Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nâng cao năng lực quản lý đô thị tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Thứ Sáu, 24/06/2016 21:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Sáng 24/6, tại Đà Nẵng, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị triển khai Đề án 1961 về “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý về xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức và lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp” giai đoạn 2016- 2020, tại khu vực miền Trung - Tây nguyên.

Hội nghị triển khai Đề án 1961 giai đoạn 2016- 2020, tại khu vực miền Trung - Tây nguyên. 

Theo Bộ Xây dựng, Đề án 1961 về “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý về xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức và lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010- 2015” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 10/2010. Mục tiêu của Đề án này là nhằm nâng cao năng lực quản lý đô thị, trước hết là nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, điều hành cho công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp về công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị ở nước ta.

Thực hiện mục tiêu trên của Đề án, trong giai đoạn 2010-2015, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành tổ chức được hơn 150 khoá đào tạo bồi dưỡng, bổ sung, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý xây dựng và phát triển đô thị cho khoảng 10.000 lượt cán bộ công chức lãnh đạo đương nhiệm, công chức đô thị các cấp trên cả nước. Trong đó, một số lớp đã được thí điểm áp dụng lồng ghép mô hình đào tạo của Ngân hàng Thế giới với phương pháp giảng dạy tích cực.

Tuy nhiên, đánh giá của Bộ Xây dựng tại Hội nghị cũng khẳng định: Mặc dù Đề án 1961 đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên về tổng thể, đến hết năm 2015, chúng ta vẫn chưa hoàn thành tất cả các mục  tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Cụ thể, cả nước hiện có gần 790 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, 15 đô thị loại 1, còn lại là đô thị loại 2 trở lên. Trong giai đoạn 2011- 2015, cả nước có 75 đô thị từ loại 1 đến loại 4 và hàng trăm đô thị loại 5 được nâng cấp, mở rộng, tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 35%. Khu vực đô thị đóng góp trên 70% tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm, trở thành động lực để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động tại các địa phương.

Tuy nhiên, việc phát triển nhanh đô thị dẫn đến tình trạng xây dựng không phép, trái phép ngày càng tăng; việc công khai, công bố quy hoạch nhiều nơi chưa thực hiện nghiêm túc dẫn đến sai phạm ngày càng tăng; những căn nhà siêu mỏng, siêu nhỏ, hình thù kỳ dị, không tương xứng với hạ tầng hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều… Một trong những nguyên nhân là do chất lượng nguồn nhân lực tham gia quản lý đô thị còn hạn chế, việc buông lỏng quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư xảy ra ở nhiều địa phương.

Trước thực tế đó, bước vào giai đoạn 2016- 2020, theo Bộ Xây dựng, Việt Nam sẽ tập trung làm tốt nhiệm vụ đổi mới cơ chế chính sách, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, gồm một số đô thị lớn và nhiều đô thị vừa và nhỏ liên kết, phân bổ hợp lý trên các vùng, nâng cao chất lượng, tính đồng bộ và năng lực cạnh tranh của các đô thị.

Trao đổi tại Hội nghị, nhiều đại biểu phân tích nêu lên những kết quả và thách thức đặt ra đối với công tác quản lý đô thị tại địa phương, đơn vị thuộc khu vực miền Trung - Tây nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời, nhiều đại biểu cũng đề nghị: Trước yêu cầu cấp bách nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp để đáp ứng với yêu cầu quản  lý xây dựng và phát triển đô thị trong tình hình mới, Bộ Xây dựng cần kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp thực hiện hiệu quả, đồng thời mở rộng đối tượng tham gia học tập và bổ sung kinh phí để thực hiện Đề án.

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho biết: Bộ đang đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 100% cán bộ lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp (bao gồm cả các đối tượng mở rộng) được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực theo các chương trình của Đề án 1961. Nội dung các khóa đào tạo sẽ tập trung ở 8 chương trình dành cho các nhóm đối tượng khác nhau như: Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh; Giám đốc, Phó Giám đốc, trưởng, phó trưởng phòng chuyên môn thuộc Sở Xây dựng, Kiến trúc quy hoạch, Giao thông… Bên cạnh các lớp học trực tiếp, sẽ dần dần kết hợp áp dụng hình thức học tập trực tuyến E-learning để đào tạo cho lãnh đạo chuyên môn các cấp.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Đức Duy, trong thời gian từ 2016 đến 2020, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các đơn vị hữu quan tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện 8 bộ tài liệu giảng dạy cho 8 nhóm đối tượng kể trên và ban hành theo hướng tinh gọn, thiết thực, chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên và liên tục; xây dựng và hoàn thiện thể chế để hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trở thành hoạt động đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên và bắt buộc đối với cán bộ lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp./.

Tin, ảnh: Đình Tăng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN