Ngày này năm xưa: 06/8
(ĐCSVN) - Ngày 06/8/1945, quả bom nguyên tử có tên “Little Boy” do một máy bay ném bom của Mỹ thả xuống đã phát nổ trên bầu trời thành phố Hiroshima (Nhật Bản), cướp đi sinh mạng của khoảng 140.000 người tính đến cuối năm đó. Nhằm hạn chế và tiến tới cấm sản xuất, thử nghiệm và sử dụng vũ khí hạt nhân, thế giới đã chọn ngày 06/8 hằng năm là Ngày Chống vũ khí hạt nhân.
Sự kiện trong nước:
- Ngày 06/8/1912: Ngày sinh của GS Nguyễn Thúc Hào. Ông sinh tại Nam Đàn, Nghệ An, trong một dòng họ nhà nho nổi tiếng. Ông nội là cụ Nguyễn Thúc Kiều, cử nhân nho học, thầy dạy của nhà chí sĩ Phan Bội Châu. Cha là cụ Nguyễn Thúc Dinh đỗ phó bảng. GS Nguyễn Thúc Hào đã từng giữ chức Tổng thư ký kiêm quyền Giám đốc Trường Đại học Khoa học Hà Nội, ngay từ những ngày đầu mở nước dân chủ cộng hòa. Về sau, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam (Chủ tịch là GS Lê Văn Thiêm). Lê Văn Thiêm và Nguyễn Thúc Hào là hai nhà toán học đầu tiên được Nhà nước ta công nhận chức danh Giáo sư đại học.
- Ngày 06/8/1947: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện văn tới Hội nghị Bình dân Học vụ khu XII (gồm các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Ninh, Hòn Gai và Quảng Yên) khẳng định: “Từ ngày kháng chiến, tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng bình dân học vụ vẫn hăng hái tiến hành, thế là tốt lắm... Như thế thì về mặt trận văn hoá, chúng ta cũng sẽ thắng lợi như về các mặt trận khác trong cuộc trường kỳ kháng chiến”.
- Ngày 06/8/1954: Ngày mất của nhà văn Nguyễn Khoa Văn (bút danh Hải Triều). Ông sinh ngày 01/01/1908 tại An Cựu, ngoại thành Huế. Ông là một chiến sĩ xung kích, đầy dũng cảm trên mặt trận tư tưởng văn hóa những năm đầu thế kỷ XX. Hải Triều là một trong những người tiên phong đặt viên gạch đầu tiên cho lý luận văn học, văn hóa ở nước ta, là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng. Ông đấu tranh vì một chân lý văn nghệ: dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn học nghệ thuật đứng trong hàng ngũ đấu tranh giai cấp đòi lại quyền độc lập, tự do cho dân tộc, cho nhân dân lao động. Muốn vậy, nhà văn phải đứng vào hàng ngũ cách mạng “tả thực xã hội” để cổ vũ, kêu gọi…, đồng thời đấu tranh không khoan nhượng với những cái sai trái, phản động.
Hải Triều tên thật là Nguyễn Khoa Văn, sinh ngày 01/10/1908. (Ảnh: IT) |
Với những cống hiến không mệt mỏi, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đợt I năm 1996.
- Ngày 06/8/1972: Quân và dân Hải Phòng đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 3.800 trên miền Bắc. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đối với miền Bắc, quân và dân Hải Phòng đã bắn rơi 270 máy bay Mỹ, bắn cháy, bắn chìm 8 tàu chiến Mỹ, xứng đáng với danh hiệu "Thành phố trung dũng, quyết thắng".
Sự kiện quốc tế:
- Ngày 06/8/1945: Quả bom nguyên tử có tên “Little Boy” do một máy bay ném bom của Mỹ thả xuống đã phát nổ trên bầu trời thành phố Hiroshima (Nhật Bản) lúc 08h15, cướp đi sinh mạng của khoảng 140.000 người tính đến cuối năm đó. 3 ngày sau, vào lúc 11h02 ngày 9/8/1945, Mỹ ném quả bom nguyên tử thứ hai có tên "Fat Man" xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản.
Thành phố Hiroshima bị hủy diệt bởi bom nguyên tử của Mỹ. (Ảnh: History) |
Để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa bom nguyên tử này cũng như để gửi đi thông điệp về một thế giới không có vũ khí hạt nhân, hàng năm, Nhật Bản thường tổ chức lễ tưởng niệm tại thành phố Hiroshima.
Nhằm hạn chế và tiến tới cấm sản xuất, thử nghiệm và sử dụng vũ khí hạt nhân, thế giới đã chọn ngày 06/8 hằng năm là Ngày Chống vũ khí hạt nhân./.