Nghi lễ nông nghiệp của người Ơ Đu
(ĐCSVN) - Tết mừng tiếng sấm còn gọi là Tết Chăm Phtrong, một nghi lễ nông nghiệp quan trọng bậc nhất của đồng bào Ơ Đu, tỉnh Nghệ An với ý nghĩa cầu mong mùa màng, cây trồng tốt tươi, mưa gió thuận hòa.
Ơ Đu là một trong 5 dân tộc ít người nhất của Việt Nam (Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Ơ Đu). Dân số tộc người Ơ Đu trên 376 người. Trước đây, đồng bào sống độc lập, ít giao tiếp với các dân tộc bên ngoài, chủ yếu giao tiếp với người Thái, Khơ Mú khi có nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa. Dân tộc Ơ Đu có nền văn hóa đậm bản sắc dân tộc với ngôn ngữ, chữ viết, trang phục và những phong tục, tập quán riêng, trong đó nổi bật là nghi lễ nông nghiệp Tết mừng tiếng sấm.
Trong các hoạt động giới thiệu văn hóa truyền thống của người Ơ Đu, tỉnh Nghệ An với sự tham dự của các chủ thể văn hóa, diễn ra tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây - Hà Nội) đồng bào dân tộc Ơ Đu, tỉnh Nghệ An đã giới thiệu tới công chúng Thủ đô những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình qua Tết mừng tiếng sấm. Đây là một phong tục dân gian cần được quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ hội trước nguy cơ bị mai một.
Đồng bào dân tộc Ơ Đu có đời sống khá lệ thuộc vào tự nhiên, do vậy nông nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng với cả cộng đồng. Tết mừng tiếng sấm còn gọi là Tết Chăm Phtrong, nghi lễ nông nghiệp quan trọng bậc nhất của đồng bào Ơ Đu, tổ chức với mong ước mùa màng cây trồng, tốt tươi, mưa gió thuận hòa. Đồng bào có quan niệm một năm mới bắt đầu bằng mốc nghe tiếng sấm đầu tiên, vào khoảng từ tháng 2 đến đầu tháng 4, nguồn năng lượng siêu nhiên ban tặng báo hiệu cho một mùa gieo trồng mới.
Để tiến hành Tết mừng tiếng sấm, nghi lễ nông nghiệp quan trọng nhất trong năm, đồng bào thành kính, trang trọng chuẩn bị các vật phẩm cần thiết cho buổi Lễ.
Chủ lễ bày lễ vật thực hiện nghi thức mời gọi các vị thần về chứng kiến buổi lễ của dân làng. |
Chủ lễ cất nên tiếng hú gọi sấm, gọi mưa mời các vị giàng về chứng kiến nghi lễ của dân làng, thực hiện các nghi thức lễ cổ truyền, đọc lời khấn cầu thần sấm đem đến nguồn nước cho bà con sinh sống và trồng trọt, cầu mong một năm mưa gió thuận hòa, mùa màng tươi tốt, người dân khỏe mạnh, may mắn. Sau phần thực hiện các nghi thức khấn, thày lễ ăn một ít đồ ăn và uống một chút rượu, kết thúc phần Lễ.
Sau phần Lễ là phần Hội, chủ thể lễ hội cùng khách tham dự cùng thưởng thức rượu cần, lễ vật và nhảy múa theo những giai điệu truyền thống của người Ơ Đu. Không gian Lễ náo nhiệt trong âm thanh rộn rã, vui tươi của cồng chiêng, trống và những nhạc cụ được làm từ ống nứa. Những âm thanh nguyên sơ của núi rừng, gợi đưa người xem về một không gian săn bắn, không gian làm rẫy, giữ làng, giữ nước của tộc người Ơ Đu. Tết Chăm Phtrong kéo dài từ 5 đến 7 ngày cho đến khi mọi thủ tục cúng lễ thần sấm trong bản làng hoàn tất thì kết thúc.