Ngành hàng cá tra: “Bứt tốc” để khai thác lợi thế từ thị trường
(ĐCSVN) - Trải qua giai đoạn khó khăn trong quý III/2021, đến nay, ngành hàng cá tra đã có bước hồi phục mạnh mẽ. Với những dự báo thuận lợi của thị trường trong năm 2022 đang đòi hỏi ngành hàng cần có những thích ứng nhanh chóng và khẩn trương tháo gỡ những “nút thắt” còn vướng mắc để tận dụng tối đa các cơ hội, đưa ngành hàng cán mốc xuất khẩu mới trong năm 2022.
Ngành hàng cá tra đã có sự phục hồi nhanh chóng sau khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Phục hồi mạnh mẽ sau khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 3 tháng 7, 8, 9 năm 2021 (là các tháng thực hiện giãn cách xã hội do COVID-19), diện tích thả nuôi cá tra đã giảm rất mạnh, khoảng 50% so với các tháng đầu năm (trừ tháng 2 do Tết âm lịch).
So sánh kết quả thả nuôi của 11 tháng năm 2021 có thể thấy diện tích thả nuôi cá tra trong 3 tháng 7, 8, 9 năm 2021 giảm khoảng 30-55% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, diện tích thả nuôi tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6 và tháng 10/2021 tăng lần lượt 63%, 42,3%, 34%, 12% và 81,2% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là các tháng trước và sau khi xảy ra giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vùng ĐSBCL. Điều đó cho thấy, các tháng đầu năm 2021, ngành hàng cá tra bắt đầu có đà tăng trưởng mạnh sau một thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong năm 2020, nhưng trong 3 tháng 7, 8, 9, hoạt động sản xuất đã bị ngừng trệ. Đồng thời, so sánh kết quả thả nuôi trong tháng 11 của năm 2020 và 2021 cho thấy ngành hàng cá tra đã quay lại nhịp độ sản xuất bình thường sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tương tự như diện tích thả nuôi, sản lượng thu hoạch cá tra trong 3 tháng 7, 8, 9 năm 2021 đã giảm đáng kể, khoảng 30-72% so với cùng kỳ năm 2020, đặc biệt là tháng 9, giảm 72% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, sản lượng ước tính cả năm 2021 đạt 1,5 triệu tấn, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2020 nhờ sự tăng sản lượng thu hoạch trong tháng 3, 5, 10, 11 và dự kiến tháng 12 ước đạt 200.000 tấn.
Về tình hình chế biến, tiêu thụ, theo thống kê, hiện có 106 nhà máy chế biến cá tra có đăng ký xuất khẩu tại 5 tỉnh với số lao động ước khoảng 190 nghìn. Tính đến đầu tháng 9, có 52/106 nhà máy chế biến cá tra tại 5 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phải tạm dừng hoạt động (chiếm tỷ lệ 49%), số lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh khoảng trên 70%.
Do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30- 40% so với trước khi giãn cách toàn vùng (đầu tháng 7/2021). Các tỉnh có số doanh nghiệp ngừng sản xuất nhiều nhất là Cần Thơ, Tiền Giang. Với những nhà máy đang sản xuất cầm chừng thì số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 20-30%, năng suất lao động giảm mạnh.
Những khó khăn do COVID-19 tại các nhà máy chế biến cá tra đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của toàn chuỗi sản xuất cá tra. Do cá tra nguyên liệu không kịp thu hoạch, chế biến, hoạt động sản xuất giống, thả nuôi đã bị hạn chế mặc dù nhu cầu từ thị trường vẫn rất cao.
Tuy nhiên, sau khi triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, hoạt động sản xuất tại các nhà máy chế biến cơ bản đã được khôi phục. Theo đó, giá bán cá tra giống hiện dao động khoảng 21.000 đồng - 31.000 đồng/kg (loại 15 - 30 con/kg), đã tăng so với trước. Giá bán cá tra thương phẩm dao động trong khoảng 20.000-24.000 đ/kg (size cá từ 0,8 đến trên 1,2kg). Trong khi đó, thời điểm trước Tết âm lịch và từ tháng 7 đến tháng 9/2021, giá cá tra giữ ở mức thấp hơn, từ 20.000-20.500 đồng/kg. Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang tập trung mua cá size lớn từ 900 g - 1.3 kg trở lên với giá từ 23.500 đồng – 24.000 đồng/kg.
Theo bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Ðào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP, sau khủng hoảng ở giai đoạn quý III/2021, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 11/10/2021 đã kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, cản trở, hạn chế, khó khăn trong vận chuyển, di chuyển của ngành hàng cá tra. Sau giai đoạn này, ngành hàng cá tra phục hồi rất nhanh. Với sự nỗ lực của doanh nghiệp cùng với sự tháo gỡ kịp thời của Nghị quyết 128, tháo gỡ khó khăn của Bộ NN&PTNT trong việc kết nối tiêu thụ, trong tháng 11 xuất khẩu cá tra đã có tín hiệu phục hồi mạnh, đạt trên 227 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ. Dự báo, cả năm 2021, xuất khẩu cá tra sẽ cán đích khoảng 1,54 tỷ USD, tăng nhẹ 3% so với năm 2020.
Cùng với việc xuất khẩu tăng trưởng trở lại, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm – Tổng Giám đốc công ty cổ phần Vĩnh Hoàn thông tin, theo thống kê, hiện nay, giá bán cá tra đang tăng.
Ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản khẳng định, từ khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp cá tra, từ tình hình kiểm soát dịch bệnh trong các cơ sở chế biến và việc vận chuyển, lưu thông đi lại đã dễ dàng hơn rất nhiều. Cùng với Nghị quyết 128, các Nghị quyết khác đã có những chính sách hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, đặc biệt là cơ sở chế biến cá tra có điều kiện để từng bước phục hồi, khôi phục lại sản xuất.
“Bứt tốc” để khai thác lợi thế từ thị trường
Những dự báo về tình hình thị trường trong năm 2022 đang mở ra rất nhiều cơ hội cho ngành hàng cá tra của Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay, đó là các các cơ sở nuôi, các doanh nghiệp chế biến cá tra,…cần khẩn trương khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng của giãn cách xã hội trong thời gian qua, đặc biệt về khâu giống, nguyên liệu, nguồn lao động, để tận dụng cơ hội tốt của thị trường, đưa ngành hàng cá tra cán mốc xuất khẩu mới trong năm 2022.
VASEP dự báo, năm 2022, nhu cầu cá tra tại các thị trường sẽ tiếp tục tăng. Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do tiếp tục là đòn bẩy xúc tiến thương mại sang nhiều thị trường, nhất là những thị trường nhỏ tiềm năng như: Mexico, Brazil, Nga, Colombia, Thái Lan.
Bên cạnh đó, mới đây, diễn đàn cá đáy toàn cầu dự đoán sản lượng cá thịt trắng nuôi và tự nhiên toàn cầu năm 2022 sẽ đạt 7,095 triệu tấn, giảm nhẹ so với 7,144 triệu tấn năm 2021. Như vậy, cung – cầu sẽ không có nhiều biến động.
Tuy nhiên, giá trung bình xuất khẩu cá tra có thể sẽ tăng nữa. Trong khi đó, xuất khẩu sang Mỹ sẽ tiếp tục tăng vì nhu cầu từ thị trường này vẫn lớn, do sản xuất nội địa Mỹ giảm, giá thủy hải sản tại Mỹ tăng cao.
Với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu khó có thể đoán định vì nước này vẫn kiên định kiểm soát chặt thủy sản nhập khẩu nhưng vẫn hy vọng có kết quả khả quan hơn năm 2021 vì các doanh nghiệp Việt dần thích ứng với những rào cản của thị trường này. Thị trường EU có thể phục hồi nhưng không mạnh. Đồng thời, vai trò của các thị trường nhỏ khác sẽ ngày càng quan trọng, trong đó có Brazil, Mexico, Colombia, Anh.
Những dự báo cho thấy, thị trường cá tra trong năm 2022 có rất nhiều lợi thế cho Việt Nam, tuy nhiên, ngành hàng cá tra vẫn đang còn rất nhiều khó khăn phải đối mặt. Trong đó, có thể kể đến, về nguồn cung nguyên liệu cho chế biến, diện tích thả nuôi cá tra trong tháng 7-9/2021 giảm khoảng 30-55% so với cùng kỳ năm 2020. Do đó, trong tháng 1-3/2022, khả năng có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến.
Đồng thời, theo bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Ðào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP, dịch COVID-19 sẽ vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất, chế biến và thương mại cá tra và lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong khi đó các chi phí đầu vào tăng mạnh, cước vận tải biển tăng cùng với khó khăn về logistic (thiếu container), đặc biệt là việc thiếu nguyên liệu và thiếu lao động là hai vấn đề lớn mà ngành cá tra sẽ phải đối mặt.
Để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, ông Dương Nghĩa Quốc – Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho hộ nuôi cá tra, doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay vì từ cuối năm 2019 đến nay, ngành hàng cá tra gặp nhiều khó khăn, hầu như các doanh nghiệp, hộ nuôi bị thua lỗ. Đến nay, thị trường đã có bước hồi phục và có tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên, cần có sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hội nuôi để có điều kiện sản xuất cuối năm và chuẩn bị cho năm 2022.
Ông Quốc cũng cho rằng, muốn ngành hàng cá tra phát triển bền vững, cần xây dựng các chuỗi liên kết để cùng chia sẻ lợi nhuận, khi có biến động về thị trường, các hộ nuôi, các doanh nghiệp sẽ vượt qua được khó khăn. Thời gian vừa qua đã cho thấy rõ điều đó, khi nơi nào tổ chức liên kết chuỗi tốt thì nơi đó người nuôi và doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại hơn.
“Hiện nay nên khuyến khích thành lập mô hình Hợp tác xã để đại diện cho các hộ nuôi. Các vùng nuôi của doanh nghiệp tính toán chiếm khoảng 70%, còn 30% các hộ nuôi cá thể, do đó, cần xây dựng hợp tác xã để có đầu mối ký hợp đồng với doanh nghiệp để thuận lợi hơn, tăng vai trò của hợp đồng, tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu” – ông Quốc đề xuất.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho niên vụ 2022, giống cá tra vẫn là vấn đề nóng, do thời gian qua, các cơ sở sản xuất giống thua lỗ, do vậy, ông Quốc cho rằng cần có chính sách hỗ trợ cho cơ sở ương nuôi giống, nuôi giống bố mẹ tập trung để phục vụ cho nhu cầu năm 2022 về sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu. Ông Quốc kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng với các tỉnh xây dựng vùng sản xuất giống tập trung, áp dụng quy định về nâng cao chất lượng con giống.
Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT cũng cần có chính sách để ổn định giá thức ăn, vật tư đầu vào. Ông Quốc cho rằng, nếu áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển nuôi nhưng giá nguyên liệu vật tư đầu vào không kiểm soát được thì hiệu quả của hộ nuôi và trong toàn chuỗi sẽ bị ảnh hưởng. Đồng thời, cần tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp, các tổ hợp tác các chính sách xây dựng kênh thương mại điện tử, thích ứng với tình hình sản xuất khi dịch COVID-19 vẫn được dự báo ảnh hưởng trong thời gian tới.
Theo VASEP, cá tra là ngành hàng chịu “tổn thương” trong thời gian qua, do đó, cần được “dưỡng thương”, “bồi bổ” để lấy lại sức trong năm 2022. Do đó, Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành liên quan nên có các chính sách hỗ trợ thiết thực, thực sự mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, cho người lao động, người nuôi cá…để từ đó lôi kéo người nuôi quan tâm đến sản xuất, người lao động quay trở lại sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đánh mã số vùng nuôi. Với cộng đồng doanh nghiệp cần nghiên cứu đa dạng sản phẩm, tăng sản phẩm có giá trị gia tăng để bù đắp khó khăn về chi phí trong giai đoạn hiện nay.
Để phục hồi ngành hàng cá tra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, trong giai đoạn tới, việc sản xuất cần gắn với chuỗi cung ứng toàn cầu, phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn của các thị trường. Thứ nữa, cần quan tâm đến cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển các vùng nuôi liên kết gắn với cơ sở chế biến, tiêu thụ.
Đặc biệt, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan khẩn trương thực hiện các quy định của Nhà nước về hỗ trợ sản xuất bị ảnh hưởng bởi COVID-19 như: giảm giá điện, hỗ trợ vốn, lãi suất vay, thuế,…; chỉ đạo Sở NN&PTNT các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thống nhất phương án hướng dẫn doanh nghiệp, người nuôi duy trì hoạt động sản xuất con giống, thức ăn, nuôi trồng chế biến, đảm bảo chuỗi sản xuất cá tra và kiểm soát tốt an toàn thực phẩm. Các Hiệp hội, doanh ngiệp và và các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá tra chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với dịch bệnh, tích cực xây dựng thương hiệu cho ngành hàng, đồng thời, đẩy mạnh bán hàng theo hình thức thương mại điện tử.
Nhìn nhận tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành hàng cá tra hiện nay đang cho thấy đã có nhiều tín hiệu đáng mừng, khả quan và tích cực, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ. Tuy nhiên, để gỡ khó những “nút thắt” tồn tại trong thời gian ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh vừa qua, nắm chắc cơ hội thuận lợi từ thị trường đòi hỏi ngành hàng cá tra cần có những bước khắc phục mạnh mẽ ở lĩnh vực con giống, cá nguyên liệu, nguồn lao động, giảm chi phí sản xuất và xúc tiến thị trường thương mại. Bên cạnh đó, với tình hình dịch COVID-19 đang được dự báo có những diễn biến khó lường trong năm 2022 cũng cần đòi hỏi ngành hàng cần rút ra được những kinh nghiệm quý báu trong việc ứng phó trong thời gian vừa qua và sẵn sàng các giải pháp để thích ứng trong mọi hoàn cảnh, đưa ngành hàng cá tra trở thành “điểm sáng” trong năm 2022./.