Nga rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen
(ĐCSVN) - Ngày 17/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen chấm dứt hiệu lực do phần thỏa thuận liên quan đến Nga đã không được thực hiện.
Phát ngôn viên này khẳng định, sự cố cầu Crimea bị tấn công không phải là lý do Nga không tiếp tục gia hạn vào thời điểm thỏa thuận ngũ cốc hết hiệu lực, mà do phần liên quan đến Nga trong thỏa thuận vẫn chưa được thực hiện. Nga sẽ quay lại thực hiện thỏa thuận ngay sau khi các nội dung này được hoàn tất.
Phó đại diện thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc Dmitry Polyansky nêu rõ, đây là quyết định cuối cùng và Moscow không lên kế hoạch đàm phán thêm.
Trong khi đó, phát biểu trên hãng thông tấn TASS, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moscow đã chính thức thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Ban thư ký Liên hợp quốc về việc không tiếp tục gia hạn thỏa thuận ngũ cốc. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga lý giải, sau quyết định trên, bắt đầu từ ngày 18/7, hành lang nhân đạo trên biển sẽ bị đóng cửa, trong khi Trung tâm điều phối chung (JCC) ở Istanbul sẽ bị giải tán.
Về phía đại diện Liên hợp quốc tại Istanbul xác nhận họ đã nhận được thông báo từ Nga về việc ngừng tham gia thỏa thuận.
Vì đâu Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đổ vỡ ?
Ảnh minh họa: AP/Andrew Kravchenko |
Thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được ký kết vào ngày 22/7/2022 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Phần đầu tiên của thỏa thuận có thời hạn trong vòng 120 ngày (trong đó đề cập tới khả năng tự động gia hạn) đã được Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ ký riêng với Nga và Ukraine, với nội dung liên quan đến việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen. Phần thứ hai trong thỏa thuận có thời hạn ba năm đã được ký kết giữa Liên hợp quốc và Nga dưới dạng biên bản ghi nhớ, đề cập đến việc loại bỏ các hạn chế đối với xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga.
Ngày 20/10/2022, Nga đã đình chỉ việc tham gia thỏa thuận sau khi Ukraine tấn công các tàu của Nga ở Sevastopol. Nga yêu cầu đảm bảo an ninh cho các tàu của mình và sau đó đã nối lại việc tham gia thỏa thuận vào ngày 2/11 cùng năm.
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được các bên ký kết nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do cuộc xung đột giữa hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới là Nga và Ukraine. Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn vào tháng 11/2022 (thêm 120 ngày) và tháng 3 năm nay (thêm 60 ngày, tới 18/5/2023) và theo lần gia hạn mới nhất ngày 18/5, thỏa thuận đã chấm dứt hiệu lực vào ngày 17/7. Trong các lần gia hạn này, Moscow đã kêu gọi các bên cần lưu tâm tới các lợi ích của Nga vốn chưa được thực hiện theo như tinh thần mà bản thỏa thuận đã đề cập tới.
Về phía Liên hợp quốc đã nhiều lần cho biết Tổng thư ký Antonio Guterres đang liên hệ với khu vực tư nhân, chính phủ các nước và các thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) để đảm bảo việc thực thi thỏa thuận. Vào cuối tháng 5/2023, ông Guterres đã trình bày các ý tưởng về các biện pháp giúp cải thiện công việc của Trung tâm điều phối chung và đảm bảo xuất khẩu amoniac của Nga thông qua đường ống Togliatti-Odessa tới Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ. Các nội dung cụ thể không được tiết lộ chi tiết, song Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin cho biết, trong một tuyên bố đưa ra vào cuối tháng 6/2023, Liên hợp quốc thừa nhận cơ quan này không thể đáp ứng yêu cầu mà Nga đã đưa ra.
Trong những tuần gần đây, các bên đã tiến hành nhiều vòng đàm phán nhằm kéo dài thỏa thuận ngũ cốc. Tổng thư ký Liên hợp quốc đã gửi cho Tổng thống V.Putin một bức thư "với các đề xuất cụ thể", song không tiết lộ chi tiết. Về phía Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan mới đây lại cho biết, ông Putin đã đưa ra “một số đề xuất khác” để kéo dài thỏa thuận ngũ cốc.
Ngày 13/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin để ngỏ kịch bản Moscow rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc. Tuy nhiên, người đứng đầu Điện Kremlin khẳng định, Nga sẽ tham gia lại ngay lập tức nếu yêu cầu của họ được đáp ứng. Theo ông, trước tiên, Nga cần được chứng kiến “một số lời hứa được thực hiện”.
Phản ứng từ cộng đồng quốc tế
Ngày 17/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố rằng Ankara đã cố gắng cứu vãn thỏa thuận ngũ cốc cho đến tận giây phút cuối cùng. Ông Erdogan cũng đã lên kế hoạch điện đàm hay thậm chí là gặp trực tiếp người đồng cấp Nga V.Putin để thảo luận về thỏa thuận vào tháng 8 tới.
Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được ký kết tháng 7/2022 giữa Nga và Ukraine do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, với mục đích nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, bằng cách cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen, vốn bị chặn bởi cuộc xung đột, một cách an toàn. Theo Trung tâm Điều phối Chung ở Istanbul, sáng kiến ngũ cốc Biển Đen đã cho phép ba cảng của Ukraine xuất khẩu 32,9 triệu tấn ngũ cốc và thực phẩm khác ra thế giới, với hơn một nửa trong số đó là xuất khẩu sang các nước đang phát triển.
Việc thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen không được gia hạn vào thời điểm hết hiệu lực ngày 17/7 đã ngay lập tức gây ra những phản ứng trên thị trường lương thực thế giới. Giá lúa mì kỳ hạn giao tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago đã tăng hơn 3%, đạt mức 6,84 USD/giạ vào lúc 12:14 giờ ngày 17/7 (theo giờ Moscow). Trong khi đó, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ chạm mức thấp kỷ lục so với đồng USD, ở mức giao dịch 26,31 đổi 1 USD. |
Trong một phản ứng tức thời, Mỹ kêu gọi tất cả các bên tham gia thỏa thuận nối lại đàm phán và gia hạn thỏa thuận. Về phía Đức khuyến khích Nga tiếp tục thỏa thuận ngũ cốc vô thời hạn.
Trong khi đó, EU lại chỉ trích hành động của Nga nhằm rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc. Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cho biết, liên minh này sẽ tiếp tục việc phân phối thực phẩm từ Ukraine ra các thị trường toàn cầu.
Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky thì tuyên bố Ukraine sẽ làm mọi cách để các hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của nước này được duy trì.
Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc - ông Zhang Jun nói rằng Bắc Kinh ủng hộ việc tiếp tục duy trì liên lạc giữa các bên, song nhấn mạnh thêm rằng “lợi ích của Nga phải được tính đến”.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), ngày 17/7, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã bày tỏ sự tiếc nuối về quyết định của Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Liên hợp quốc sẽ tiếp tục các nỗ lực để thỏa thuận được nối lại càng sớm càng tốt.
"Tôi vô cùng lấy làm tiếc về quyết định của LB Nga chấm dứt việc thực hiện Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, bao gồm cả việc rút lại các đảm bảo an ninh của Nga đối với hoạt động đi lại ở phía Tây Bắc Biển Đen", ông Guterres nói.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ sự tiếc nuối trước việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen trong cuộc họp báo ngày 17/7 ở trụ sở Liên hợp quốc tại New York (Mỹ). (Ảnh: Xinhua) |
Theo lý giải của ông Guterres, với quyết định chấm dứt Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, Nga cũng chấm dứt cam kết tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu thực phẩm, dầu hướng dương và phân bón từ các cảng Biển Đen do Ukraine kiểm soát, như đã thể hiện trong biên bản ghi nhớ giữa Nga và Liên hợp quốc.
Người đứng đầu Liên hợp quốc nêu rõ trong bối cảnh sản xuất lương thực trên thế giới bị gián đoạn bởi xung đột, biến đổi khí hậu, giá năng lượng và các yếu tố khác, các thỏa thuận như Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã góp phần hạ giá lương thực hơn 23% kể từ tháng 3/2022.
“Tất nhiên, tham gia thỏa thuận là một lựa chọn, song những người dân đang gặp khó khăn ở khắp nơi trên thế giới và các nước đang phát triển lại không có lựa chọn nào khác. Hàng trăm triệu người phải đối mặt với nạn đói và người tiêu dùng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu. Họ sẽ phải trả giá” – ông Guterres nói, đồng thời lưu ý thêm rằng giá lúa mì đã tăng vọt ngay sau khi Nga công bố quyết định rút khỏi thỏa thuận.
Ngày 17/7, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng kêu gọi các bên liên quan quay trở lại bàn đàm phán để khôi phục thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Theo Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Csaba Korosi, các thách thức dù rất phức tạp song không phải không thể tháo gỡ. Qua đó, ông Koroshi hối thúc các bên chấm dứt xung đột phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc./.