Ngày này năm xưa: 22/9
(ĐCSVN) - Ngày 22/9/1943, dưới chân thác nước Coỏng Tát tại thôn Bản Duồm, xã Thượng Ân (Ngân Sơn), thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tuyên bố thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Bắc Kạn - Chi bộ Chí Kiên.
Sự kiện trong nước
- Ngày 22/9/1912: Ngày sinh Nhà thơ Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử còn có tên là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22/9/1912 tại Lệ Mỹ, thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ông là một nhà thơ lãng mạn xuất sắc nửa đầu thế kỷ XX, một ngôi sao sáng của phong trào Thơ mới trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam.
Trong sự nghiệp văn chương của mình, Hàn Mặc Tử đã để lại nhiều tác phẩm văn thơ đáng chú ý. Những tập thơ nổi tiếng của ông: “Gái Quê" năm 1936; “Thơ Điên" sau năm 1938 đổi thành "Đau Thương” với các bài thơ được nhiều người biết đến như: “Mùa xuân chín” và “Đây thôn Vĩ Dạ”…
Di tích địa điểm thành lập chi bộ Chí Kiên - chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn tại thôn Bản Duồm A, xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn. (Ảnh: Đăng Bách). |
- Ngày 22/9/1943, dưới chân thác nước Coỏng Tát tại thôn Bản Duồm, xã Thượng Ân (Ngân Sơn), thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tuyên bố thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Bắc Kạn - Chi bộ Chí Kiên.
Chi bộ Chí Kiên là chi bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Bắc Kạn, sự kiện này là thắng lợi lớn đánh dấu bước ngoặt trong phong trào cách mạng, có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với quần chúng Nhân dân tỉnh Bắc Kạn cùng Nhân dân cả nước trong công cuộc giải phóng dân tộc. Đội ngũ cán bộ trung kiên của tỉnh đã được giác ngộ, tiếp thu đường lối cách mạng, từ đây phong trào cách mạng của tỉnh Bắc Kạn đã có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, mở ra thời kỳ mới phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng và sự lớn mạnh của Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn
- Ngày 22/9/1962, trong buổi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam toàn miền Bắc, Bác căn dặn: “Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt. Xưa kia, lớp thanh niên trước xung phong làm cách mạng, kháng chiến, trải qua rất nhiều gian nan, nguy hiểm, có khi bị tù đày, tra tấn, có khi bị thương tật, chết chóc để cho cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi. Ngày nay, tuy một nửa nước ta đã được giải phóng, nhưng lớp thanh niên cũng phải xung phong đến những nơi khó khăn để xây dựng chủ nghĩa xã hội…
Thanh niên phải luôn luôn rèn luyện đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng có thể tóm tắt trong mấy điểm:
- Trung thành: Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp.
- Dũng cảm: Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện: "Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm", "gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người".
- Khiêm tốn: Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ.” (Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, tập 13, trang 469-472)
Thế hệ trẻ huyện Ia Grai thành kính dâng hương, dâng hoa tại Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Nghé. Ảnh: Lam Nguyên |
- Ngày 22/9/1973: Ngày chiến thắng Chư Nghé. Căn cứ Chư Nghé trên đồi cao (cứ điểm Lệ Ninh), nay thuộc làng Doch Ia Krót (xã Ia Krăi, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Sau hiệp định Paris 1973, địch tăng cường xây dựng Chư Nghé để khống chế hoạt động của quân ta trên hành lang vận tải chiến lược Hồ Chí Minh. Cứ điểm Chư Nghé được xây dựng khá kiên cố được bao bọc bởi 9 đến 14 lớp rào thép gai các loại, có chông, mìn chống bộ binh và mình chống xe tăng dày đặc….
Đầu tháng 9/1973, Bộ tư lệnh giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 320 đứng chân tại huyện 4 và 5 của tỉnh Gia Lai mở đợt tấn công địch, mục tiêu chủ yếu là căn cứ Chư Nghé. 13 giờ ngày 22/9/1973, nhận thấy thời cơ thuận lợi, quân ta bắt đầu nổ súng mở màn cuộc tấn công. Với sự dũng cảm, mưu trí và hiệp đồng tác chiến hiệu quả của các binh chủng, thế trận bao vây cứ điểm Chư Nghé ngày càng siết chặt, mọi cuộc phản công của địch đều bị thất bại. Trước tình hình đó, địch buộc phải đầu hàng lúc 16 giờ 40 phút cùng ngày.
Chiến thắng Chư Nghé không chỉ tiêu diệt lớn hỏa lực địch mà còn là đòn trừng trị thích đáng của quân và dân ta đối với những kẻ cố tình chống lại nguyện vọng hòa bình và các hành động phá hoại Hiệp định Paris năm 1973. Chiến thắng này còn giúp ta mở rộng vùng giải phóng về phía Tây Nam Pleiku và vùng đường hành lang tiếp vận chiến lược lương thực, tạo khí thế mới cho quân, dân trong tỉnh và mặt trận Tây Nguyên.
Sự kiện quốc tế:
- Ngày 22/9/1863: Ngày sinh nhà bác học Alexandre Yersin. Alexandre Yersin sinh tại Thụy Sĩ, lớn lên tại Pháp và là học trò xuất sắc của nhà bác học Pasteur. Ông là người tìm ra vacxin chủng ngừa bệnh dại, đồng thời là người có công thành lập 4 Viện Pasteur tại Việt Nam ở Hà Nội, Nha Trang, Đà Lạt và TP. Hồ Chí Minh.
Bác sĩ Alexander Yersin mất ngày 1/3/1943 tại Nha Trang và được chôn cất tại Suối Dầu (nay thuộc huyện Cam Lâm, Khánh Hòa). Năm 2014, Alexandre Yersin được Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận là “Người Công dân Danh dự Việt Nam”.
- Ngày 22/9/1960: Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Mali.
- Ngày 22/9/1995: Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Micronesia. /.