Ngày này năm xưa: 30/8
(ĐCSVN) - Ngày 30/8/1930, Huyện uỷ Nam Đàn lãnh đạo 3.000 nông dân có vũ trang tự vệ biểu tình thị uy lên huyện lỵ, đòi chi huyện giải quyết các yêu sách của nông dân. Quần chúng ập đến phá cửa nhà lao để giải phóng tù chính trị; vào công đường lục hồ sơ các vụ án đem đốt. Tri huyện phải ký tên, đóng ấn vào bản yêu sách của quần chúng, trong đó có lời ghi cam kết: "Từ nay về sau, tri huyện không được nhiễu hại nhân dân".
Sự kiện trong nước:
- Đêm 30/8 rạng ngày 31/8/1917, 300 binh sĩ do Đội Cấn chỉ huy đã phát động khởi nghĩa tại Thái Nguyên. Lương Ngọc Quyến được cử làm cố vấn kiêm Phó Tư lệnh. Nghĩa quân giết chết tên chúa ngục Thái Nguyên, giải phóng toàn bộ tù nhân, trong số đó phần lớn là tù chính trị trong các vụ Đề Thám, Duy Tân, Đông Du. Nghĩa quân làm chủ Thái Nguyên suốt bảy ngày. Giặc Pháp đưa viện binh từ Hà Nội lên phản công dữ dội. Đội Cấn nêu cao tinh thần thà chết không hàng giặc, đã tự sát tại khu căn cứ Núi Pháo. Vì tàn phế, không đi được, Lương Ngọc Quyến cũng tự sát để nghĩa quân dễ dàng rút lui nhằm bảo tồn lực lượng.
Chí sĩ Lương Ngọc Quyến và Đội Cấn. Ảnh: Thanhnien.vn |
- Ngày 30/8/1930, Huyện uỷ Nam Đàn lãnh đạo 3.000 nông dân có vũ trang tự vệ biểu tình thị uy lên huyện lỵ, đòi chi huyện giải quyết các yêu sách của nông dân. Bọn nha lại, lính tráng khiếp sợ đứng im. Quần chúng ập đến phá cửa nhà lao để giải phóng tù chính trị; vào công đường lục hồ sơ các vụ án đem đốt. Tri huyện phải ký tên, đóng ấn vào bản yêu sách của quần chúng, trong đó có lời ghi cam kết: "Từ nay về sau, tri huyện không được nhiễu hại nhân dân".
- Chiều ngày 30/8/1945, Hoàng đế Bảo Đại, vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam mặc triều phục, đọc "Chiếu thoái vị’, xin được làm công dân của nước Việt Nam độc lập và dân chủ và trao ấn vàng cùng thanh kiếm vàng nạm ngọc của hoàng triều cho ông Trần Huy Liệu (trưởng phái đoàn). Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố chấp nhận vua Bảo Đại thoái vị. Trong lúc đó cờ quẻ Ly của nền quân chủ từ từ hạ xuống, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh được kéo lên thay thế, nền quân chủ chuyên chế chính thức chấm dứt.
- Ngày 30/8/1947 (tức 15 tháng 7 âm lịch), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi Hội Phật tử Việt Nam” với nội dung: “Nhân ngày lễ Phật rằm tháng Bảy, tôi kính cẩn cầu nguyện Đức Phật bảo hộ Tổ quốc và đồng bào ta, và tôi gửi lời thân ái chào các vị trong Hội Phật tử. Từ ngày nước ta trở nên Dân chủ Cộng hòa, Hiến pháp ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì Phật giáo cũng phát triển một cách thuận tiện. Thế là: Nước có độc lập, thì đạo Phật mới dễ dàng mở mang... Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma. Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ. Trong cuộc kháng chiến cứu nước, đồng bào Phật giáo đã làm được nhiều. Tôi cảm ơn đồng bào, và mong đồng bào cố gắng thêm, cố gắng mới, cho đến ngày trường kỳ kháng chiến thắng lợi, thống nhất độc lập thành công”.
- Ngày 30/8/1965, trong “Thư khen đồng bào, cán bộ và bộ đội miền Bắc đã bắn rơi 500 máy bay Mỹ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đồng bào, cán bộ và bộ đội ta không được vì thắng lợi mà chủ quan, cần luôn luôn nâng cao cảnh giác, đoàn kết chặt chẽ, thi đua chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi”.
Sự kiện quốc tế:
- Ernest Rutherford sinh ngày 30/8/1871, là tác giả của nhiều phát minh mới quan trọng, nhà bác học Anh, đã đề xướng những quan niệm mới cơ bản trong vật lý học. Nǎm 1919 ông đã đưa lý thuyết về phản ứng hạt nhân đầu tiên được thực hiện trong lịch sử khoa học. Lý thuyết này mở ra khả năng biến nguyên tố này thành nhiều nguyên tố khác, từ chì, đồng, sắt có thể qua bắn phá trở thành vàng. Với ý nghĩa ấy, ông đã viết tác phẩm "Giả kim thuật mới". Những tác phẩm nổi tiếng khác là: "Hiện tượng phóng xạ", "Lịch sử các tia anpha trong các biến đổi hạt nhân", "Bức xạ phát ra từ các chất phóng xạ". Ông được nhận giải thưởng Nobel về hoá học nǎm 1908 và được coi là một trong những nhà bác học lớn nhất của nhân loại.
- Henri Barbusse - nhà vǎn Pháp, người giữ vai trò tiên phong trong việc tuyên truyền và phát triển tư tưởng vǎn học theo hướng thực hiện xã hội chủ nghĩa ở Pháp. Ông là người nhiệt thành ca ngợi cách mạng tháng Mười Nga. Nǎm 1923 ông ra nhập Đảng Cộng sản Pháp. Các tiểu thuyết và truyện ký của ông có :"Những người van nài", "Địa ngục", "Khói lửa", "Ánh sáng", "Xiềng xích", "Stalin"... trong số này tiểu thuyết "Khói lửa" được coi là viên gạch đặt nền móng cho vǎn học xã hội chủ nghĩa Pháp. Lê-nin khi nói về giá trị vǎn chương Bacbuýt đã nhận định: Ta có thể xem tiểu thuyết "Khói lửa" và "Ánh sáng" là những khẳng định đặc biệt rõ rệt về sự phát triển ý thức cách mạng của quần chúng đang diễn ra ở khắp nơi...". Henri Barbusse qua đời tại Mátxcơva vào ngày 30/8/1935./.