Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nghệ thuật hóa trang trên mặt nạ tuồng dân gian Việt Nam

Thứ Hai, 10/06/2024 13:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nghệ thuật hóa trang mặt nạ tuồng là yếu tố cốt lõi giúp lan tỏa sức sống của tuồng dân gian Việt Nam. Mỗi mặt nạ tuồng là một tác phẩm mỹ thuật sống động, ẩn chứa và phô diễn những góc nhìn văn hóa đa chiều, thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật hội họa dân gian.

Tuồng (hát Bội) xuất hiện vào thế kỷ thứ XII đời nhà Trần một loại hình sân khấu cung đình dành cho cung vua, phủ chúa. Môn nghệ thuật dân gian này phát triển cực thịnh ở miền Trung thời vua Tự Đức (1848 - 1883). Ở thời kỳ cực thịnh, trong các lễ hội lớn ở các làng, xã nước ta hầu như đều diễn tuồng. Những đêm hát tuồng ở sân đình, từ quan viên, chức sắc cho đến dân chúng không ai không đắm mình thưởng thức bộ môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc vang lên trong tiếng trống chầu rộn rã.

Trong nghệ thuật tuồng, người nghệ sĩ tuồng ngoài tài năng diễn xuất, hát hay, múa giỏi, còn phải biết tự hóa trang gương mặt khi lên sân khấu. Nghệ thuật hóa trang trong tuồng Việt Nam độc đáo, tùy theo tính cách của nhân vật hay nội dung vở diễn mà tương ứng với một loại mặt nạ tuồng. Nội dung các vở tuồng mang âm hưởng hùng tráng, nội dung ngợi ca những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa; đấu tranh với cái xấu, cái ác, tôn vinh cái thiện, cái đẹp; tinh thần uống nước nhớ nguồn, lao động cần cù...

Sự đa dạng trong nội dung các vở diễn đòi hỏi khả năng sáng tạo trong trang trí, hóa trang các mặt nạ nhân vật sao cho phù hợp với vai diễn, vở diễn, đặc biệt là phải hỗ trợ cho nội dung để chuyển tải những thông điệp vở diễn. Gắn bó với quá trình hình thành và phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử dân tộc, loại hình nghệ thuật này đã thẩm thấu đời sống dân gian, phản ánh đậm nét một góc nhìn hội họa. 

 Nghệ thuật hóa trang là một trong những yếu tố cốt lõi làm nên giá trị của tuồng dân gian Việt Nam. Ảnh: Thế Dương

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tuồng Việt Nam dùng loại mặt nạ được vẽ trực tiếp lên mặt người diễn, dựa trên các tích tuồng. Màu sắc trên mặt nạ tuồng mang đặc trưng văn hóa phương Đông. Màu đỏ tượng trưng cho người thẳng thắn, trí dũng, nghĩa khí, trung liệt. Màu trắng là nhân vật có diện mạo đẹp, thư sinh, nhu mì, trong sáng. Trắng mốc, xám, hồng lợt, vỏ cua là vai nịnh thần, gian thần, bạc bẽo, vong ân bội nghĩa. Xanh da trời thể hiện nhân vật chưa biết tốt, xấu, mưu mô hay xảo quyệt.

Những gương mặt dùng màu sắc trung tính, nhẹ nhàng, dùng cho gương mặt của lão văn, lão tiều, phụ nữ và trẻ em. Còn màu lục tượng trưng nhân vật không chung thủy…

Các nghệ sĩ dân gian cũng thể hiện màu sắc theo lối âm dương. Người mang mặt nạ sắc dương đại diện cho những người chính nhân quân tử, trung nghĩa, hiếu lễ. Những người mang mặt nạ sắc âm (màu lạnh), đại diện cho thế lực hắc ám thù địch, tráo trở. Kỹ thuật dùng màu đối lập màu đỏ (hỏa) khắc với nhân vật màu đen (thủy) được vận dụng trong những vai diễn mang tính chất thù địch, đối lập nhau.

Đường nét và màu sắc trong mặt nạ hóa trang được người nghệ sỹ vẽ tinh giản, gợi hình, chắt lọc những nét bản chất nhất để thể hiện ngoại hình, nội tâm nhân vật tuồng. Đồng thời “bố cục đối xứng” một dạng bố cục mỹ thuật được các nghệ sĩ dân gian sử dụng phổ biến khi vẽ mặt nạ tuồng.

Ước tính nước ta có khoảng 500 vở tuồng, nổi bật có vở Sơn hậu, Tam nữ đồ vương, Trưng nữ vương, Trần Quốc Toản ra quân, Nguyệt cô hóa cáo, Đào Tam Xuân, Vạn Bản trình tường, Kim Thạch kì duyên… Cùng đó là hàng trăm nhân vật tuồng tham gia diễn xuất với những nội dung đa dạng. Điều đó cho thấy sự phong phú về thể loại, số lượng các nhân vật tuồng trong mảng màu văn hóa dân gian này.

Nghệ thuật trang trí tuồng gắn kết cùng các giá trị nghệ thuật diễn xướng dân gian, ca, vũ, nhạc, nội dung các tích trò mang các ý nghĩa lịch sử, giá trị nhân văn… Tất cả đã hình thành và lưu giữ một di sản văn hóa quý giá của văn hóa dân gian Việt Nam.

Bài ảnh: N Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN