Đồng Nai cần chú trọng tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đột phá"
(ĐCSVN) - Ngày 24/9, dự Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, vị thế và vai trò của tỉnh Đồng Nai ngày càng được khẳng định trong chiến lược phát triển chung của cả nước, là mắt xích quan trọng của Đông Nam Bộ, là cực tăng trưởng của vùng và cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Vị thế và vai trò của tỉnh Đồng Nai ngày càng được khẳng định trong chiến lược phát triển chung của cả nước, là mắt xích quan trọng của Đông Nam Bộ, là cực tăng trưởng của vùng và cả nước. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương; Tư lệnh Quân khu 7 Nguyễn Trường Thắng; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh. Ngoài ra còn có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Đồng Nai, các tỉnh, thành phố; đại diện Đại sứ quán, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đột phá"
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tỉnh Đồng Nai và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan, địa phương, đối tác đã phối hợp chuẩn bị chu đáo hội nghị với nội dung kết hợp "2 trong 1": Công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Nai và xúc tiến đầu tư.
Thông tin về công tác quy hoạch, vị trí, vai trò của công tác quy hoạch, các nội dung quan trọng, yếu tố tư tưởng chủ đạo trong công tác quy hoạch, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 5 nhiệm vụ cụ thể. Đó là tìm ra và phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; phát hiện những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, thách thức… để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục; xây dựng danh mục các dự án, chương trình để thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; huy động nguồn lực thực hiện; tổ chức thực hiện khoa học, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm…
Đối với Đồng Nai, Thủ tướng nhấn mạnh, Đồng Nai có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; có hơn 3 triệu người, nguồn nhân lực dồi dào, dân số trẻ, nhiều khát vọng; là đầu mối giao thông quan trọng, đủ 5 phương thức vận tải; nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ; có truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng hào hùng; lợi thế thiên nhiên đa dạng, phù hợp phát triển xanh, bền vững, toàn diện.
Thủ tướng đánh giá Quy hoạch tỉnh Đồng Nai đã được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học; xác định quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá; có giải pháp, chính sách ưu đãi và nguồn lực thực hiện quy hoạch trong thời gian tới.
"Đây là sản phẩm kết tinh trí tuệ của Đồng Nai, các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhân dân và của cả nước, bản quy hoạch tốt để "kết nối, hội nhập và cất cánh", Thủ tướng đánh giá.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Quyết định quy hoạch tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Thủ tướng nêu rõ, để hiện thực hóa Quy hoạch, Đồng Nai cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đột phá".
"Một trọng tâm", gồm: Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); đột phá vào các động lực tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức…).
"Hai tăng cường", gồm: Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội); tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và chuỗi, kết nối thị trường.
"Ba đột phá", gồm: Đột phá phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ (về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội...); đột phá thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển doanh nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển; đột phá đào tạo, thu hút nhân tài, nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Về các nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Đồng Nai xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Quy hoạch, đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành.
Thủ tướng trân trọng cảm ơn và hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã chọn tỉnh Đồng Nai để đầu tư; tin tưởng và mong muốn các dự án sẽ triển khai thành công, mang lại hiệu quả thiết thực. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác, phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công - tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, y tế, giáo dục, xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu.
Phát huy hiệu quả 3 vùng động lực kinh tế của tỉnh, bố trí nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển. Phát triển công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng xanh, số, tuần hoàn.
Đồng thời, tăng cường liên kết vùng, quốc gia và quốc tế, phát huy vai trò, vị trí của Đồng Nai là một trong những trung tâm giao thương quan trọng của vùng Đông Nam Bộ; khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay lưỡng dụng Biên Hòa làm động lực để phát triển dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng. Chuẩn bị tốt các dự án mời gọi đầu tư để đón nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư lớn, có tiềm năng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải phổ biến, quán triệt quy hoạch sâu rộng để mọi người hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần "Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân thụ hưởng".
Về nhiệm vụ của các địa phương vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng đề nghị tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục giám sát, phối hợp thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh Đồng Nai; cùng các địa phương trong cả vùng phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện hiệu quả quy hoạch; thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.
Thủ tướng trân trọng cảm ơn và hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã chọn tỉnh Đồng Nai để đầu tư; tin tưởng và mong muốn các dự án sẽ triển khai thành công, mang lại hiệu quả thiết thực. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát huy sứ mệnh, xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác; đúng định hướng, ưu tiên theo quy hoạch tỉnh.
Thủ tướng khẳng định, Nhà nước cam kết luôn luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự. Nhưng ai vi phạm pháp luật như làm hàng giả, hàng nhái, thao túng thị trường, trốn thuế… thì phải xử lý.
Thủ tướng nêu rõ, vị thế và vai trò của tỉnh Đồng Nai ngày càng được khẳng định trong chiến lược phát triển chung của cả nước, là mắt xích quan trọng của Đông Nam bộ, là cực tăng trưởng của vùng và cả nước. Đồng Nai có những điểm tựa vững chắc cần hãy nắm bắt và phát huy để phát triển vượt bậc: Đó là tinh thần đại đoàn kết, truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng, có Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, sự ủng hộ của nhân dân, điểm tựa từ năng lực nội sinh, quyết tâm vượt qua giới hạn để vươn lên, sự ủng hộ của bạn bè, đối tác quốc tế, của các doanh nghiệp, các địa phương.
Thủ tướng tin tưởng Đồng Nai sẽ phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước; đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. |
Phấn đấu đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 3/7/2024 đặt mục tiêu đến năm 2030, Đồng Nai trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước; đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao…
Quy hoạch xác định 5 đột phá phát triển: Hạ tầng với điểm nhấn là Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các khu công nghiệp xanh, trung tâm đổi mới sáng tạo, dự án đô thị, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp; tổ chức không gian phát triển tỉnh theo 3 vùng chức năng với 3 vùng kinh tế - xã hội phía Tây, phía Đông, phía Bắc, trong đó có 2 khu vực có vai trò động lực là đô thị sân bay Long Thành, hành lang sông Đồng Nai. Liên kết không gian của tỉnh Đồng Nai được xây dựng trên cơ sở phát triển 6 hành lang và 3 vành đai; tập trung thu hút đầu tư phát triển 3 nhóm ngành kinh tế trụ cột là công nghiệp, dịch vụ, nông, lâm nghiệp, thủy sản…
Tại hội nghị, Đồng Nai giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế, cơ chế chính sách thu hút đầu tư và công bố danh mục dự án thu hút đầu tư trên các lĩnh vực. Đồng Nai khẳng định tiếp tục nỗ lực, quyết tâm cao triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung vào cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư…
Những năm qua, Đồng Nai đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, quy mô nền kinh tế tăng mạnh, giai đoạn 2015 - 2020 là 7,08%, giai đoạn 2021 - 2023 là 6,69%. Đồng Nai liên tục duy trì vị trí trong nhóm 10 địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Bàu Cạn -Tân Hiệp đầu tư Dự án Khu công nghiệp Bàu Cạn- Tân Hiệp. |
Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản. Năm 2016, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 11,7%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 58,3%; khu vực dịch vụ chiếm 22,2% thì đến năm 2023, tương ứng là 9,2%; 60,5% và 22,5%.
Hệ thống khu công nghiệp phát triển mạnh, thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài lớn (32 khu công nghiệp và 36 cụm công nghiệp, với trên 84% diện tích lấp đầy; trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đạt 37 tỷ USD).
Đồng Nai là trung tâm xuất khẩu, như giày dép, hàng dệt may, sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện...; mặt khác còn xuất khẩu chủ yếu các sản phẩm nông nghiệp, như mủ cao su sơ chế, cà phê, lạc nhân, hạt điều…
Tại hội nghị, tỉnh Đồng Nai đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn đầu tư 155.000 tỷ đồng (6,2 tỷ USD)./.