Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngày này năm xưa: 01/9

Chủ Nhật, 01/09/2024 08:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 01/9/1959, phát biểu tại lễ phong quân hàm cho một số cán bộ cao cấp của quân đội, Bác Hồ căn dặn: “Dù ở cương vị nào, chúng ta cũng đều phải cố gắng để xứng đáng là người đày tớ trung thành và tận tụy của nhân dân”.

Sự kiện trong nước:

- Ngày 01/9/1920: Họa sỹ Bùi Xuân Phái sinh ra tại làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Tây (nay thuộc thủ đô Hà Nội). Xuất thân trong gia đình tiểu tư sản trung lưu ở Hà Nội, vì vậy, ông đã thuộc lòng từng con đường, ngõ ngách của 36 phố phường Hà Nội. Ông là sinh viên khóa cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 15 (1941 - 1946), học cùng Nguyễn Tư Nghiêm, Huỳnh Văn Gấm, Tạ Thúc Bình… Ông chuyên về chất liệu sơn dầu, đam mê mảng đề tài phố cổ Hà Nội và được người yêu hội họa mến mộ gọi dòng tranh này là Phố Phái. Tranh phố của Bùi Xuân Phái vừa cổ kính lại rất hiện thực, thể hiện rõ hồn cốt của phố cổ Hà Nội thập niên 50, 60, 70. Ngắm tranh phố cổ của ông, người xem nhận thấy họa sĩ đã gửi gắm những kỉ niệm, những hoài cảm cùng nỗi buồn man mác, tiếc nuối bâng khuâng trên từng nét vẽ... Ngoài phố cổ, ông còn vẽ các mảng đề tài khác như: chèo, chân dung, nông thôn, khỏa thân, tĩnh vật... rất thành công. Nhiều tác phẩm được giải thưởng trong các cuộc triển lãm toàn quốc và thủ đô. Ông vẽ trên vải, giấy, bảng gỗ, thậm chí cả trên giấy báo khi không có đủ nguyên liệu, phương tiện hội họa khác nhau như sơn dầu, màu nước, phấn màu, chì than, bút chì...

Cuộc biểu tình của 20.000 nông dân tại Thanh Chương (Nghệ An) năm 1930. Ảnh tư liệu

- Ngày 01/9/1930: Tại Thanh Chương (Nghệ An) diễn ra cuộc biểu tình với quy mô lớn của 20.000 nông dân. Sớm ngày 01/9, nông dân các xã tụ họp diễn thuyết rồi cờ dong, trống đánh đến chợ Rộ và làng Nguyệt Bồng ở hai bên bờ sông Cả (chỗ huyện lỵ đóng). 20.000 anh em, chị em tụ họp trên đầu phấp phới 200 lá cờ đỏ vẽ búa liềm và viết các khẩu hiệu. Tri huyện Phan Sĩ Bàng và Đồn trưởng Thanh Quả người Âu ra lệnh cho lính bắn súng về phía tả ngạn sông Lam (nơi đoàn biểu tình hai tổng Đại Đồng và Xuân Lâm đang tập trung), làm chết một người (anh Nguyễn Công Thường). Lập tức, quần chúng vượt sông cùng với các đoàn bên hữu ngạn sông Lam tràn vào huyện đường. Tri huyện, nha lại, lính tráng bỏ chạy lên phía đồn Tây ở Thanh Quả. Quần chúng phá đại lý rượu ty, đốt huyện đường... Quần chúng còn truy kích tri huyện và lính tráng đến tận đồn Thanh Quả. Cuộc biểu tình lịch sử ngày 01/9/1930 ở Thanh Chương được coi là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô viết Nghệ - Tĩnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ 4 (30/12/1966). (Ảnh: hochiminh.vn)

- Ngày 01/9/1959: Phát biểu tại lễ phong quân hàm cho một số cán bộ cao cấp của quân đội, Bác Hồ căn dặn: “Để xây dựng quân đội tiến lên chính quy đặng phục vụ lợi ích của Cách mạng, Chính phủ ta đã trao quân hàm cho cán bộ và chiến sỹ trong quân đội... Để lãnh đạo quân đội tiến bộ không ngừng, các đồng chí cần phải trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, gần gũi quần chúng và gương mẫu về mọi mặt. Dù ở cương vị nào, chúng ta cũng đều phải cố gắng để xứng đáng là người đày tớ trung thành và tận tụy của nhân dân”.

- Ngày 01/9/1961: Nói chuyện với Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế đang họp tại Việt Nam, Bác Hồ lấy mình làm dẫn chứng: “Tôi chỉ học hết lớp tiểu học. Vì chế độ thực dân và phong kiến đã kìm hãm việc giáo dục... Về hiểu biết phổ thông: Năm tôi 17 tuổi, tôi mới thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 29 tuổi mới nghe rađiô lần đầu tiên” để so sánh với những tiến bộ xã hội mà thế hệ thanh niên ngày nay đang được hưởng. “Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã soi đường cho chúng tôi. Chúng tôi đã không sợ thực dân và phong kiến, mà hăng hái hoạt động cách mạng và cuối cùng cách mạng đã thắng lợi… Một nhiệm vụ quan trọng nữa của thanh niên trí thức là phát triển giáo dục, trước hết là xóa nạn mù chữ... Trong cuộc đấu tranh diệt giặc dốt, quân chủ lực phải là thanh niên trí thức, dựa vào lực lượng to lớn của nhân dân”. Và trong lời kết thúc, Bác nói: “Đó là những lời tâm sự của một người thanh niên già đã có một ít kinh nghiệm, thật thà bày tỏ với các bạn thanh niên yêu quý của tôi”.

Sự kiện quốc tế:

- Ngày 01/9/1923: Trận động đất Kanto, đôi khi còn được gọi là Đại động đất Tokyo, đã làm rung chuyển đất nước Nhật Bản. Bị tàn phá bởi thiệt hại kép khiến thành phố Yokohama ảnh hưởng nặng nề hơn cả Tokyo. Cường độ của trận động đất ước đạt 7,9 - 8,2 độ Richter và tâm chấn của nó là trong vùng nước nông của Vịnh Sagami, khoảng 25 dặm về phía Nam của Tokyo.

Trận động đất Kanto cướp đi sinh mạng của 142.000 người, phá hủy 570.000 ngôi nhà. (Ảnh: IT) 

Trận động đất ngoài khơi đã gây ra một cơn sóng thần trong vịnh, tấn công đảo Oshima ở độ cao gần 12m và đánh vào các bán đảo Izu và Boso với những con sóng cao hơn 6m. Bờ phía Bắc của Vịnh Sagami đã tăng vĩnh viễn gần 2m, và các phần của Bán đảo Boso di chuyển theo chiều ngang gần 5m. Trận động đất đã cướp đi sinh mạng của 142.000 người, phá hủy 570.000 ngôi nhà và làm cho 1,9 triệu người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Số căn nhà bị phá hủy hoàn toàn là 128.266 căn, cùng hàng trăm nghìn căn nhà khác bị hư hỏng một phần. Số người phải đi sơ tán là trên 1,9 triệu người. Về kinh tế, thiệt hại của thảm họa động đất - hỏa hoạn Kanto lên đến 60 tỷ Yên theo thời giá khi đó. Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã gọi trận động đất là “thảm họa lớn nhất sau Thế chiến lần thứ hai”.

- Ngày 01/9/1939: Phát xít Đức đã tấn công vào Ba Lan, mở màn cho một trong những trận chiến đẫm máu nhất trong lịch sử: Chiến tranh thế giới thứ II. Không tuyên chiến, những loạt đại bác từ tàu chiến Schleswig-Holstein của Đức Quốc xã đã bất ngờ tấn công cảng biển Westerplatte của Ba Lan vào 05h45 ngày 01/9/1939. Cuộc tấn công vào Ba Lan mở ra một dạng thức chiến tranh mới: chiến tranh chớp nhoáng. Hàng chục nghìn binh lính Đức với vũ khí hạng nặng, được tiếp sức bằng những máy bay ném bom đã vượt qua biên giới và Chiến tranh thế giới thứ II bắt đầu./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN