Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngành Công Thương Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả tích cực trong năm 2021

Thứ Ba, 16/11/2021 16:43 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, tuy nhiên, ngành Công Thương của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Bước sang năm 2022, ngành sẽ tập trung xây dựng các cơ chế chính sách để hỗ trợ, thu hút phát triển hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại, hạ tầng điện và các ngành công nghiệp hỗ trợ,…Từ đó, giúp tạo nhiều việc làm cho người dân.

 Ảnh mang tính minh họa (Ảnh: TQ)

Nhiều kết quả tích cực

Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, năm 2021, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cùng với cả nước, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc “nhiệm vụ kép” theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đó là vừa chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, vừa chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; các hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, về giá trị sản xuất công nghiệp, năm 2021 ước đạt 293.959 tỷ đồng. Trong năm 2021, doanh thu linh kiện điện tử tiếp tục là ngành dẫn đầu trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, ước đạt 156.085 tỷ đồng. Tiếp đến là quần áo các loại, ước đạt 86.300 nghìn chiếc, tăng 9,07% so với năm 2020, đạt 88,91% so với kế hoạch; thức ăn gia súc ước đạt 330.000 tấn, tăng 5,52% so với năm 2020, tăng 4,59% so với kế hoạch; vật liệu dùng để ốp lát ước đạt 118.000 nghìn m2, tăng 2,43% so với năm 2020, đạt 85,36% so với kế hoạch.

Về hoạt động thương mại, trong quý I và đầu quý II, hoạt động bán lẻ hàng hóa và kinh doanh dịch vụ diễn ra sôi động. Quý II và quý III, nhu cầu tiêu dùng của người dân có phần chững lại do dịch bệnh bùng phát khiến số ca lây nhiễm của cả nước tăng nhanh. Do vậy, lượng hàng hóa bán ra trong ngày tại một số siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh có thời điểm giảm từ 30% đến 50% so với trước khi dịch bùng phát lần này.

Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 2021 ước đạt 55.349 tỷ đồng. Đồng thời, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2021 ước đạt 15.797,8 triệu USD, tăng 17,36% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 6.252,6 triệu USD, tăng 23,19 %; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 9.545,2 triệu USD, tăng 13,84% so với năm 2020.

Phấn đấu thực hiện các mục tiêu trong năm 2022

Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong năm 2022, ngành sẽ tập trung xây dựng các cơ chế chính sách để hỗ trợ, thu hút phát triển hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại, hạ tầng điện và các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực có giá trị tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, tạo nhiều việc làm cho người dân; thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Về các chỉ tiêu chủ yếu, phấn đấu trong năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp tăng khoảng 10% so với năm 2021, đạt 323.355 tỷ đồng. Đồng thời, dự kiến đến năm 2022 tăng trưởng mạnh mẽ các ngành cơ khí, điện tử, gạch ốp lát, thức ăn gia súc; sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường; giảm một số sản phẩm như xe máy, may mặc,…

Về thương mại nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2022 ước đạt 60.884 tỷ đồng. Đồng thời, dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt 11.000 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12.000 triệu USD.

Để phấn đấu đạt được các mục tiêu trên, Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, ngành sẽ tập trung tập trung tham mưu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách đặc thù để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại, cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thực hiện sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.  Đồng thời, cụ thể hóa và triển khai các Kế hoạch, Chương trình hành động của Bộ, ngành Trung ương và Nghị quyết của Ban Chấp hành Đại hội đảng bộ tỉnh, bảo đảm tạo lập môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đi cùng với đó, rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại, năng lượng... gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các quy hoạch ngành lĩnh vực khác phù hợp với chiến lược phát triển của ngành, đồng thời đáp ứng yêu cầu quy hoạch không gian đô thị, kết cấu hạ tầng liên vùng.

Đáng chú ý, tăng cường công tác quản lý nhà nước của ngành Công Thương trên tất cả các lĩnh vực thương mại và công nghiệp, tạo sự bứt phá trong công tác chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn. Cải cách hành chính hơn nữa theo cơ chế một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính. Nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ công chức làm công tác chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực, ngành. Sắp xếp bố trí vị trí việc làm các cán bộ có trình độ chuyên môn sâu, có kinh nghiệm, tâm huyết phù hợp vị trí việc làm. Thường xuyên cử cán bộ, công chức tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu do các Bộ, ngành tổ chức.

Đặc biệt, ngành sẽ tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc. Tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát đối với các doanh nghiệp nhằm đảm bảo sự công bằng cho các doanh nghiệp trong nước và giữ vững mối quan hệ thân thiện với các nhà đầu tư nước ngoài, tạo một hành lang pháp lý thống nhất, đảm bảo việc quản lý có hiệu quả đối với mọi thành phần doanh nghiệp.

Ngoài ra, ngành Công Thương của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút các nhà đầu tư, tập trung các nguồn lực để đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng cụm công nghiệp và hạ tầng thương mại…Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, thương mại với chính sách ưu tiên tiếp cận một số thị trường mục tiêu như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ và các nước ASEAN. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thị trường trong và ngoài nước. Tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại các tỉnh và các nước mà doanh nghiệp có cơ hội đưa hàng hóa vào các thị trường nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa,..../.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN