Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nga chấp nhận "về nguyên tắc" sự tham gia của LHQ trong việc sơ tán khỏi Mariupol

Thứ Tư, 27/04/2022 15:04 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Nga đã đồng ý “về nguyên tắc” sự tham gia của Liên hợp quốc (LHQ) trong việc sơ tán người dân khỏi nhà máy Azovstal tại Mariupol, miền Nam Ukraine, sau cuộc gặp giữa Tổng thư ký António Guterres và Tổng thống Vladimir Putin hôm 26/4 tại Moscow.

Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.

Theo ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc, trong cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Putin, Tổng thư ký Guterres đã nhắc lại quan điểm của Liên hợp quốc về Ukraine. 2 nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về các đề xuất hỗ trợ nhân đạo và sơ tán dân thường khỏi các khu vực xung đột, đặc biệt là về tình hình ở thành phố cảng Mariupol bị bao vây, nơi hàng nghìn dân thường và binh sĩ Ukraine vẫn cố thủ trong nhà máy thép Azovstal.

Ông Dujarric cho biết Tổng thống Nga đã đồng ý về nguyên tắc sự tham gia của Liên hợp quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế trong việc sơ tán dân thường khỏi nhà máy Azovstal ở Mariupol. Thêm vào đó, các cuộc thảo luận tiếp theo sẽ diễn ra với Văn phòng Liên hợp quốc về các vấn đề nhân đạo, OCHA và Bộ Quốc phòng Nga.

Cuộc gặp giữa Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin. (Ảnh: TASS)

Một cuộc thảo luận thẳng thắn

Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga đã không quay lưng lại với các cuộc đàm phán với Ukraine và tiếp tục hy vọng rằng có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình lâu dài. Ông Putin nói với ông Guterres: "Bất chấp thực tế là chiến dịch quân sự đang được tiến hành, chúng tôi vẫn hy vọng sẽ có thể đạt được các thỏa thuận theo con  đường ngoại giao. Chúng tôi đang tổ chức các cuộc đàm phán, chúng tôi không từ bỏ chúng".

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng chỉ ra rằng Ukraine hiện đang yêu cầu các cuộc đàm phán hòa bình ở cấp độ của các nguyên thủ quốc gia - tức là giữa ông và Tổng thống Zelenskyy, để thảo luận về các vấn đề bao gồm tình trạng của Crimea và Donbas. "Đối với chúng tôi, rõ ràng là nếu những đề nghị này được đưa lên cấp nguyên thủ quốc gia mà chưa được thống nhất trước, ít nhất là ở dạng dự thảo, thì chúng sẽ không được giải quyết. Việc ký kết một thỏa thuận an ninh mà không giải quyết được các câu hỏi về lãnh thổ... là điều mà chúng tôi đơn giản không thể làm được" – ông Putin nêu rõ.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine vẫn đang tiếp tục theo hình thức trực tuyến và ông Putin bày tỏ hy vọng rằng các cuộc đàm phán sẽ dẫn đến một kết quả tích cực.

Trước đó cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nói với các phóng viên rằng ông đã “thảo luận rất thẳng thắn” với ông Lavrov “và rõ ràng là có hai lập trường khác nhau về những gì đang xảy ra ở Ukraine”. Nga cho biết họ đang thực hiện một "hoạt động quân sự đặc biệt" ở Ukraine, trong khi đối với Liên hợp quốc, cuộc tấn công ngày 24/2 là vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của đất nước này và đi ngược lại với Hiến chương của Liên hợp quốc. "Nhưng tôi có một niềm tin sâu sắc rằng chúng ta càng sớm kết thúc cuộc chiến này thì càng tốt - cho người dân Ukraine, cho người dân Nga, và cho những người xa hơn" – ông Guterres khẳng định.

Đề cao vai trò "sứ giả hòa bình" của mình, người đứng đầu Liên hợp quốc nhắc lại rằng tổ chức này đã nhiều lần kêu gọi ngừng bắn để bảo vệ dân thường, cũng như đối thoại chính trị nhằm tìm ra giải pháp, song điều này cho đến nay vẫn đã không xảy ra.

Đề cập đến "trận chiến khốc liệt" đang diễn ra ở Donbas, miền Đông Ukraine, ông Guterres lưu ý nhiều dân thường đã thiệt mạng và hàng trăm nghìn người bị mắc kẹt trong cuộc xung đột, đồng thời cho biết thêm rằng các báo cáo liên tục về vi phạm, cũng như các tội ác chiến tranh có thể xảy ra, sẽ yêu cầu một điều tra độc lập để xác định trách nhiệm thực sự.

 Tổng Thư ký António Guterres và phái đoàn gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tại Moscow.
(Ảnh: UN)

Mở các hành lang nhân đạo

Ông Guterres nêu rõ: “Chúng tôi khẩn cấp cần những hành lang nhân đạo thực sự an toàn và hiệu quả, được tất cả mọi người tôn trọng, để sơ tán dân thường và cung cấp những khoản viện trợ cần thiết”.

Tổng thư ký đã đề xuất thành lập một nhóm liên lạc nhân đạo - bao gồm Nga, Ukraine và Liên hợp quốc - "để khám phá các khả năng mở ra các hành lang an toàn, chấm dứt các hành vi thù địch tại địa phương và đảm bảo rằng chúng thực sự hiệu quả".

Liên quan đến "cuộc khủng hoảng trong một cuộc khủng hoảng" ở Mariupol, nơi hàng nghìn người cần được hỗ trợ cứu sống và nhiều người cần sơ tán, người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng tổ chức này sẵn sàng huy động đầy đủ nhân lực và hậu cần để giúp cứu sống.

Ông đề xuất Liên hợp quốc, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế và các lực lượng Ukraine và Nga phối hợp nỗ lực để cho phép sơ tán an toàn những thường dân muốn rời Mariupol - cả bên trong khu đất cuối cùng của nhà máy thép Azovstal cũng như ở chính thành phố, và ở bất kỳ hướng nào họ chọn - và cung cấp viện trợ nhân đạo.

Những ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu

Đề cập đến những hậu quả rộng lớn hơn của cuộc xung đột, Tổng thư ký Liên hợp quốc đưa ra một số "làn sóng xung kích" trên toàn thế giới, chẳng hạn như tình trạng tăng đáng kể chi phí lương thực và năng lượng, đặc biệt ảnh hưởng đến hàng triệu người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. “Điều này xuất phát từ cú sốc về đại dịch COVID-19 tiếp diễn và khả năng tiếp cận không bình đẳng đối với các nguồn lực phục hồi, đặc biệt tác động tới các quốc gia đang phát triển trên thế giới. Vì vậy, hòa bình càng sớm được thiết lập thì càng tốt, vì lợi ích của Ukraine, Nga và toàn thế giới” – ông kêu gọi.

Đồng thời, theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, “điều rất quan trọng là, ngay cả trong thời điểm khó khăn này, để giữ cho các giá trị của chủ nghĩa đa phương tồn tại”. Ông Guterres khẳng định: Chúng ta cần một thế giới "đa cực", tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, và công nhận sự bình đẳng hoàn toàn giữa các quốc gia, với hy vọng rằng nhân loại sẽ một lần nữa đoàn kết để đối phó với những thách thức như biến đổi khí hậu.

Ngày 28/4, Tổng thư ký Liên hợp quốc dự kiến sẽ có mặt tại Ukraine và sẽ có cuộc gặp làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba, và ông sẽ gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskyy./.

Khánh Linh (Theo UN, TASS, AFP)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN