Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử
(ĐCSVN) – Trong những năm gần đây, thương mại điện tử, xu hướng mua sắm đa kênh có sự tăng trưởng mạnh và Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, việc kiểm soát và ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng thương mại điện tử để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là rất khó khăn và cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.
Trong năm 2021, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đạt 13,7 tỷ USD (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: MP) |
Tiềm ẩn nguy cơ hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng thương mại điện tử
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong năm 2021, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Dự báo, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 có thể ở mức cao nhất từ trước tới nay nhờ kiểm soát tốt đại dịch COIVID-19.
Bên cạnh những mặt tích cực, internet và thương mại điện tử cũng có những mặt trái, đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt về tình trạng vi phạm pháp luật trên website, ứng dụng thương mại điện tử, như kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng cấm… không thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký website thương mại điện tử, hoặc giả mạo logo đã đăng ký và thông báo với Bộ Công Thương…
Cũng theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2021, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thực hiện kiểm tra hơn 3.000 vụ việc lợi dụng thương mại điện tư để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với số tiền xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng. Dự báo trong từ 2 - 3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên thương mại điện tử sẽ chiếm từ 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.
Trong năm 2021, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ gần 14.000 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị COVID-19... có dấu hiệu vi phạm trên gần 4.300 gian hàng. Một thống kê khác của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho thấy, mỗi năm cơ quan này nhận được khoảng 1.500 đơn khiếu nại của người tiêu dùng; trong đó, 50% số khiếu nại liên quan tới các giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến, gồm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và mua bán không có hóa đơn chứng từ.
Theo nhận định của ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương), các hình hình thức gian lận trong mô hình thương mại truyền thống đã xuất hiện trên kênh thương mại điện tử. Điểm đặc biệt của thương mại điện tử là giúp quá trình mua sắm của người dân trở nên dễ dàng hơn. Bên bán và bên mua hầu như không cần tiếp xúc trực tiếp, không phụ thuộc khoảng cách địa lý và các phương thức thanh toán cũng đơn giản và thuận tiện hơn. Lợi dụng điều này, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng có chiều hướng tăng rõ rệt, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhu cầu mua sắm truyền thống của người dân bị hạn chế.
Nhìn chung, phương thức gian lận phổ biến nhất là buôn bán những sản phẩm không giống như quảng cáo. Đơn cử, các đối tượng thường lợi dụng hình ảnh, video sản phẩm chính hãng để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, hàng hóa sau khi đến tay người tiêu dùng lại khác biệt về mẫu mã, chất lượng hoặc tình trạng.
Trước thực trạng trên, để “lọc” hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một số sàn thương mại điện tử đã dùng ứng dụng của trí tuệ nhân tạo AI. Tuy nhiên, việc ứng dụng giải pháp này vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng hàng giả, hàng nhái. Bởi, nếu người bán cố tình khai báo gian dối thông tin, lấy hình ảnh của sản phẩm khác đăng lên sàn để vượt qua bộ lọc chỉ có thể ngăn chặn, tháo gỡ sản phẩm, khóa gian hàng bằng phản ứng nhanh của khách hàng qua báo cáo hoặc đường dây nóng… Ngoài ra, sàn áp dụng các biện pháp lọc kết hợp AI và thủ công.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, thách thức hiện nay trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng thương mại điện tử là thủ đoạn của các đối tượng vi phạm ngày càng phức tạp và tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, phân tán hàng hóa nhiều nơi, khó xác định được kho hàng. Bên cạnh đó, các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng nên rất khó kiểm soát. Mặt khác, các nhà bán hàng trên sàn tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn, cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán để tránh bị kiểm soát. Trong khi, các sàn hiện vẫn chưa đầu tư đúng mức cho nhân sự, bộ phận kỹ thuật để kiểm duyệt sản phẩm. Ngoài ra, việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử như: Công an, quản lý thị trường, hải quan, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng còn hạn chế.
Làm gì để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng thương mại điện tử
Trong bối cảnh hiện nay, thương mại điện tử là xu hướng phát triển tất yếu, ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Chính vì vậy, việc ngăn chặn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử là một việc làm hết sức cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đây không còn là vấn đề của một vài cá nhân, tổ chức hay công ty, mà là trách nhiệm của toàn xã hội và nhà nước.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương (Ảnh: IT) |
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho rằng: Để giải quyết vấn đề chống hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trong không gian mạng đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, người tiêu dùng. Về lâu dài, phải xây dựng nền tảng thương mại điện tử vững chắc, lựa chọn đơn vị điển hình để đẩy lùi các tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Theo đó, phải xây dựng thể chế, nền tảng cơ sở pháp luật đáp ứng được nhu cầu về quản lý nhà nước trong thời gian tới đối với nền kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng, nghĩa là phải có khung pháp lý bắt kịp hơi thở của thời đại 4.0. Từ xây dựng cơ sở pháp lý đó, các bộ, ngành liên quan mới có căn cứ để vào cuộc. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để không những cơ quan chức năng mà người tiêu dùng, doanh nghiệp biết được vai trò của mình ở đâu, cần phải làm gì, từ đó mới ngăn chặn, đẩy lùi, dần xóa bỏ các hành vi kinh doanh hàng giả, buôn lậu trên không gian mạng.
Đối với người tiêu dùng, ông Nguyễn Đức Lê khuyến cáo cần thông báo kịp thời các thông tin, dấu hiệu vi phạm về chất lượng sản phẩm qua các đường dây nóng để các cơ quan chức năng xử lý; đồng thời đây cũng là cách doanh nghiệp tự bảo vệ thương hiệu của mình và không bị đơn vị khác làm giả, xâm phạm bản quyền.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam Phát triển thương mại điện tử, hiện rất bùng nổ, đúng như “thả gà để đuổi”. Hoạt động quản lý hàng nhái, hàng giả, hàng lậu trên thương mại điện tử rất khó và cần phải có những biện pháp nghiệp vụ mới điều chỉnh theo sự phát triển của thương mại điện tử. “Đối với các sàn thương mại điện tử chính thống thì không có vấn đề gì lớn, chỉ cần có cam kết của chủ sàn là không có hàng giả, có xuất xứ hàng hóa rõ ràng, nghĩa là mình đã lựa chọn được đầu vào rồi thì đầu ra sẽ yên tâm. Nhưng đáng lo nhất là các livestream trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok thì không quản lý được vì họ đánh du kích, nhỏ lẻ, đôi khi ở trong các chung cư thì không có lực lượng quản lý thị trường nào dám vào để bắt, không có lý do gì để bắt. Mà kể cả vào thì cũng không có gì, họ chỉ có mỗi điện thoại để livestream. Chúng ta không quản lý nổi những cái nhỏ như thế. Chính vì vậy, người tiêu dùng phải có ý thức trong việc mua bán, không nên mua hàng tại các địa chỉ không rõ xuất xứ hàng hóa, không rõ địa chỉ kinh doanh. Mua hàng phải có chứng từ, hóa đơn. Hóa đơn là thứ rất quan trọng để làm căn cứ kiến nghị, xử lý về sau nếu phát sinh vấn đề”, ông Nguyễn Đăng Sinh chia sẻ.
Hàng giả, hàng nhái là vấn đề rất nhức nhối của thị trường nói chung cũng như trong thương mại điện tử nói riêng. Thực tế các sàn thương mại điện tử cố chạy theo mục tiêu mở rộng thu hút được nhiều người bán trên đó. Vì thế, các sàn thương mại điện tử làm chưa chặt chẽ các khâu kiểm soát, xác minh các loại sản phẩm, hàng hóa. Điều này đã tạo ra tình trạng trong số các sản phẩm hàng hóa đưa lên sàn có rất nhiều mặt hàng giả, hàng nhái. Thêm vào đó, có tình trạng mặc dù không phải là hàng giả, hàng nhái nhưng tiêu chuẩn chất lượng một số mặt hàng không đảm bảo, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Qua các vụ việc vi phạm do lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, có thể khẳng định, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là hết sức quan trọng. Để công tác này có sự chuyển biến căn bản, việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả xã hội và cả hệ thống chính trị, trong đó người dân và các doanh nghiệp có vai trò quyết định./.