Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngành Y tế Hậu Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số

Thứ Hai, 06/11/2023 11:56 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Bắt nhịp xu thế chuyển đổi số diễn ra ngày càng mạnh mẽ, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh Hậu Giang đã từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông dữ liệu trong thăm khám, điều trị và quản lý. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ tốt hơn cho người bệnh.

Hoạt động khám, chữa bệnh được thực hiện trên phần mềm ở Trạm Y tế xã Phương Bình.
(Ảnh: Kim Yến) 

Thực hiện Kế hoạch số 105/KH-UNBD ngày 24/5/2021 của UBND tỉnh Hậu Giang về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số ngành Y tế giai đoạn 2021 – 2025 và Kế hoạch số 219/KH-UNBD ngày 27/12/2022 của UBND tỉnh Hậu Giang về Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2023, Sở Y tế tỉnh Hậu Giang vừa xây dựng Kế hoạch về ứng dụng Công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành Y tế năm 2023.

Cụ thể, ngành Y tế đã triển khai ứng dụng CNTT trong công tác cải cách hành chính; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; Ứng dụng CNTT trong quản lý Trạm y tế và hồ sơ sức khỏe người dân; Quản lý các cơ sở cung ứng thuốc. Đặc biệt là ứng dụng CNTT trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT tại cơ sở y tế.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hậu Giang Mã Thị Tươi khẳng định: “Trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số của chương trình chuyển đổi số quốc gia thì y tế là một trong những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu bởi nó tác động trực tiếp đến người dân, độ bao phủ rộng khắp. Tác động đến cách thức lãnh đạo, quản lý; tác động trực tiếp đến việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế từ phương thức truyền thống sang phương thức dựa trên nền tảng công nghệ số; tác động tới cách thức làm việc, giao tiếp của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc và người lao động trong ngành y tế, thầy thuốc với bệnh nhân, hình thành “người Thầy thuốc số”.

Sau thời gian triển khai có hiệu quả, ngành Y tế đã đạt được những kết quả như: 100% cơ sở khám, bệnh triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toan toán BHYT trực tuyến; 100% cơ sở tiếp nhận khám bệnh bằng thẻ căn cước công dân có gắn chíp, kể cả trạm y tế xã, phường, thị trấn; 100% cơ sở khám sức khỏe lái xe đã liên thông dữ liệu giấy phép lái xe phục vụ dịch công trực tuyến cấp đổi giấy phép lái xe; 100% cơ sở khám, bệnh triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT trưc tuyến từ tiếp đón, thăm khám, cận lâm sàng, kê toa thuốc thu phí (nếu có) không còn ghi giấy; 100% cơ sở khám, chữa bệnh triển khai kê đơn thuốc điện tử: 53 cơ sở khám chữa bệnh đã cấp mã liên thông, 21 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện liên thông gửi đơn thuốc về hệ thống, 325 bác sĩ đã cấp mã liên thông kê đơn thuốc điện tử; 100% cơ sở khám, bệnh triển khai hóa đơn điện tử; 7/13 cơ sở y tế hạng III trở lên triển khai thanh toán không dùng tiền mặt như Bệnh viện Sản nhi, BVĐK Ngã Bảy, BVĐK số 10, Võ Trường Toản, TTYT huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ và Phụng Hiệp; 75/75 trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực và triển khai phần mềm quản trạm y tế theo Quyết định số 3532/QĐ-BYT ngày 12 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế; 75/75 trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực triển khai phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử.

Đến thời điểm hiện tại đã lập và quản lý được 678.288 hồ sơ sức khỏe điện tử, đạt 92,40% dân số toàn tỉnh. 100% cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh áp dụng dụng phần mềm báo cáo thống kê đện tử, các báo cáo thống kê y tế. 100% nhà thuốc, quầy thuốc đã triển khai phần mềm quản lý bán thuốc theo toa.

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, vừa qua, Sở Y tế tỉnh Hậu Giang cũng đã phối hợp Hội Tin học thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Giải pháp Chuyển đổi số nâng cao công tác quản lý cơ sở y tế, cải thiện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ của chuỗi sự kiện Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023 được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang.

Quang cảnh tại Hội thảo. (Ảnh: Bích Thiện) 

Hội thảo không chỉ giới thiệu những giải pháp, sản phẩm tối ưu mà còn mang đến các mô hình chuyển đổi số đã được triển khai thực tiễn như kinh nghiệm triển khai bệnh án điện tử; Giải pháp kho dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây VED; Giải pháp kho hồ sơ sức khỏe người dân; Giải pháp Chuyển đổi số nâng cao công tác quản lý cơ sở y tế, cải thiện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; Xây dựng Cổng thông tin HSSK theo chuẩn HL7/FHIR; Chuyển đổi số Y tế nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân; Giải pháp máy tính ASUS chuyên biệt dành cho y tế tại Việt Nam. Qua đó, các chuyên gia đã đưa ra tư vấn chuyên sâu để giải quyết các bài toán cho doanh nghiệp, địa phương,… trong công tác chuyển đổi số nâng cao công tác quản lý cơ sở y tế, cải thiện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long./.

Hải Triều (t/h)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN