Ngăn sách điện tử “lậu” - cuộc chiến gian nan
(ĐCSVN) - Cần mạnh tay loại trừ sách điện tử "lậu". Chỉ khi tôn trọng bản quyền, trân quý tri thức, chúng ta mới có thể đi xa trên con đường phát triển văn hóa và xây dựng một cộng đồng văn minh.
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ và thiết bị điện tử, việc tìm đến sách điện tử trở nên khá phổ biến với nhiều bạn đọc. Phải khẳng định, sách điện tử không chỉ giúp sách đến gần, nhanh với bạn đọc hơn, mà nó thể hiện tính ưu việt là tiện lợi, linh hoạt và dễ xử lý.
Bạn đọc có thể dễ dàng tiếp cận sách điện tử với chi phí thấp, dễ tìm, dễ mua. Người mua cũng chỉ cần có một tài khoản ngân hàng số, gõ tên sách, một cú click chuột là có cuốn sách mong muốn. Như vậy, việc sở hữu một cuốn sách điện tử trở nên vô cùng dễ dàng, người mua vừa có thể xem trước nội dung sơ lược cuốn sách, vừa tiết kiệm thời gian, công sức. Với sách điện tử, dù có đi đâu, bao xa, thì chỉ cần có một chiếc điện thoại hoặc một thiết bị điện tử trên tay là người đọc đã có cả một thư viện sách ở bên.
Sách điện tử trở thành xu thế của thời kỳ công nghệ số. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, có một kênh khác mà người đọc thậm chí không cần có thẻ ngân hàng vẫn có thể có cuốn sách mình mong muốn, đó là sách điện tử “lậu”. Sao chép nguyên si sách thật – nhiều trang web đã “đánh cắp” nội dung sách hay, sách được nhiều người tìm đọc đưa lên mạng và kinh doanh ngay trên những sản phẩm lậu, khiến các nhà xuất bản chỉ còn cách “chết đứng” khi nhìn thấy cuốn sách vừa “ra lò” của mình đã “chình ình” công khai trên mạng. Chỉ cần gõ tìm kiếm tên một cuốn sách nào đó trên google hoặc ứng dụng trên điện thoại, người dùng có thể dễ dàng tìm thấy và tải về hàng loạt sách điện tử miễn phí.
Tình trạng vi phạm bản quyền xảy ra vô cùng phổ biến, không ảnh hưởng trực tiếp đến người đọc (thậm chí còn có lợi!?), nhưng nó ảnh hưởng rất lớn đến tác giả và nhà xuất bản, gây thiệt hại lớn cho các nhà xuất bản, cơ sở kinh doanh chân chính và quyền lợi của tác giả.
Khi được hỏi về vấn nạn sách điện tử “lậu”, bà Khúc Thị Hoa Phượng – Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ đã không khỏi “kêu trời”. Nhiều cuốn sách của NXB, đặc biệt những cuốn hay, sách đạt giải thưởng vừa in và kịp giới thiệu ra mắt bạn đọc thì bản lậu điện tử đã xuất hiện. “Cứ tác phẩm nào bán chạy trên thị trường là bị "ăn cắp trắng trợn" – bà Phượng chia sẻ. Bà cho biết, việc này không phải mới xuất hiện. Tuy nhiên, nếu trước đây sách in lậu nhiều, thì giờ, sách điện tử lậu còn nhiều và khó kiểm soát hơn. “Nó như con bạch tuộc nhiều vòi, cứ chặt chân này lại mọc chân khác, xóa trang này lại mọc trang kia. NXB đã nhiều lần làm công văn kiến nghị xử lý, nhưng do pháp luật của ta chưa chặt chẽ, xử lý chưa nghiêm, mức xử phạt còn quá thấp, chỉ dừng lại ở phạt hành chính nên không triệt tiêu được vấn nạn”. Ngoài việc vi phạm luật bản quyền, việc này còn gây thiệt hại không đong đếm được đối với các NXB. Theo thị trường đọc, đáng lẽ một cuốn sách có thể in bán được 10.000 cuốn, thì giờ, NXB chỉ dám in 2000 cuốn. Hơn nữa, có rất nhiều công ty sách nước ngoài không muốn bán bản quyền sách cho Việt Nam bởi nạn sách lậu – “Chúng tôi chiến đấu mệt mỏi vì chấp hành luật ko nghiêm”.
Một số doanh nghiệp kinh doanh sách khác cũng lắc đầu ngao ngán, bất lực khi nói đến vi phạm bản quyền sách. Nhiều nhà xuất bản đã làm nhiều cách như giảm sâu giá sách, tăng chất lượng in ấn, khởi động các chiến dịch nâng cao ý thức bạn đọc... nhưng cuối cùng, sách điện tử lậu vẫn nằm trên mạng mỗi ngày.
Thu lợi lớn từ quảng cáo, các trang web lậu này lại được sự tiếp sức của người đọc bởi việc tải sách miễn phí quá dễ dàng. Người đọc hầu như không quan tâm đến việc cuốn sách đó có bản quyền hay không, không nghĩ đến hậu quả mình đã gây ra. Thậm chí nhiều người có thói quen dùng “chùa” bản sách điện tử và mặc nhiên coi đó là miễn phí.
“Không hoàn toàn là lỗi của độc giả khi các tác phẩm sách điện tử được sao chép, tải lậu, lưu trữ một cách quá dễ dàng. Trong khi đó, việc truy cứu trách nhiệm, áp dụng chế tài pháp luật xử lý lại rất khó khăn. Các nhà xuất bản, tác giả cần phải chủ động bảo vệ mình trước vấn nạn vi phạm bản quyền tràn lan” - ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đa phương tiện Thủ Đô chia sẻ về giải pháp để ngăn chặn tình trạng phát hành sách lậu trên môi trường số.
Các trang web đăng sách điện tử lậu "như con bạch tuộc nhiều vòi xóa trang này lại mọc trang kia" - bà Khúc Thị Hoa Phượng chia sẻ. |
Còn theo bà Phượng, bên cạnh việc kiến nghị đưa vào khung sản xuất hàng giả để xử lý hình sự, NXB cũng chỉ biết kêu gọi vào ý thức của bạn đọc bạn đọc, để hãy là người đọc văn minh.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, thời gian qua, Cục Xuất bản, In và Phát hành chủ động phối hợp các cơ quan quản lý thông tin điện tử, an ninh mạng, công an… để triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn các trang web, mạng xã hội chào bán sách lậu, sách giả, vi phạm bản quyền; gỡ bỏ các trang này. Thời gian tới, Cục sẽ chủ động phối hợp các cơ quan này, đồng thời hướng dẫn tổ chức, cá nhân bị xâm hại bản quyền cung cấp đầy đủ chứng cứ, tài liệu để có đầy đủ cơ sở pháp lý đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm bản quyền trên môi trường mạng. Tuy nhiên, các chủ thể bị xâm phạm bản quyền phải hiểu được quyền của mình, đưa ra yêu cầu xử lý xâm phạm đối với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bởi về nguyên tắc, cơ quan Nhà nước chỉ can thiệp khi có yêu cầu của chủ thể.
Chúng ta đã có Nghị định 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản; Nghị định 131/2013/NĐ-CP. Luật Xuất bản và Luật Sở hữu trí tuệ cũng đã quy định khung hình phạt cụ thể khi vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, mức xử phạt với hành vi phân phối tác phẩm (dưới bất kỳ hình thức nào) mà không có sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả quá thấp, việc bảo vệ bản quyền sách số vẫn chưa được quan tâm bởi khó đong đếm bản điện tử “lậu”, khó truy ra số thiệt hại của tác giả và doanh nghiệp có quyền xuất bản. Và lợi nhuận vẫn đang tiếp tục làm mờ mắt các doanh nghiệp làm ăn chộp giật trên công sức và trí tuệ của người khác.
Dù khó nhưng rõ ràng, việc vi phạm bản quyền, dù là sách giấy hay sách số, sách nói đều cần phải xử phạt nghiêm minh. Luật đã có, chúng ta cũng không thiếu các chế tài, vấn đề là thực thi luật như thế nào. Do đó, việc nâng cao nhận thức của các cá nhân, tổ chức về sở hữu trí tuệ, bảo vệ bản quyền mới giải quyết tận gốc vấn đề. Nếu mọi người còn chưa thật sự quan tâm đến vấn đề bản quyền, không có thái độ cứng rắn, mạnh mẽ thì pháp luật vẫn sẽ không được thực thi và những kẻ vi phạm vẫn sẽ coi thường pháp luật, coi thường tác giả.
Một xã hội phát triển là một xã hội biết tôn trọng bản quyền, trân quý tri thức. Chỉ khi chúng ta tường minh những giá trị đó, chúng ta mới có thể đi xa trên con đường phát triển văn hóa và xây dựng một cộng đồng văn minh./.