Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 29/8

Thứ Năm, 29/08/2024 08:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 29/8/1975, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức trọng thể lễ khánh thành lǎng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội trường Ba Đình.

Sự kiện trong nước:

- Ngày 29/8/1952, Báo Cứu Quốc đăng bài: “Sẵn tiền, sẵn lòng, tát biển Đông cũng cạn” với bút danh ĐX, Bác nói lên tinh thần của nhân dân đối với công cuộc kháng chiến, kiến quốc và kết luận bằng hai câu văn vần: “Nhân dân ta sẵn sức, sẵn của, sẵn lòng/Cán bộ tận tụy và trong sạch thì mười việc thành công cả mười”.

- Ngày 29/8/1958, đóng góp ý kiến về kế hoạch mở rộng Thủ đô tại cuộc họp của Bộ Chính trị, Bác nhắc nhở: “Mở rộng thành phố phải căn cứ vào thiên thời (mưa, gió, nắng...), địa lợi (địa chất, sông, hồ...) và nhân hòa (lợi ích của nhân dân, của Chính phủ). Công tác quy hoạch thành phố phải hợp lý, bảo đảm được cả về kinh tế, mỹ quan và quốc phòng, phải có kế hoạch vận động quần chúng tham gia, có ban phụ trách để chịu trách nhiệm, tránh lối làm đại khái, lãng phí”.

- Ngày 29/8/1975, công trình Lăng Bác được khánh thành: Đáp ứng nguyện vọng tha thiết của toàn dân, Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ ta đã quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng lăng của Người tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ngày 2/9/1973 công trình xây dựng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính thức khởi công. Việc xây dựng lăng được Liên Xô hết lòng giúp đỡ. Ngày 29/8/1975, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức trọng thể lễ khánh thành lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội trường Ba Đình.

 Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguồn: bqllang.gov.vn

- Ngày 29/8/1988, ngày mất nhà thơ - nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ cùng vợ là nữ sĩ Xuân Quỳnh. Cách đây 34 năm, giữa lúc tài năng đang vào độ chín, nhà thơ, kịch tác gia Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh qua đời trong một tai nạn giao thông. Sự ra đi của hai người là một khoảng trống lớn không dễ gì thay thế đối với nền nghệ thuật sân khấu cũng như thi đàn Việt Nam. Lưu Quang Vũ là tác giả của gần 50 vở kịch, trong đó có nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, như “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Lời thề thứ 9”, “Bệnh sĩ”... Nếu như kịch của ông mang đậm hơi thở thời đại thì thơ của ông không chỉ bay bổng, tài hoa mà còn giàu cảm xúc, khát khao. Còn Xuân Quỳnh đã xuất bản được 10 tập thơ, những thi phẩm của bà giàu cảm xúc với nhiều cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn hết mình của nữ thi sĩ. Nhiều bài thơ của bà đã trở nên nổi tiếng như “Thuyền và biển”, “Sóng”, “Hoa cỏ may”, “Tự hát”…

- Ngày 29/8/1994, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước ta đã ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng". Từ cuối năm 1994 đến tháng 4/1997, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng 38.805 "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", trong đó có 11.048 bà mẹ còn sống. Riêng thủ đô Hà Nội có 637 bà mẹ được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", trong đó có 131 bà mẹ còn sống. Nhằm bảo đảm cho các bà mẹ có cuộc sống ổn định về vật chất, thanh thản về tinh thần, cùng với chính sách của Nhà nước, trong cả nước đã dấy lên phong trào phụng dưỡng "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", "Áo ấm tặng mẹ", "Áo lụa tặng bà", "Qùa tặng mẹ" ...

Sự kiện quốc tế:

- Ngày 29/8/1831, Michael Faraday khám phá hiện tượng cảm ứng điện từ khi tiến hành thí nghiệm. Sự khám phá ra định luật tạo ra hiệu ứng này (định luật Faraday) được công nhận là thành tựu cá nhân vĩ đại nhất của Faraday./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN