Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 22/8

Thứ Năm, 22/08/2024 08:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 22/8/1941 là ngày mất của Đồng chí Phùng Chí Kiên - người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, nhà quân sự tài năng của Đảng, vị tướng đầu tiên của cách mạng Việt Nam.

Sự kiện trong nước

 - Ngày 22/8/1941: Ngày mất Đồng chí Phùng Chí Kiên - người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, nhà quân sự tài năng của Đảng, vị tướng đầu tiên của cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Phùng Chí Kiên. Ảnh tư liệu 

Với 16 năm hoạt động cách mạng liên tục, kể từ khi được giác ngộ lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc cho đến khi hy sinh, đồng chí Phùng Chí Kiên - nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, phụ trách Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, nguyên Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân 1 - một trong những đơn vị tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Không chỉ cùng Trung ương giữ vững sự lãnh đạo của Đảng trong những năm khó khăn nhất khi địch đàn áp khốc liệt, đồng chí còn là người trực tiếp tham gia củng cố tổ chức Đảng ở trong và ngoài nước, góp phần khôi phục phong trào và trực tiếp chuẩn bị, tham gia cao trào cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám. 

Ngày 23/7/1947, đánh giá công lao của Phùng Chí Kiên, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 89/SL truy phong cấp Tướng cho ông. Đây là sắc lệnh phong tướng đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Để tôn vinh đồng chí Phùng Chí Kiên, quê hương Nghệ An sau này đã xây dựng Khu tưởng niệm đồng chí Phùng Chí Kiên. Tên đồng chí đã được đặt cho nhiều con đường ở Hà Nội, Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

- Ngày 22/8/1945: Ngày truyền thống Lữ đoàn Pháo binh 45 (Binh chủng Pháo binh). Lữ đoàn Pháo binh 45 được thành lập ngày 22/8/1945 tại Chiến khu Lạc Quần, huyện Xuân Trường (Nam Định), với phiên hiệu là Chi đội 19 - Vệ quốc đoàn. Ngay sau khi thành lập, Chi đội đã trở thành lực lượng nòng cốt cùng nhân dân Nam Định bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, đập tan âm mưu gây hấn, phản động của địch. Chi đội 19 sau đó phát triển thành Trung đoàn 33 - Quân đội Quốc gia, chiến đấu trên địa bàn nhiều tỉnh.

Lữ đoàn 45 kiêm nhiệm huấn luyện bắn pháo lễ chào mừng các ngày lễ trọng đại của đất nước và đón các đoàn khách quốc tế. Ảnh: qdnd.vn 

Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã phối hợp cùng quân và dân TP Nam Định chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, vây hãm, giam chân địch suốt 90 ngày đêm, đánh bại nhiều cuộc giải vây quy mô lớn, giữ vững thế tiến công và làm phá sản âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch... Với thành tích nêu trên, tháng 1/1947, đơn vị đã được Bác Hồ gửi Thư khen và tặng danh hiệu “Trung đoàn Tất thắng”.

- Ngày 22/8/1945: Bác Hồ đã rời căn lán nhỏ giữa rừng Nà Nưa, tạm biệt Tân Trào về Hà Nội chuẩn bị cho ngày lễ tuyên bố độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà 2/9/1945.

- Ngày 22/8/1954, Báo Nhân Dân số 217 đăng bài “Phải theo đúng kỷ luật của Đảng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh C.B. Trong đó, Bác khẳng định: “Đoàn kết là sức mạnh của Đảng. Đoàn kết chặt chẽ và kỷ luật nghiêm khắc, hai điều đó không thể rời nhau. Kỷ luật nghiêm, để bảo đảm tư tưởng nhất trí và hành động thống nhất của toàn Đảng, toàn dân.

Chủ trương của Đảng ta là: Trong nội bộ thì mở rộng dân chủ, tự phê bình và phê bình. Nguyên tắc tổ chức thì cực kỳ nghiêm, tức là bất kỳ ở hoàn cảnh nào, mọi đảng viên và cán bộ cũng phải thật thà và triệt để chấp hành chính sách và nghị quyết của Đảng, phải làm đúng chế độ gửi báo cáo và xin chỉ thị…Thống nhất ý chí, thống nhất hành động, thống nhất kỷ luật, tập trung lãnh đạo là việc cực kỳ cần thiết và cực kỳ quan trọng.

Nhiệm vụ của Đảng ta là một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Để làm tròn nhiệm vụ nhân dân giao phó cho Đảng, toàn thể cán bộ và đảng viên phải tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Trung ương, phải tuyệt đối chấp hành mọi chính sách và nghị quyết của Đảng…"  (Hồ Chí Minh Toàn tập, t.9, tr.31-32).

Sự kiện quốc tế

- Ngày 22/8/1976 lần đầu tiên trạm tự động Luxna 24 của Liên Xô (cũ) đã lấy được một số mẫu đất từ Mặt trǎng về Trái đất. Những mẫu đất đá này cho phép các nhà khoa học nghiên cứu nhằm phát triển khoa học cơ bản và ứng dụng các ngành kinh tế./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN