Ngăn chặn mối nguy hiểm từ cây xanh gãy đổ trong mùa mưa bão
(ĐCSVN) - Thời gian vừa qua, tại những thành phố lớn trong cả nước đã ghi nhận không ít trường hợp cây xanh gãy cành, bật gốc gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của người đi đường. Thực tế cho thấy, đây đang trở thành một “ẩn họa” lớn đối với người dân, nhất là trong mùa mưa bão…
Những vụ việc không là cá biệt…
Vào thời điểm mùa mưa bão hàng năm, người dân các đô thị lớn luôn thường trực nỗi lo về tình trạng cây xanh gãy đổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào với những hậu quả khó lường trước. Nhẹ thì gây hư hỏng nhà cửa, tài sản; nặng hơn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người đi đường hoặc người dân sinh sống gần đó.
Theo ghi nhận, bình quân mỗi năm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều xảy ra hàng chục vụ việc liên quan đến cây xanh bị bật gốc, gãy cành. Điều đáng nói là tình trạng này có thể xảy ra ngay cả trong điều kiện thời tiết bình thường; không có mưa bão, giông gió. Điều này cũng là nguyên nhân gây bất ngờ cho người dân trong nhiều tình huống cây xanh gãy đổ tại các đô thị.
Mới đây nhất, khoảng 17h45 ngày 14/6, cây phượng lớn nằm trong một công trình đang xây dựng đã bất ngờ gãy đổ ra phía đoạn đường Quán Sứ (gần ngã tư Trần Hưng Đạo - Quán Sứ, Hà Nội). Hậu quả là cây phượng đã đổ vào chiếc xe máy mang BKS 30N4 - 6407 (chở theo 3 người) và chiếc xe máy BKS 29Y3 - 371.14 (chở theo 2 người) khiến cả 5 người đều bị thương nặng ở vùng đầu. Trước đó, một cây xanh trên vỉa hè đường Phan Huy Chú, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng đã bất ngờ gãy đổ đè vào 1 ô tô và 3 xe máy. Tuy không có ai bị thương nhưng vụ việc đã gây thiệt hại lớn về kinh tế do toàn bộ số phương tiện nói trên đều bị hư hỏng nặng. Chị Nguyễn Quỳnh Anh ở phố Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) lo lắng: “Vào mùa mưa, mọi người trong gia đình tôi thực sự rất sợ ra đường bởi nhiều khi cây xanh trên đường gãy đổ rất bất ngờ; không biết đâu để lường trước được”.
Nghiêm trọng hơn, tại Thành phố Hồ Chí Minh, những năm trước đây đã ghi nhận không ít trường hợp cây xanh bật gốc, gãy cành gây thương vong cho người dân. Cụ thể, ngày 26/8/2016, trong khi đang tập thể dục tại Công viên Tao Đàn, bà Trương Thị Ngọc Mai (60 tuổi) đã bất ngờ bị một nhánh cây rơi xuống trúng đầu khiến bà bất tỉnh. Nạn nhân được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó. Cũng trong tháng 8/2016, trên đường An Dương Vương, quận 5, anh Từ Văn Khải (25 tuổi) đang học nghề tại một cơ sở đã bị một cây xanh gần như mất hết bộ rễ, bật gốc đè chết tại chỗ. Vụ việc còn gây ảnh hưởng đến nhiều xe gắn máy, ôtô và nhà dân ở gần đó.
Cần những giải pháp đồng bộ, kịp thời
Thực tế thời gian qua cho thấy, tình trạng cây xanh gãy đổ gây thiệt hại về người và tài sản tại các thành phố lớn gần như năm nào cũng có, nhẹ thì xây xát, nặng thì thương vong, hư hại tài sản. Theo người dân, đây là những vụ tai nạn không báo trước cho dù trời đang mưa dông hay nắng ráo, trong đó đáng báo động nhất là trong mùa mưa bão.
Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ riêng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang có tới hàng chục tuyến đường có cây xanh đã được trồng lâu năm. Dù các đơn vị chức năng thường xuyên thực hiện các biện pháp tỉa nhánh, cắt ngọn nhưng tình trạng cây gãy đổ, gây tai họa bất ngờ cho người đi đường vẫn còn tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ. Ngoài những cây cổ thụ được trồng ở các tuyến đường lớn, nhất là các tuyến thuộc khu vực trung tâm thành phố còn phải kể tới những tuyến đường có các loại cây tuy còn nhỏ nhưng cũng tiềm ẩn nguy hiểm gãy đổ do đặc điểm thân cây giòn.
Anh Nguyễn Văn Thanh, một người làm nghề xe ôm tại đường Láng, quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết: “Tôi thường xuyên có mặt ngoài đường, nhiều lúc chỉ cần gió mạnh một chút là các cành cây đã gãy và rơi xuống đường. Vậy nên những khi mưa to, gió mạnh, tôi đều tìm nơi trú tránh an toàn chứ không mạo hiểm đứng dưới gốc cây”.
Tìm hiểu được biết, đặc điểm chung của hệ thống cây xanh tại các đô thị lớn hiện nay là cây xanh đã phát triển qua nhiều thời kỳ; nhiều tuyến đường, phố có hệ thống cây bóng mát, cây cổ thụ. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa, biến đổi khí hậu nên có nhiều mưa bão, dông lốc bất thường đã xảy ra gây nên những thiệt hại cho công trình, nhà cửa, hệ thống cây xanh. Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng đã thường xuyên kiểm tra, phát hiện, chặt hạ cây chết, cây nguy hiểm, cắt tỉa cây nặng tán nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gãy đổ, đặc biệt trong mua mưa bão.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh cũng đã chủ động thực hiện công tác tỉa cành, cắt nhánh, nhất là các loại cây tự rụng cành như sao, dầu; đồng thời tiến hành đốn hạ những cây sâu bệnh, già cỗi, nghiêng có nguy cơ gãy đổ. Những loại cây như: sọ khỉ, lim xẹt, phượng vĩ... thường có cành giòn, dễ bật gốc nên đã được Công ty tiến hành hạ thấp chiều cao... Những khu vực như: bến sông, ven sông, kênh, rạch, các khoảng không giao lộ, vòng xoay… thường hay xảy ra các sự cố cây xanh gãy, đổ đã được công ty theo dõi để có kế hoạch đốn hạ cây hỏng, mục…
Còn tại Hà Nôi, mới đây Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã có chỉ đạo về việc xử lý “hiểm hoạ” cây xanh nguy cơ gãy đổ. Đây là việc làm kịp thời nhằm bảo đảm an toàn cho người dân Thủ đô trong mùa mưa bão năm nay.
Có thể nói, tuy đã rất cố gắng và có bước chuyển biến so với trước, nhưng thực tế vẫn còn những hiện tượng cây đổ, cành gãy, có trường hợp làm thiệt hại đến người và tài sản của nhân dân. Vì vậy, để ngăn chặn tiến tới đẩy lùi nguy cơ mất an toàn do cây xanh gãy đổ trong mùa mưa bão, thiết nghĩ, các thành phố lớn cần tiếp tục có những giải pháp đồng bộ. Bên cạnh những biện pháp tình thế như: cắt ngọn, tỉa cành..., theo ý kiến nhiều chuyên gia, về lâu dài cần có kế hoạch thay thế dần các loại cây cổ thụ quá già tuổi; phân loại nhóm tuổi tồn tại, sinh trưởng cho phép của từng loại cổ thụ để có những biện pháp thích hợp bảo vệ, thay thế… Đó cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý nghiên cứu và đưa ra những can thiệp kịp thời đối với hệ thống cây xanh, kể cả những công trình xây dựng hạ tầng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây xanh, nhằm đảm bảo an toàn cho con người và cảnh quan đô thị.
Ngoài ra, do đặc điểm không gian đô thị, cũng cần tăng cường tuyên truyền để mọi người dân hiểu rõ việc chăm sóc, bảo vệ hệ thống cây xanh đô thị là trách nhiệm của mỗi người dân, của toàn xã hội; khuyến khích mọi người dân tham gia bảo vệ hệ thống cây xanh, để hệ thống cây xanh vừa là “người bạn” giúp thanh lọc không khí, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đô thị, vừa không tiềm ẩn những mối nguy hiểm đối với người dân./.