Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngăn chặn COVID-19 tấn công chợ dân sinh

Thứ Tư, 11/08/2021 10:33 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hàng loạt các ca dương tính SARS-CoV-2 liên quan đến những chợ dân sinh ở Hà Nội mới đây đã cho thấy nguy cơ lây nhiễm lớn tại các chợ này, nếu công tác phòng, chống dịch COVID-19 không được thực hiện nghiêm túc.

Mới đây, ngày 1/8, theo thông báo từ Sở Y tế Hà Nội, trường hợp N.T.C, nữ, sinh năm 1981, địa chỉ tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì được test nhanh sàng lọc tại Trạm Y tế Ngọc Hồi nghi ngờ dương tính, lấy mẫu PCR cho kết quả dương tính. Chị C là người bán hàng tôm, cá thường xuyên lấy hàng tại chợ Long Biên.

Trước đó, nhiều trường hợp lây nhiễm mới xuất hiện tại cộng đồng, liên quan đến các chợ đầu mối, chợ dân sinh đã gây nhiều lo lắng cho người dân. Điển hình như các trường hợp ca bệnh dương tính SARS-CoV-2 là người bán rau tại chợ Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm; người bán hoa tươi ở chợ Bùng, huyện Thạch Thất; người bán trứng ở chợ đầu mối phía Nam (còn gọi là chợ Đền Lừ), quận Hoàng Mai; người bán hải sản tại chợ Phúc Xá, quận Ba Đình...

Hiện Hà Nội có gần 10 chợ đầu mối lớn nhỏ và hàng trăm chợ dân sinh. Hoạt động của các chợ dân sinh, chợ đầu mối này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm các nhu cầu của đời sống người dân. Tuy nhiên, các chợ này luôn là những tụ điểm rất đông người, diễn ra các hoạt động mua bán nhộn nhịp, nhiều người tiếp xúc, qua lại. Do đó, nếu không có sự quản lý sâu sát, kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc thường xuyên của lực lượng chức năng, sẽ rất dễ xuất hiện nguồn bệnh, trở thành những nơi có nguy cơ lây lan và phát tán mầm bệnh COVID-19.

Nhận thức được điều này, ngay khi phát hiện các ca bệnh trong cộng đồng, nhất là các ca bệnh tại những chợ dân sinh, chợ đầu mối, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã nhanh chóng tổ chức phong tỏa khu vực có liên quan; truy vết, xét nghiệm để khoanh vùng, hạn chế lây lan. Riêng đối với trường hợp bệnh nhân N.T.C như đã nêu trên, ngay trong đêm 1/8, Trung tâm Y tế quận Ba Đình (Hà Nội) tổ chức xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR cho 260 nhân viên, tiểu thương ở khu vực quầy hải sản chợ Long Biên. Ban quản lý chợ Long Biên cũng đã lập hàng rào, phong tỏa khu vực kinh doanh hải sản, tiến hành tiêu độc, khử trùng, trang bị dụng cụ sát khuẩn ở các cửa ra vào chợ để tiểu thương sử dụng khi đến đây mua bán.

Sau khi phát hiện trường hợp dương tính, Ban quản lý chợ Long Biên đã phong tỏa khu vực kinh doanh hải sản để tiến hành công tác phòng, chống dịch. (Ảnh: HMT)

Được biết, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc gửi Bộ Công thương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn phòng, chống dịch tại chợ đầu mối, chợ bán lẻ trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg. Theo đó, lãnh đạo các địa phương cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch tại các chợ trên địa bàn; dừng hoạt động ngay đối với những chợ không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo quy định; tổ chức xét nghiệm SARS-COV-2 bằng test nhanh kháng nguyên cho người quản lý, làm việc, bán hàng tại chợ hằng tuần; tuyên truyền, phổ biến cho người dân về các quy định phòng, chống dịch khi đến và mua bán tại các chợ.

Liên quan đến việc phòng, chống nguy cơ lây lan dịch bệnh đối với các chợ dân sinh, chợ đầu mối tại Hà Nội, cũng đã có những cách làm hiệu quả. Hiện nhiều quận, huyện của Hà Nội đã phát phiếu đi chợ cho người dân trên địa bàn; các tiểu thương tại chợ Bách Khoa (phường Bách Khoa, Hai Bà Trưng) và chợ dân sinh nằm trên phố Nguyễn Thiện Thuật (phường Đồng Xuân, Hoàn Kiếm) đã kẻ vạch giãn cách, quây nilon giữa các quầy hàng để giữ khoảng cách. Người dân vào chợ mua hàng được kiểm tra thân nhiệt, nhắc nhở đeo khẩu trang thường xuyên; dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ ở khu vực các ki-ốt nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh. Những tấm chắn nilon trong suốt không chỉ ngăn giữa tiểu thương với người mua, mà giữa tiểu thương với tiểu thương cũng không thể tiếp xúc gần. Không những vậy, các tiểu thương còn tự trang bị đầy đủ đồ bảo hộ khi bán hàng; qua đó góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng: Với những đặc tính như lây lan qua giọt bắn, bám lưu trên các bề mặt thì virus SARS-CoV-2 rất có khả năng lây truyền qua việc mua bán, trao đổi của người dân tại các khu chợ dân sinh. Cùng với việc khoanh vùng, truy vết các ca bệnh mới, việc quan trọng nhất đó là từng người cần chủ động trong tự phòng, chống dịch. Khi xuất hiện các trường hợp ho, sốt, khó thở..., mỗi cá nhân cần chủ động đến các cơ sở y tế để thực hiện các xét nghiệm theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Việc phát hiện sớm không chỉ giúp các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế, được điều trị kịp thời, mà còn là cơ sở để hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo người dân nên hạn chế mua sắm, cân nhắc mua những vật dụng thiết yếu có thể sử dụng trong một tuần để không phải đi chợ nhiều lần. Khi đi chợ, cần đeo khẩu trang, găng tay, cố gắng mua bán nhanh, tránh tiếp xúc nhiều người. Nếu có thông tin về khu chợ có phát sinh bệnh tật, cần lập tức khai báo y tế và theo dõi sức khỏe của mình.

Thực tế, các biện pháp phòng, chống dịch tại các chợ dân sinh đã được triển khai từ khá sớm và khá thường xuyên ở các địa phương, đặc biệt trong các khu dân cư đô thị. Tuy nhiên, với đặc tính tạm bợ của kinh tế lòng đường, hè phố, việc thực hành và kiểm tra các biện pháp an toàn trong những khu chợ dân sinh thường chưa được quan tâm triệt để nên tại khá nhiều khu vực, các đợt dịch bệnh đều khởi phát từ các khu chợ. Do đó nếu đã coi chợ dân sinh là một phần thiết yếu của đời sống đô thị, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ hơn để chợ trở thành địa chỉ an toàn cho người dân đến mua sắm nhu yếu phẩm./.

Thùy Linh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN