Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 23/8

Thứ Sáu, 23/08/2024 07:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 23/8/1945 là ngày tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám giành chính quyền thắng lợi ở Kinh đô Huế, đánh dấu sự chấm dứt vĩnh viễn chế độ phong kiến quân chủ hàng ngàn năm trong lịch sử dân tộc nước ta.

Sự kiện trong nước

- Ngày 23/8/1907, nhà viết kịch bản tuồng Đào Tấn qua đời. Suốt cuộc đời ông mang hết tâm huyết cống hiến cho loại hình nghệ thuật tuồng. Ông là người đầu tiên mở trường đào tạo nghệ nhân tuồng trên đất Việt, là người đã để lại hàng trăm pho kinh điển và mẫu mực cho sân khấu tuồng Việt Nam. Các vở tuồng xuất sắc của ông, có thể kể đến như Quần trân hiểu thoại, Tứ quốc lai vương, Tam bảo thái giám hữu bửu, Cổ thành, Quan công quá quan, Tâm dã Đồn, Hoàng Phi Hổ quá quan, Trần hương các, Hộ sanh đàn, Khuê các anh hùng… Với những đóng góp đặc biệt xuất sắc Đào Tấn xứng đáng được hậu thế suy tôn là “Hậu Tổ” của nghệ thuật tuồng Việt Nam.

Đào Tấn được hậu thế suy tôn là “Hậu Tổ” của nghệ thuật tuồng Việt Nam. Ảnh tư liệu

- Ngày 23/8/1925, Nguyễn Ái Quốc làm bài thơ “Hãy thương yêu nhau và cùng nhau đoàn kết” đăng trên báo Thanh Niên, kêu gọi mọi giới đồng bào đoàn kết vì sự nghiệp chung. Bài thơ có những đoạn (dịch lại từ bản tiếng Pháp):

“Kẻ không đoàn kết cũng như chim lạc đàn
Chóng hoặc chày rồi sẽ trúng tên
Vì đơn độc sẽ làm mồi cho hiểm họa
Từ kết đoàn hạnh phúc sẽ sinh sôi.

Hãy liên kết như thể thân mình
Ngũ quan cùng với tay chân dính liền
Tách rời nhau thời không thể sống
Chỉ cùng với nhau sức lực mới sinh sôi”.

- Ngày 23/8/1945, hàng vạn nhân dân Thừa Thiên-Huế và các đội cứu quốc quân tiến về Sân vận động Huế, dưới rừng cờ đỏ sao vàng hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Nước Việt Nam của người Việt Nam”. Khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân như “triều dâng, thác đổ” không gì ngăn cản nổi, đã biến cuộc mít tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim mừng việc Nhật trao trả quyền cai trị Nam Kỳ cho triều đinh nhà Nguyễn ở Sân vận động Huế thành cuộc mít tinh biểu dương lực lượng, giành chính quyền của cách mạng. Tại đây, đồng chí Tố Hữu, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa đọc diễn văn, tuyên bố từ nay chính quyền về tay nhân dân, đồng thời trân trọng giới thiệu ra mắt Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên-Huế do ông Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch.

Hàng vạn người dân Thừa Thiên Huế và các Đội Cứu quốc quân tiến về sân vận động Huế Mùa thu Tháng 8/1945 (ảnh tư liệu). 

Sau cuộc mít tinh ngày 23/8 tại Sân vận động Huế, Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên-Huế điện ra Hà Nội báo cáo với Trung ương về thắng lợi khởi nghĩa và đề nghị cử phái đoàn vào tiếp nhận thoái vị của vua Bảo Đại. Đến ngày 30/8/1945, vua Bảo Đại chính thức thoái vị, sự kiện chấm dứt vĩnh viễn chế độ phong kiến quân chủ hàng ngàn năm trong lịch sử dân tộc nước ta.

- Ngày 23/8/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường Đảng Lê Hồng Phong (Hà Nội). Phát biểu với cán bộ và học viên của trường, Người nói: “Học tập lý luận cốt là để áp dụng vào thực tế. Học đi đôi với hành, có học mới làm được việc”. (Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 7).

- Ngày 23/8/1965, Báo Nhân Dân đăng bài “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua” của Bác Hồ (với bút danh là “Chiến Sĩ”). Bài báo lên án việc Tổng thống Mỹ L.B. Giônxơn (L.B.Johnson) vừa tăng cường chiến tranh vừa đưa ra chiêu bài thương lượng hòa bình. Bài báo đưa ra thông điệp: Bao nhiêu lính Mỹ vào Việt Nam sẽ trở thành bấy nhiêu cục chì đè nặng lên cổ đế quốc Mỹ và làm nó sa lầy càng sâu thêm... “Chúng thêm 5 vạn hay là 50 vạn lính Mỹ, chúng cũng sẽ thua, ta cũng sẽ thắng”. Cách giải quyết “hòa bình trong danh dự” là Mỹ phải thực hiện đúng Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, như bốn điểm của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và năm điều của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã nêu rõ”.

 Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh. (Ảnh nguồn: Web Bảo tàng lịch sử)

- Ngày 23/8/1979, UBND TP Hồ Chí Minh ký quyết định thành lập Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh. Trên khuôn viên rộng 6.057m2, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh sở hữu nhiều sưu tập độc đáo, quý giá có nguồn gốc từ nhiều quốc gia, dân tộc; chất liệu, loại hình vô cùng đa dạng, phong phú. Các bộ sưu tập giới thiệu về lịch sử, văn hóa Việt Nam từ  thời nguyên thủy đến năm 1945 và giới thiệu về những nét văn hóa độc đáo ở các tỉnh phía Nam và một số nước trong khu vực châu Á...

Sự kiện quốc tế

- Ngày 23/8/1944, nhân dân Ru-ma-ni dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và được sự giúp đỡ của quân đội Liên Xô đã giải phóng đất nước. 

- Ngày 23/8/1945, một cuộc mít tinh lớn diễn ra tại khu vực chợ Mới (Lào) có đông đảo nhân dân Lào và Việt kiều tham gia. Cuộc mít tinh đánh dấu cuộc khởi nghĩa Viêng Chăn giành thắng lợi, thúc đẩy và tạo điều kiện cho các địa phương khác trên đất Lào đứng lên khởi nghĩa thắng lợi.
 
PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN