Ngày này năm xưa: 03/9
(ĐCSVN) - Ngày 03/9/1960, Bác Hồ chỉ huy dàn nhạc hợp xướng và quần chúng nhân dân hát bài ca “Kết đoàn” tại Công viên Bách thảo Hà Nội, nhân dịp chào mừng Đại hội Đảng lần III năm 1960. Từ sự kiện ý nghĩa đó, ngày 26/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1722/QĐ–TTg lấy ngày 03/9 hằng năm là Ngày Âm nhạc Việt Nam.
Sự kiện trong nước:
- Ngày 03/9/1945: Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ và trình bày “những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” gồm 6 vấn đề cấp bách hơn cả: 1. Giải quyết nạn đói bằng việc phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất và đề nghị mười ngày một lần, tất cả đồng bào ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo. 2. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ. 3. Chúng ta phải có Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. 4. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách: Cần, kiệm, liêm, chính. 5. Đề nghị bỏ các thuế thân, thuế chợ, thuế đò, tuyệt đối cấm hút thuốc phiện. 6. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và Lương giáo đoàn kết.
Bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” được chụp tối 03/9/1960 tại chương trình văn nghệ quần chúng chào mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, tổ chức tại công viên Bách Thảo, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN) |
- Ngày 03/9/1960: Bác Hồ chỉ huy dàn nhạc hợp xướng và quần chúng nhân dân hát bài ca “Kết đoàn” tại Công viên Bách thảo (Hà Nội), nhân dịp chào mừng Đại hội Đảng lần thứ III năm 1960. Từ sự kiện ý nghĩa đó, ngày 26/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1722/QĐ–TTg lấy ngày 03/9 hằng năm là Ngày Âm nhạc Việt Nam với mục đích động viên đội ngũ văn nghệ sỹ trong lĩnh vực âm nhạc phát huy các giá trị truyền thống và cách mạng của nền âm nhạc Việt Nam, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm âm nhạc hay, nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa phục vụ công chúng; góp phần giáo dục thế hệ trẻ, cổ vũ, động viên toàn dân đoàn kết, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng và phát triển nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…
Ngày Âm nhạc Việt Nam luôn được kỷ niệm với các chương trình nghệ thuật, các hoạt động âm nhạc diễn ra trên cả nước. Qua đó giới thiệu các tác phẩm, động viên các nhạc sỹ, nghệ sỹ, phát huy giá trị truyền thống của âm nhạc cách mạng Việt Nam, phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm hay, nhiều hoạt động âm nhạc có ý nghĩa, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh. Cùng với chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam, còn có những cuộc gặp mặt, giao lưu, giới thiệu tác giả - tác phẩm nhằm tôn vinh các nhạc sỹ, nghệ sỹ tiêu biểu trong hoạt động âm nhạc, động viên các nhạc sỹ phát huy các giá trị truyền thống của âm nhạc Việt Nam.
- Ngày 03/9/1969: Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc ra thông cáo đặc biệt báo tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ trần.
Nhà văn Băng Sơn (Ảnh: thethaovanhoa.vn) |
- Ngày 03/9/2010: Nhà văn Băng Sơn qua đời. Ông sinh ngày 18/12/1932, tên thật là Trần Quang Bốn, quê ở Bình Lục (Hà Nam). Ông sinh ra và lớn lên ở Cẩm Giàng (Hải Dương), nhưng lại khởi nghiệp văn chương ở đất Hà thành. Từng bắt đầu với thơ ca, nhưng rồi nhận ra sở trường tản văn của mình, và từ đó, nhà văn Băng Sơn chỉ dồn tâm huyết cho tản văn và tùy bút. Tùy bút Băng Sơn luôn giàu chất thơ, tiết tấu nhẹ nhàng như một giai điệu trữ tình sâu lắng. Số lượng tùy bút và đoản văn của nhà văn Băng Sơn tính ra phải tới khoảng 3.000 tác phẩm, trong đó theo như ông cho biết có tới 95% đã được đăng tải hoặc in tuyển tập, nhất là các tùy bút viết về Hà Nội... Ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng về văn học - nghệ thuật như: Giải Hội Nhà văn Việt Nam về thiếu nhi, giải báo Nhi Đồng, giải viết về “Hà Nội nghìn năm” của báo Hà Nội Mới (2 lần), giải thưởng Văn học của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội (2 lần), giải thưởng về Bút ký của Hội Nhà báo Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa của Bộ Văn hóa Thông tin (Việt Nam)…
Sự kiện quốc tế:
- Ngày 03/9/1783: Cách mạng Mỹ chính thức chấm dứt khi đại diện các nước Mỹ, Anh, Tây Ban Nha và Pháp cùng nhau ký kết Hiệp ước Paris. Nó cũng chính thức hóa sự công nhận của Vương quốc Anh đối với nền độc lập của Hoa Kỳ.
Nhà văn Ivan Sergeyevich Turgenev (Ảnh: IT) |
- Ngày 03/9/1883: Ivan Sergeyevich Turgenev qua đời, Ông là một nhà viết tiểu thuyết, truyện ngắn, nhà soạn kịch người Nga. Các tác phẩm của ông đã trở thành di sản quý báu của nền văn học thế giới như: Bút ký người đi săn, Rudin, Một tổ quý tộc, Đất hoang, Đêm trước, Cha và con…/.