Nghề “chăn khách” đi lễ chùa Hương
(ĐCSVN) - “…Nhiều khi phải chấp nhận nguy hiểm, bám theo xe của khách để mời chào, có ngày kiếm được, có ngày trở về tay không, nhưng vẫn phải gắn bó với “nghề”... chỉ vì cuộc sống mưu sinh” - đó là chia sẻ của một người hành nghề “chăn khách” chùa Hương.
Chuyến đi khởi hành từ Hà Nội. Khi xe vừa tới ngã tư Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) đã có một xe máy vọt nhanh đuổi theo. Chưa kịp định hình chuyện gì, quay sang cửa xe bên trái đã thấy một thanh niên liên tục gõ cửa kính. Anh ta mời chào và đưa cho chúng tôi một tấm thiệp (tạm gọi là cardvisit) với đầy đủ thông tin nhà đò, số đò, số điện thoại liên lạc, các dịch vụ…và nói với theo “các anh chị cứ xuống bến là có người nhà em đón, đi đường các anh chị cứ giơ tấm thiệp to này ra, sẽ không bị đeo bám”. Thì ra người thanh niên này đã “đặt gạch”, đánh dấu rằng “hàng đã có chủ” lên đoàn chúng tôi.
Khi dừng xe vào một quán nước ở đầu QL 21, địa phận quận Hà Đông, một tay “chăn khách” khác cho chúng tôi biết biết mình tên Nguyễn Quang Th., 43 tuổi, nhà ở thị trấn Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức). Anh Thành cho biết do nhà ít ruộng, lại không được học hành đến chốn, lớn lên bôn ba đủ nghề từ phụ xe, thợ xây, buôn hàng chuyến…khi chán bỏ đã trở về làm nghề đón khách, thu nhập không ổn định nhưng được cái gần nhà, gần vợ và đàn con 4 đứa.
“…công việc vất lắm các anh ạ, nhiều khi phải chấp nhận nguy hiểm, rượt đuổi trên đường, bám theo xe của khách đi hội để mời chào, ngày nhiều được đôi trăm nghìn, có ngày “đen” trở về tay không, nhưng vẫn phải gắn bó với “nghề”, tất cả cũng chỉ vì cuộc sống mưu sinh cơm áo thôi” – anh Thành tâm sự.
Tiếp tục chuyến du xuân, khi xe tới đoạn cầu Thanh Ấm, thuộc thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) thì có đến 3 xe máy tăng ga đeo bám. Người tiếp cận được chúng tôi đầu tiên là một thanh niên còn khá trẻ, cậu này tên Vũ, nhà ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức. Thanh niên này cho biết, bản thân học xong cấp ba năm vừa rồi nhưng không vào được đại học, nhà lại đông anh em, trong khi chưa biết làm nghề gì, học gì tiếp thì tranh thủ những ngày hội đi đón khách cho bố mẹ làm chèo đò ở bến Yến.
Vũ chia sẻ thêm rằng, dân làm nghề chăn khách như mình nhìn bên ngoài tưởng hoạt động lộn xộn, nhưng thực ra đều theo một “lệ bất thành văn” cả. Cụ thể như cung đường từ Hà Nội về đến chùa Hương đều có phân đoạn hoạt động rõ ràng, có người hoạt động từ Hà Đông ra đến địa phận huyện Ứng Hòa, có người từ thị trấn Vân Đình đến địa phận thị trấn Tế Tiêu…không ai chồng lấn lên ai cả, nếu hết đoạn đường mà không mời chào khách thành công bắt buộc phải quay đầu, cơ hội sẽ dành cho những người còn lại ở các đoạn đường sau. Còn nếu làm tốt, một ngày một người có thể kiếm được từ 200 – 300 nghìn đồng.
Khi chúng tôi đến ngã tư Bến Đục, địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, dù không giơ tấm cardvisit lúc ở Hà Nội ra. Nhưng vẫn có một người phụ nữ đon đả ra đón chào, chị ta cho biết đoàn chúng tôi do chồng mình đón từ Hà Nội (tức người đưa cardvisit ở đường Khuất Duy Tiến - PV). Hỏi ra mới biết, anh chồng trên kia đã nhắn cho chị vợ biển số xe, thập chí anh ta còn cẩn thận chụp ảnh xe chúng tôi rồi gửi qua mạng Zalo cho vợ đầu dưới tiện nhận diện ra khách.
Là nghề kiếm cơm, nhưng hoạt động chào đón khánh đi lễ Chùa Hương cũng tiềm ẩn khá nhiều nguy hiểm, rủi ro. “ Năm ngoái một ông bạn tôi nhà ở thôn Tiên Mai, xã Hương Sơn đã phải nhập viện sau một tai nạn xe máy nghiêm trọng xảy ra ở địa phận xã Do Lễ, huyện Kim Bảng (Hà Nam). Số là trong lần rượt đuổi theo khách, không may ông bạn tông phải 2 mẹ con đi trong ngõ làng ra, hậu quả bà mẹ bị tử vong, đứa con cùng ông bạn tôi bị thương nặng nhập viện cấp cứu” – Ông Bùi Trung Sĩ, nhà ở xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng cho biết.
Ở góc độ khác, ông Phạm Viết Mạnh nhà ở xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, Hà Nội – người hành nghề “chăn khách” chùa Hương đã 4 năm chia sẻ: Thực ra chúng tôi nghĩ việc mời chào khách cũng chỉ đơn giản như nghề xe ôm hay công việc khác thôi, tuy nhiên trong số anh em hành nghề, cũng có những người lợi dụng việc đó để bán khách, để chặt chém mỗi khi chăn dắt được khách, hoặc giành giật nhau mà gây mất an toàn giao thông trên đường, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong mùa lễ hội.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hoạt động chăn dắt khách xuất hiện ở tất cả các ngả đường dẫn về danh thắng Chùa Hương như: ở Hà Nam thì cánh chăn khách tập trung các địa điểm như đầu QL 38 (thị trấn Đồng Văn), cầu Hồng Phú, Cầu Châu Sơn dẫn vào QL 21B (thành phố Phủ Lý); ngã tư Ngọc Sơn (thị trấn Quế, huyện Kim Bảng); đầu đường ĐT 498 đi Chùa Hương thuộc xã Khả Phong (huyện Kim Bảng); phía tỉnh Hòa Bình thì đón ở địa bàn đầu QL 21A, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, ngã tư Chợ Bến, huyện Lương Sơn; khu vực Hà Nội đón ở địa bàn đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân), đường 21B (quận Hà Đông) và thị trấn Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức), dốc Bồ (xã Lưu Hoàng, Ứng Hòa); chợ Dầu, xã Đội Bình (huyện Ứng Hòa)…
Có một điểm chung là những người hành nghề đều sinh sống ở các khu vực lân cận Chùa Hương. Họ thường giả làm xe ôm hoặc người đi lễ đứng bên đường, khi thấy xe ôtô chở đông người, hoặc xe máy chở đồ lễ đi vào hướng Chùa Hương sẽ bám theo mời chào khách mua vé đò, vé cáp treo gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Những năm qua, các cơ quan chức năng đều nỗ lực trong việc phát hiện, xử lý những người hoạt động cò mồi, chèo kéo khách đi lễ. Tuy nhiên trong mùa lễ hội 2017, nghề chăn khách vẫn hoạt động khá phổ biến công khai. Nếu chiểu theo Điểm b, Khoản 1, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/11/2013 (Quy định xử phạt vi phạm Hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng chống bạo lực gia đình), các hoạt động trên sẽ bị khép vào hành vi Gây rối trật tự công cộng, người vi phạm có thể bị xử phạt từ 100.000 – 300.000 đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội), Trưởng ban tổ chức Lễ hội chùa Hương 2017 cho biết: Từ đầu mùa lễ hội, lực lượng chuyên trách của ban tổ chức đã bố chí người trực ở khắp các ngả đường nhằm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm những người hoạt động cò mồi, chèo kéo khách đi lễ. Tại địa phương, mùa lễ hội năm nay chứng tôi đã ngăn chặn xử lý khá triệt để tình trạng này, tuy nhiên ở địa phận khác ngoài huyện Mỹ Đức,việc bao quát xử lý triệt để tình trạng trên vẫn gặp nhiều khó khăn. Để chấn chỉnh được triệt để tình trạng trên, thời gian tới cần sự liên kết công tác giữa huyện Mỹ Đức với các địa phương lân cận…
Còn theo lý giải của một số người hành nghề "chăn khách", do sinh ra trên quê hương lễ hội, ruộng ít, thất học, một số người quá tuổi lao động phổ thông, nên chỉ còn cách hoạt động nghề ăn theo lễ hội để tồn tại, nuôi sống bản thân, gia đình.
Và có tìm hiểu thực tế, chúng tôi mới thấy trong vấn đề này vẫn còn nhiều điều phải trăn trở, nhất là vấn đề công ăn việc làm, tình trạng thất nghiệp, lao động nông nhàn…đó mới là những mấu chốt hóa giải nếu muốn giải quyết triệt để được nạn cò mồi, chèo kéo khách trong các mùa lễ hội Chùa Hương./.