Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nét độc đáo trong văn hóa dân tộc Tà Ôi

Thứ Tư, 20/11/2024 18:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sinh sống trên dải Trường Sơn hùng vĩ, dân tộc Tà Ôi không chỉ bảo tồn một nền văn hóa đặc sắc mà còn góp phần làm giàu bản sắc văn hóa Việt Nam. Những giá trị ấy được phản ánh qua tín ngưỡng, phong tục, và nếp sống lâu đời của cộng đồng.

Dân tộc Tà Ôi, gồm ba nhóm chính là Tà Ôi chính dòng, Pa Kô và Pa Hi, chủ yếu cư trú tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Bình. Cách sinh sống chủ yếu dựa vào nương rẫy và truyền thống chăn nuôi gia súc, đặc biệt nhóm Pa Hi phát triển ruộng lúa nhờ vị trí thuận lợi gần các ngã ba sông.

 Thiếu nữ dân tộc Tà Ôi.

Cấu trúc xã hội truyền thống của người Tà Ôi xoay quanh làng, mỗi làng là một cộng đồng tự quản với nhà sàn đặc trưng có mái tròn, khau cút chạm khắc đầu chim cu biểu trưng cho sự hiền hòa và gắn bó quê hương.

Dân tộc Tà Ôi luôn sắt son với cách mạng, tiêu biểu qua việc mang họ Hồ từ năm 1957, khi đồng bào Vân Kiều và Pa Kô nguyện xin được gắn bó tên tuổi với Bác Hồ. Điều này không chỉ thể hiện lòng biết ơn mà còn gắn kết truyền thống cách mạng với văn hóa cộng đồng.

Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều thanh niên Tà Ôi mang họ Hồ đã trở thành những biểu tượng anh hùng trên mặt trận Đường 9. Ngày nay, các hoạt động văn hóa như Lễ đặt tên họ Hồ tiếp tục tái hiện tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc anh em, là minh chứng sinh động cho sự hòa quyện văn hóa Tà Ôi với tinh thần đổi mới của đất nước.

Một trong những nét đặc sắc của văn hóa Tà Ôi là tục đi sim, đồng thời cũng là một nghi lễ độc đáo của người Pa Kô. Trong những đêm trăng sáng, thanh niên trai gái tụ họp tại các nhà Xu hoặc bên dòng suối để giao lưu, trao gửi tình cảm qua lời ca, tiếng hát và những bản đàn say lòng.

Dù cùng nhau trải qua đêm bên những mái lều thơ mộng, nhưng tục lệ Pa Kô ràng buộc chàng trai luôn phải giữ gìn sự trong sáng của người con gái Pa Kô. Những chàng trai muốn chiếm được trái tim người mình yêu phải thể hiện qua lời ca ngọt ngào và tiếng đàn tài hoa.

 Vào những đêm trăng sáng, người con trai và con gái Pa Kô lại tìm đến nơi hò hẹn bên con suối, những ngôi nhà Xu thơ mộng giữa rừng để cùng trò chuyện.

Trong thời kỳ đổi mới, dân tộc Tà Ôi không chỉ duy trì mà còn phát huy các giá trị văn hóa trong sự giao lưu với cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Những hoạt động như lễ hội tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã lan tỏa vẻ đẹp văn hóa Tà Ôi đến đông đảo du khách, đồng thời khẳng định vị thế của dân tộc trong bức tranh văn hóa đa dạng và thống nhất của đất nước.

Dân tộc Tà Ôi, bằng sự sáng tạo và lòng trung thành với truyền thống, tiếp tục viết nên những trang sử mới, đóng góp vào nền văn hóa Việt Nam trường tồn qua thời gian.

Bài, ảnh: N Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN