Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc diễn ra từ 2 - 4/11
(ĐCSVN) - Với chủ đề “Văn hóa vùng Đông Bắc - Bản sắc, hội nhập và vươn xa”, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 2 - 4/11 tại tỉnh Lạng Sơn.
Chiều 18/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức họp báo giới thiệu về Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI.
Với chủ đề “Văn hóa vùng Đông Bắc - Bản sắc, hội nhập và vươn xa”, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI, tại tỉnh Lạng Sơn năm 2024 là một sự kiện văn hóa quy mô lớn, với sự tham gia của 8 tỉnh: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Lạng Sơn.
Ngày hội nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Đông Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; giới thiệu những tiềm năng về văn hóa, thể thao, du lịch, phát huy giá trị di sản văn hóa của vùng, góp phần phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Ban Tổ chức thông tin về Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc. |
Theo kế hoạch, Lễ khai mạc Ngày hội diễn ra vào 20 giờ tối 2/11 tại sân khấu chính quảng trường đường Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia VTV2, tiếp sóng trên kênh VTV5 của Đài Truyền hình Việt Nam và tiếp sóng trên đài phát thanh-truyền hình các tỉnh, thành phố.
Lễ bế mạc diễn ra từ 15 giờ chiều 4/11 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Lạng Sơn, số 19 đường Quang Trung, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn.
Trong khuôn khổ ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động điểm nhấn, gồm: trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; trưng bày, chế biến và giới thiệu văn hóa ẩm thực truyền thống; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc vùng Đông Bắc; hội thảo khoa học với chủ đề "Du lịch văn hóa vùng Đông Bắc - Khơi nguồn và phát triển” giới thiệu 4 tuyến và 38 điểm du lịch mới của Lạng Sơn và các tuyến liên kết với các tỉnh trong vùng; giới thiệu giá trị của công viên địa chất Lạng Sơn; hội nghị sơ kết hoạt động nhóm liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh vùng Đông Bắc; các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian dân tộc...
Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ trưng bày triển lãm "Đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam"; triển lãm ảnh "Đại gia đình các dân tộc vùng Đông Bắc - Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc"; không gian quảng bá văn hóa, du lịch của tỉnh và các huyện, thành phố, một số doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên khẳng định: Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc được tổ chức nhằm phát huy tinh thần đoàn kết nhân dân các dân tộc, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng Đông Bắc phát triển nhanh và bền vững. Sự kiện cũng gắn với chào mừng kỷ niệm 193 năm ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn (4/11/1831 - 4/11/2024), 115 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (4/11/1909 - 4/11/2024), người chiến sỹ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.
Ngày hội cũng là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc vùng Đông Bắc, thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước. Nhân sự kiện này, các tỉnh tham gia Ngày hội nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng có cơ hội để giới thiệu, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch, quảng bá giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tới bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó thúc đẩy hiểu biết, tăng cường nhận diện, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm nhấn đáng chú ý trên bản đồ văn hóa, du lịch toàn cầu./.