Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 16/8

Thứ Sáu, 16/08/2024 08:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 16/8/1945, Đại hội Đại biểu Quốc dân (tức Quốc dân Đại hội Tân Trào) đã được khai mạc tại đình Tân Trào, thuộc thôn Tân Lập, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang.

Sự kiện trong nước:

- Ngày 16/8/1920, ngày sinh Anh hùng lao động Lương Định Của. Anh hùng Lương Định Của là một nhà nông học xuất sắc. Những đóng góp của ông đã góp phần bảo đảm lương thực cho cuộc chiến đấu giành độc lập và tự do của dân tộc ta đi đến thắng lợi. Ông được mọi người yêu mến và gọi là “nhà bác học của đồng ruộng”. Qua nghiên cứu, ông đã lai tạo được nhiều giống lúa cho năng suất cao phù hợp với đồng ruộng và thời tiết ở nước ta như: lúa muộn, lúa Xuân sớm, lúa chiêm 314, lúa Nông nghiệp 1, lúa Nông nghiệp 8... Ngoài cây lúa, ông còn nghiên cứu lai tạo được nhiều giống màu và cây ăn quả có chất lượng cao như: dưa hấu không hạt, cà chua, dưa lê, khoai lang... Năm 1966, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 1996 ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

“Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao được Quốc dân Đại hội Tân Trào chọn là bài Quốc ca

(Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ 590, tờ 3)

- Ngày 16/8/1935, tại phiên họp thứ 40 Đại hội lần thứ 7 của Quốc tế cộng sản, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (lấy tên là Phan Lan) đã đọc tham luận. Bản tham luận nêu rõ phong trào đấu tranh và những thành tích của phụ nữ Đông Dương, sau đó đề cập đến vai trò phụ nữ trong cuộc đấu tranh hòa bình.

- Ngày 16/8/1945, Đại hội Đại biểu Quốc dân dân họp tại Tân Trào. Đại hội Đại biểu Quốc dân (tức Quốc dân Đại hội Tân Trào) diễn ra từ ngày 16 đến 17/8/1945. Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu Trung, Nam, Bắc, đại biểu kiều bào ở nước ngoài, đại biểu các đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc và tôn giáo. Tại Đại hội, ba quyết định lớn đã được đưa ra: Một là, nhất trí tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng và của Tổng bộ Việt Minh; Hai là, thông qua 10 chính sách của Việt Minh, trong đó, điểm mấu chốt đầu tiên là giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập; Ba là, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch. Đại hội còn quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa. Quốc ca là bài "Tiến quân ca". Đại hội Quốc dân Tân Trào được ví như Hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta, thể hiện lòng tin sâu sắc của đồng bào với Đảng, Mặt trận và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự đoàn kết nhất trí của toàn dân trong giờ phút quyết định vận mệnh đất nước.

- Ngày 16/8/1951, Bác Hồ ra “Lời kêu gọi nhân dịp Cách mạng Tháng Tám và Ngày Độc lập”, nêu rõ: “Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững quyền tự do, tự chủ. Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta cách mạng thành công, giành được độc lập. Nhờ lực lượng ấy mà sức kháng chiến của ta càng ngày càng mạnh. Nhờ lực lượng ấy mà quân và dân ta quyết chịu đựng muôn nỗi khó khăn thiếu thốn, đói khổ, tang tóc, quyết một lòng đánh tan quân giặc cướp nước. Nhờ lực lượng ấy mà với tầm vông và súng hỏa mai ban đầu, chúng ta đã liên tiếp thắng địch... Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta sẽ đuổi sạch thực dân Pháp ra khỏi đất nước ta, và lấy lại thống nhất và độc lập thật sự...”.

Sự kiện quốc tế:

- Ngày 16/8/2017, Công ước quốc tế ngăn chặn ô nhiễm thủy ngân có hiệu lực. Xác định thủy ngân là "một hóa chất gây quan ngại toàn cầu" - với đặc tính lan truyền rộng trong không khí, tồn tại bền trong môi trường nhân sinh, khả năng tích tụ sinh học trong các hệ sinh thái và gây những tác động tiêu cực đáng kể đối với sức khỏe con người và môi trường - Công ước Minamata về thủy ngân ra đời nhằm ngăn chặn ô nhiễm thủy nhân gây tác hại đối với sức khỏe con người và môi trường, mở đường cho việc kiểm soát các hoạt động liên quan đến sản xuất, buôn bán xuyên biên giới, sử dụng và thải bỏ thủy ngân. Công ước được thông qua tại Minamata, Nhật Bản vào tháng 10/2013. Đến nay, 128 nước đã tham gia ký kết Công ước Minamata trong đó có Việt Nam.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN