Nghịch lý giá thịt lợn: Phần lợi thuộc về các khâu trung gian
(ĐCSVN) - Giá lợn hơi xuất chuồng đã xuống đến mức thấp nhất trong hơn chục năm trở lại đây nhưng giá thịt lợn thành phẩm đến tay người tiêu dùng vẫn rất cao bất kể là tại các chợ dân sinh hay ở siêu thị. Đó là một nghịch lý vẫn đã và đang tồn tại từ nhiều tháng nay. Vì sao lại có nghịch lý này?
Ảnh minh họa: TL
Giá chênh quá lớn từ chuồng nuôi đến tay người tiêu dùng
Bắt đầu giảm từ trước dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, đến nay giá lợn hơi tại nhiều địa phương ở miền Bắc đã gần như “chạm đáy”. Tuy đã “nhích” dần song đến cuối tháng 6, giá thu mua lợn hơi tại một số vùng thuộc ngoại thành Hà Nội cũng chỉ ở mức 20.000 - 22.000 đồng/kg. Thậm chí ở một số nơi, người nuôi lợn chấp nhận chịu thiệt, bán lợn để “cắt lỗ” nhưng thương lái cũng không thu mua hoặc tìm mọi cách gây khó khăn để ép giá xuống thấp hơn. Anh Nguyễn Văn Hiền ở thôn Duyên Trang, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên buồn bã cho biết: “Nuôi lợn gần 20 năm nay, chưa bao giờ tôi thấy giá lợn hơi lại xuống thấp như vậy. Tiếp tục nuôi thì không có vốn đầu tư mà gọi bán thì các chủ lò mổ lại trả giá thấp vì chê lợn quá… to”.
Thông thường, khi giá lợn hơi giảm mạnh thì người tiêu dùng cũng sẽ có cơ hội tiếp cận các loại thịt lợn thành phẩm với mức giá “mềm” hơn những thời điểm trước. Tuy nhiên, thực tế trong suốt những tháng gần đây, giá các loại thịt lợn bán tại các chợ, siêu thị vẫn rất “ổn định” hoặc có giảm nhưng không đáng kể. Cụ thể, theo khảo sát của phóng viên vào sáng ngày 20/6, tại chợ Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội), chợ Thanh Xuân Bắc, chợ Cầu Giấy… bình quân giá các loại thịt lần lượt là 75.000 đồng/kg với thịt nạc thăn; 70.000 đồng/kg với thịt ba chỉ; 80.000 - 85.000 đồng/kg với sườn lợn loại 1. Tại nhiều siêu thị, các sản phẩm thịt lợn vẫn được bán với mức giá khá cao: thịt mông sấn 90.000 đồng/kg; thịt nạc xay 95.000 đồng/kg; nạc vai 100.000 đồng/kg… Như vậy, rõ ràng từ chuồng nuôi qua tay thương lái và đến với người tiêu dùng thì giá thịt lợn đã bị nâng lên một cách “khó hiểu”.
Theo tính toán của chị Trần Thị Thành, chủ một lò mổ lớn tại xã Vạn Phúc (Thanh Trì, Hà Nội), với 100 kg lợn hơi, sau khi mổ sẽ còn khoảng từ 75 - 80 kg lợn thịt tuỳ theo chất lượng lợn nhập vào (mỡ nhiều hay mỡ ít, lợn xuất chuồng no hay đói…). Bình quân giá lợn bán móc hàm (cả con sau khi mổ bỏ nội tạng) là khoảng 35.000 - 37.000 đồng/kg. Mức giá này sẽ tiếp tục tăng lên từ 8.000 - 10.000 đồng/kg khi được chuyển đến cho người bán lẻ tại các chợ dân sinh. “Trừ các loại chi phí, trung bình với mỗi con lợn người mổ sẽ có lãi khoảng trên dưới 300.000 đồng”, chị Thành cho biết thêm.
Còn tại các siêu thị, câu trả lời chủ yếu mà người tiêu dùng nhận được đó là do siêu thị thường ký hợp đồng với các nhà cung cấp thịt lợn trong một khoảng thời gian nhất định. Vì thế, giá sản phẩm thịt lợn giảm hay không chủ yếu phụ thuộc vào các nhà cung cấp. Mặt khác, các siêu thị thường lựa chọn phương thức thanh toán trả chậm từ một đến hai tháng nên việc điều chỉnh giá sản phẩm sẽ chậm hơn so với thị trường truyền thống; đó là chưa tính đến các chi phí lãi suất cũng đều được đưa vào sản phẩm trước khi đến với người tiêu dùng.
Với việc chênh giá khá lớn của thịt lợn hơi xuất chuồng với giá thịt lợn thành phẩm tại các chợ, siêu thị như thời gian vừa qua, không chỉ có những người chăn nuôi chịu cảnh thua lỗ mà hàng triệu người tiêu dùng trên cả nước cũng đang chịu thiệt thòi khi phải mua thịt lợn với giá cao. Phần chênh lệch về giá đó chủ yếu thuộc về các thương lái, lò mổ… Nói theo cách khác, khâu sản xuất và người tiêu dùng đều bị thiệt, còn khâu trung gian thì được hưởng lợi do “giá mua vào thấp, giá xuất ra cao”.
Lời giải cho bài toán khó
Theo tìm hiểu của phóng viên, thực tế việc phân phối sản phẩm thịt lợn tại nhiều địa phương đến nay đang tồn tại quá nhiều khâu trung gian. Chính nguyên nhân này đã khiến cho các sản phẩm thịt lợn khi đến được tay người tiêu dùng đã bị đẩy giá lên mức cao bất hợp lý so với giá thu mua ban đầu từ người chăn nuôi. Theo đó, lợn xuất chuồng phần lớn là được các thương lái nhỏ lẻ thu gom. Sau đó, các thương lái này tập trung số lợn thu mua được để bán lại cho những thương lái lớn hơn. Tiếp đó, thương lái vận chuyển về lò mổ; lợn thịt mổ ra tiếp tục qua 2 - 3 khâu trung gian nữa mới đến được tay người tiêu dùng. Đi cùng với mỗi khâu này là hàng loạt những chi phí như chuyên chở, vận chuyển, kiểm dịch, thuê kho bãi, thuê sạp bán hàng… Toàn bộ những chi phí này đều được tính vào giá thịt thành phẩm.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến còn cho rằng ngoài lý do nhiều khâu trung gian trong buôn bán, phân phối thịt lợn thì còn có tình trạng tiểu thương liên kết cố gắng giữ mức giá cao hoặc giảm không đáng kể để thu được nhiều lãi. Đây là minh chứng cụ thể cho những hạn chế trong công tác quản lý, điều tiết thị trường các sản phẩm thịt lợn hiện nay. Mặt khác, còn có một phần nguyên nhân nằm ở chính thói quen sử dụng thịt lợn của đại đa số người tiêu dùng. Theo thống kê, hiện có tới 90% người nội trợ đang thường xuyên sử dụng thịt lợn được giết mổ trong ngày (thịt tươi). Nếu người tiêu dùng chuyển dần sang sử dụng sản phẩm thịt lợn cấp đông do các công ty có uy tín cung cấp thì sẽ rất thuận lợi cho việc quản lý giá cũng như công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Được biết mới đây, trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 5, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc làm rõ những bất hợp lý trong tình trạng chênh lệch lớn giữa giá lợn hơi xuất chuồng với giá thịt lợn thành phẩm hiện nay. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ thị trường, thu mua thịt lợn và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi lợn. Đây là một tín hiệu tích cực thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
Để khắc phục từng bước nghịch lý về giá thịt lợn, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có chế tài hợp lý để kiểm soát giá bán lẻ, bởi hiện nay giá bán lẻ thịt lợn được hoàn toàn thả nổi, chưa có quy định ràng buộc người bán lẻ phải giảm giá khi giá thu mua nguyên liệu đầu vào thấp. Về lâu dài, để lành mạnh hóa thị trường thịt lợn, bảo đảm hài hòa các lợi ích thì cần phải cơ cấu lại thị trường, tổ chức lại khâu phân phối, giảm bớt khâu trung gian. Đồng thời, có chính sách tạo điều kiện và đẩy mạnh việc tổ chức lại chăn nuôi theo chuỗi giá trị, liên kết từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và có sự cam kết về giá cả đầu ra ổn định… Thực hiện tốt những vấn đề nói trên không chỉ là cơ sở quan trọng để bình ổn thị trường nông sản mà còn giúp cho người chăn nuôi lợn nói riêng và người nông dân nói chung được bù đắp một cách tương xứng những công sức họ đã bỏ ra trong quá trình lao động sản xuất./.