vị bị quá tải, rồi việc bị bỏ, phơi mưa nắng ngoài trời lâu ngày dẫn đến hư hỏng phương tiện, gây lãng phí lớn, hay tiềm ẩn xảy ra hỏa hoạn tại các bãi xe quá tải. Do vậy, việc đề xuất sửa theo hướng giảm mức xử phạt như vậy là rất cần thiết.

“Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phân biệt rõ giữa việc uống rượu, bia liều lượng không đáng kể với tình trạng lạm dụng, uống nhiều rồi say xỉn, lái xe dễ dẫn đến gây tai nạn giao thông. Với việc sử dụng rượu, bia không đáng kể, đầu óc vẫn tỉnh táo, lái xe vẫn an toàn, thì có thể giảm mức phạt tiền. Tuy nhiên, với những hành vi lạm dụng rượu, bia quá mức, hay hành vi quá khích, lạng lách, đánh võng gây nguy hiểm cho người và phương tiện trên đường thì cần phải duy trì mức xử phạt nghiêm minh. Ngoài hình phạt tiền thật nặng, cần xem xét trừ nhiều điểm, thậm chí thu hồi bằng lái trong trường hợp này để ngăn chặn triệt để các nguy cơ uy hiếp an toàn trong hoạt động giao thông” – ông Huấn nhấn mạnh.

 Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng Văn phòng Luật sư Thuận Nam (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).(Ảnh: TC) 

Trước những băn khoăn của dư luận về việc dự thảo giảm mức tiền phạt và áp dụng hình thức trừ điểm thay cho tước quyền sử dụng GPLX sẽ khiến người vi phạm nồng độ cồn có tâm lý chủ quan, tình trạng "đã uống rượu, bia mà vẫn lái xe" có thể tái diễn, Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng Văn phòng Luật sư Thuận Nam (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, những băn khoăn trên là có căn cứ, nhưng không cần quá lo ngại. Bởi theo dự thảo do Bộ Công an soạn thảo đề xuất tới 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm GPLX. Với phạm vi rộng như vậy, không chỉ nồng độ cồn mà rất nhiều lỗi vi phạm khác cũng sẽ bị trừ điểm.

“Như chúng ta thấy, trong dự thảo đưa ra con số 12 là số điểm rất ít ỏi, chỉ cần mất cảnh giác thì tài xế sẽ bị trừ hết điểm. Người điều khiển phương tiện không thể ỷ lại vào việc giảm nhẹ chế tài đối với vi phạm nồng độ cồn, vì nếu tái phạm hoặc vi phạm thêm 1 - 2 lỗi khác là số điểm có thể về 0. Và sự lô-gic, chặt chẽ, đồng bộ cũng thể hiện rõ, đó là quy định giảm mức phạt chỉ áp dụng với ngưỡng nồng độ thấp nhất, nên sẽ không xảy ra câu chuyện tràn lan rượu, bia mà vẫn lái xe, tức là dự thảo của Bộ Công an đảm bảo tính nhân văn nhưng vẫn trên tinh thần thượng tôn pháp luật", Luật sư Khương Tân Phương nêu quan điểm./.             

Trần Chiến

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN