Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc từ các lớp xóa mù chữ

Thứ Sáu, 10/11/2023 17:11 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Các lớp xóa mù tại huyện biên giới ở An Giang đang nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc, từ đó góp phần phát triển kinh tế gia đình, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của cả nước.

 An Giang đã mở được 21 lớp xóa mù chữ dành cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

Toàn tỉnh An Giang hiện có 19.406/58.443 người dân tộc thiểu số mù chữ, trong đó nhiều nhất ở 2 huyện, thị xã miền núi Tri Tôn (9.573 người) và Tịnh Biên (8.6 55 người).

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến nay, An Giang đã mở được 21 lớp xóa mù chữ dành cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, với 429 học viên dự học.

Theo kế hoạch thực hiện công tác xóa mù chữ cho người dân ở vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023, tỉnh An Giang có 5 huyện, thị xã triển khai thực hiện, gồm: Tri Tôn, An Phú, Thoại Sơn, Tịnh Biên, Tân Châu; dự kiến số lớp và số học viên sẽ tiếp tục tăng sau khi các địa phương tăng cường công tác phối hợp vận động bà con ra lớp.

Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ đồng bào dân tộc Chăm trên toàn huyện An Phú chưa biết chữ là 987/4.134 người, chiếm tỷ lệ 23,87%, trong đó, riêng xã Nhơn Hội có 547/921 người chiếm tỷ 59,39%.

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, mới đây xã Nhơn Hội đã mở lớp xóa mù chữ cho 76 học viên là đồng bào dân tộc Chăm. Các học viên trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi sẽ tham dự lớp học tại các Thánh đường và Tiểu Thánh đường trên địa bàn, thời gian học từ 16 giờ - 19 giờ hằng ngày. Dự kiến đến cuối tháng 11 năm 2023 khóa học sẽ kết thúc.

Trao đổi về công tác triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn, ông Cao Xuân Điệu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hội cho biết, cùng với việc hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất,...giúp đồng bào DTTS ổn định cuộc sống, xã đã tổ chức các lớp học xóa mù nhằm hỗ trợ bà con đồng bào dân tộc Chăm biết đọc và viết chữ Việt, thuận lợi hơn trong giao tiếp, đi lại và sản xuất.

Theo ông Cao Xuân Điệu, trong thời đại hội nhập ngày nay, song song với tiếng mẹ đẻ (tiếng dân tộc Chăm), tiếng Việt (tiếng phổ thông) không thể thiếu đối với mỗi người dân nói chung, người dân tộc thiểu số nói riêng, trong đó có đồng bào dân tộc Chăm. Biết tiếng phổ thông là điều kiện tiên quyết đầu tiên để bà con có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, giao lưu, học hỏi, chia sẻ, hợp tác làm ăn để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của cả nước. Ông Điệu nhấn mạnh.

Trưởng Ban Giáo cả Thánh đường Mas Jid Khay Ri Yah xã Nhơn Hội, ông Mách Sa Lếs, cho biết: Ban Giáo cả luôn tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất để người dân đến học, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Chăm chưa biết chữ cố gắng sắp xếp thời gian tham gia học đầy đủ.

Ông Mách Sa Lếs, Trưởng Ban Giáo cả Thánh đường Mas Jid Khay Ri Yah xã Nhơn Hội, An Phú, An Giang

Tại huyện Tri Tôn, qua vận động, có 105 người dân tộc thiểu số Khmer từ 15 - 60 tuổi chưa biết chữ, sinh sống ở 2 xã Ô Lâm và An Tức đăng ký dự học. Trong đó, xã Ô Lâm có 70 học viên, xã An Tức 35 học viên.

Trong thời gian 5 tháng, các học viên được truyền đạt các kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết chữ và một số phép tính cơ bản tương đương với chương trình sách giáo khoa lớp 1. Cùng với đó, khóa học còn kết hợp tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước, lối sống văn hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường trong phum sóc, bài trừ các hủ tục lạc hậu…

Ô Lâm và An Tức là 2 trong số 5 xã đặc biệt khó khăn và có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống của huyện Tri Tôn. 2 xã hiện có đến hơn 3.100 người Khmer từ 15 - 60 tuổi mù chữ mức 1.

Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Phổ cập xóa mù chữ huyện Tri Tôn, năm 2023, có 8 xã, thị trấn là Ô Lâm, An Tức, Châu Lăng, Núi Tô, Lê Trì, Lương Phi, thị trấn Tri Tôn và thị trấn Cô Tô mở các lớp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, với chỉ tiêu 280 học viên.

Việc tổ chức các lớp xóa mù cho người DTTS nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác xóa mù chữ, nâng tỷ lệ người dân tộc biết chữ trong độ tuổi 15 - 60 tuổi, qua đó góp phần tạo cơ hội cho người dân nâng cao dân trí, đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN