Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nâng cao tính chủ động, phát huy tinh thần trách nhiệm trong xây dựng pháp luật

Thứ Hai, 10/04/2023 16:35 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần nâng cao tính chủ động, phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật; bên cạnh đó, khắc phục việc chậm, muộn báo cáo, dẫn đến kéo lùi tiến độ xây dựng pháp luật, ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 22, sáng 10/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 đối với 13 dự án

Trình bày Tờ trình Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong năm 2022, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 16/24 dự án, dự thảo (12 luật, 04 nghị quyết); cho ý kiến 08/24 dự án luật.

Theo Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội, trong năm 2023, Chính phủ phối hợp chỉnh lý và xây dựng mới, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 14 dự án luật. Sau khi điều chỉnh Chương trình thì tổng số là 15 dự án. Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội đã xem xét, thông qua 01 dự án, theo đó, Chính phủ tiếp tục phối hợp chỉnh lý và xây dựng mới, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 14 dự án…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. (Ảnh: TH)

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều sự quan tâm cho công tác thể chế. Các bộ, cơ quan đã cố gắng, đầu tư thời gian, nguồn lực hơn cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, công tác xây dựng pháp luật được bảo đảm liên tục, hiệu quả; chương trình xây dựng pháp luật được triển khai thực hiện nghiêm túc, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất…

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình năm 2022 và 2023 còn một số điểm tồn tại, hạn chế như: Một số dự án luật hoặc đề nghị xây dựng luật chưa đảm bảo chất lượng nên chưa được thông qua theo Chương trình hoặc chưa được bổ sung vào Chương trình… Những hạn chế này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là do công tác tổ chức thực hiện chưa tốt, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, trên cơ sở các nguyên tắc lập đề nghị Chương trình, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 đối với 13 dự án. Cụ thể, với Chương trình Kỳ họp thứ 5, bổ sung trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp đối với 2 dự án, dự thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; trình Quốc hội cho ý kiến đối với 6 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Đường bộ...

Đồng thời, với Chương trình Kỳ họp thứ 6, bổ sung trình Quốc hội thông qua 6 dự án là các dự án đang đề nghị bổ sung vào Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 như trên; trình Quốc hội cho ý kiến đối với 3 dự án: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và Luật Thủ đô (sửa đổi)…

Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2024 gồm 14 dự án. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 7, trình Quốc hội thông qua 5 dự án là các dự án Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, gồm 2 dự án đã có trong Chương trình theo Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc hội; 3 dự án, đang được đề nghị bổ sung vào Chương trình theo Tờ trình này…

Tại Kỳ họp thứ 8, trình Quốc hội thông qua: 07 dự án, là các dự án được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7; trình Quốc hội cho ý kiến: 02 dự án gồm Luật Dân số (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi).

Khắc phục việc chậm, muộn báo cáo, kéo lùi tiến độ xây dựng pháp luật

Cho ý kiến tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tán thành việc điều chỉnh thời gian trình Quốc hội đối với dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ để giảm tải khối lượng công việc cho Ủy ban Quốc phòng, an ninh trong Kỳ họp thứ 5.

Bày tỏ đánh giá cao dự án Luật Bản dạng giới, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá phạm vi điều chỉnh của dự án Luật đã thể hiện tương đối rõ, làm rõ được tính cấp thiết, sự cần thiết ban hành luật nhằm đảm bảo quyền chuyển đổi giới tính của cá nhân…

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, nếu chúng ta không xây dựng hành lang pháp lý cho vấn đề này thì sẽ gặp cả vấn đề về thể chế lẫn thực tiễn, vấn đề hội nhập quốc tế.

Toàn cảnh Phiên họp. (Ảnh: TH)

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đề nghị sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) để đảm bảo không làm gián đoạn việc triển khai thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.

Đối với Luật Dân số, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng Luật Dân số vì liên quan đến các vấn đề về quyền cần được quy định trong luật và hiện nay, chúng ta mới chỉ có Pháp lệnh dân số. Đồng thời, cần thể chế hoá Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 12.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần tổng kết việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian qua, để rút ra bài học và có điều chỉnh phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần nâng cao tính chủ động, phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến tính nối tiếp, “gối đầu” trong trình tự giải quyết công việc, tránh để Kỳ họp quá nhiều hay quá ít dự án Luật được thông qua. Cùng với đó, khắc phục việc chậm, muộn báo cáo, dẫn đến kéo lùi tiến độ xây dựng pháp luật, làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng cần đánh giá chi tiết, rõ ràng việc thực hiện công tác xây dựng pháp luật, chỉ đưa vào luật những vấn đề đã “chín”, đã rõ, có cơ sở chính trị, được thực tế kiểm nghiệm, để từ đó đạt được sự đồng thuận trong xây dựng cũng như thi hành pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, một vấn đề cấp bách nhưng chưa được phản ánh trong các đề xuất xây dựng luật là về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Nhấn mạnh đây là nội dung đặc biệt quan trọng và cấp bách, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nếu Chính phủ không đề xuất, Ủy ban Tài chính Ngân sách có thể đề xuất sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, quy định thêm các vấn đề về ưu đãi thuế.

Làm rõ một số nội dung tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chuẩn bị hồ sơ về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và khẩn trương nghiên cứu thuế toàn cầu. Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về các đề nghị xây dựng luật này và sẽ trình Chính phủ trong tháng 6/2023, cố gắng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023.

Về Luật đấu giá tài sản, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép trình vào kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023, bởi yêu cầu rất bức thiết. Đây cũng là yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành một nghị quyết yêu cầu sửa đổi, bổ sung ngay lập tức một số quy định của Luật về đấu giá tài sản để xử lý một số vấn đề phát sinh./.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN