Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nâng cao nhận thức bình đẳng giới qua một cuộc thi

Thứ Ba, 10/10/2023 20:11 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hòa Bình tổ chức “Cuộc thi sáng tác tác phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về Bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023” triển khai đến Hội LHPN 09 huyện/thành phố, tổ chức, hướng dẫn và vận động 100% các câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tham gia dự thi đạt kết quả tốt nhất.

Theo đó, chủ đề Cuộc thi năm 2023 là “Gia đình hạnh phúc”, tập trung vào vấn đề bình đẳng giới trong gia đình. Đối tượng dự thi là trẻ em đang sinh sống, học tập tại các địa bàn tỉnh. Trong đó, khuyến khích sự tham gia của trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật; tất cả các Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” đã được thành lập, vận hành tại địa bàn tỉnh. Hình thức thể hiện bài dự thi, gồm: Sáng tác tranh trên giấy, tranh chất liệu xé dán, tranh chất liệu sáng tạo từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương… Hoặc quay video clip những tiểu phẩm do chính các em dàn dựng, clip phim tư liệu/phóng sự ngắn ghi lại những câu chuyện, hình ảnh quan sát được, thời lượng 03 - 10 phút/clip.

Sau gần hai tháng triển khai Cuộc thi, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 110 bức tranh và 43 video clip dự thi của các em học sinh các trường THCS và các em là thành viên của các Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi được thành lập tại các trường học và các thôn, xóm trên địa bàn tỉnh thuộc 9 huyện, thành phố thực hiện Dự án.

Bức tranh với chủ đề “MỘT GIA ĐÌNH NHỎ, MỘT HẠNH PHÚC TO” của nhóm tác giả: Bùi Thị Cẩm Ly, Bùi Anh Thư trường TH&THCS Quy  Hậu, huyện Tân Lạc 

Trong hai ngày 22-23/9/2023 Hội LHPN tỉnh tiến hành chấm sơ khảo Cuộc thi và lựa chọn 26 sản phẩm tranh vẽ, 17 clip để tiếp tục tham gia Cuộc thi cấp Trung ương. Nội dung nói về cách phân biệt đối xử trọng nam khinh nữ, sinh con trai nối dõi tông đường, tồn tại trong đời sống xã hội hàng nghìn năm từ thời phong kiến cho đến nay là rào cản, quan ngại lớn nhất trên chặng đường tiến tới xóa bỏ bất bình đẳng giới giữa nam và nữ, đặc biệt là trong gia đình. Chính vì cái tư tưởng “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” đã đẩy nhiều gia đình rơi vào bi kịch mà nguyên nhân chỉ vì người trong cuộc không sinh được con trai nối dõi tông đường. Khi sinh được con trai nối dõi thì nuông chiều, buông thả không quản lý con, dẫn đến con đường vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, ngày 8/10/2023, Hội LHPN tỉnh Hòa Bình tổ chức vòng 2 cuộc thi Cuộc thi sáng tác tác phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về Bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 dưới hình thức sân khấu hóa, với sự tham gia của 09 đội thi đến từ 09 huyện/thành phố vùng dự án. Cuộc thi diễn ra với 3 phần thi Phần thi chào hỏi, Phần thi Tiểu phẩm và phần thi Thuyết trình tranh với sự tham gia của Trẻ em sinh sống và học tập tại các huyện, thành phố triển khai chương trình thực hiện bình đẳng giới vùng miền núi và dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Đ/c Hoàng Thị Duyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hòa Bình, trưởng ban tổ chức cuộc thi và các đồng chí lãnh đạo các Ban, Ngành tham gia hoạt động trao cờ lưu niệm cho các đội thi. 

Kết thúc cuộc thi, giải nhất đã được trao cho Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi trường Tiểu học và  Trung học cơ sở Quy Hậu, huyện Tân Lạc. Giải nhì thuộc về đội thi Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi trường Tiểu học và Trung học cơ sở Pà Cò, huyện Mai Châu và đội thi Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi trường Trung học cơ sở Thanh Hà, huyện Lạc Thủy. Giải ba thuộc về câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi Phường Thống Nhất, Thành phố Hòa Bình; Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi huyện Kim Bôi và Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi huyện Cao Phong. Giải khuyến khích thuộc về các đội Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi trường Tiểu học và  Trung học cơ sở Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn; Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cao Sơn, huyện Đà Bắc; Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi trường Trung học cơ sở Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy.

Cuộc thi được diễn ra đã phát huy được vai trò và sự tham gia của trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái trong các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, góp phần xây dựng môi trường an toàn để trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện. Đồng thời, phát hiện những vấn đề đặt ra về bình đẳng giới trong gia đình, trên cơ sở đó giúp Hội LHPN các cấp và ngành liên quan thiết kế nội dung, hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động, nâng cao nhận thức phù hợp với thực tiễn, đối tượng. Cuộc thi cũng nhằm tìm kiếm và lan tỏa các sáng kiến, sản phẩm truyền thông phù hợp với trẻ em dân tộc thiểu số và hỗ trợ cho hoạt động truyền thông của Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.

QT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN