An Giang: Nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn Chương trình MTQG
(ĐCSVN) - Năm 2023, tỉnh An Giang đã tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, nâng cao tính khả thi của các dự án để có thể triển khai giải ngân vốn đầu tư công, không để chậm trễ.
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình), tỉnh An Giang phấn đấu đến cuối năm 2025, 50% số xã, ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông hóa; 70% ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường đến trung tâm được cứng hóa; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã và ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 100% số trường, lớp học, trường dân tộc nội trú và trạm y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng kiên cố…
Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh An Giang xác định tập trung ưu tiên nguồn lực của Chương trình đầu tư cho các địa bàn xã, ấp đặc biệt khó khăn; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất.
Lễ hội Chôl Chnăm Thmây của người Khme tại An Giang (ảnh: Trần Quỳnh) |
Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn của Chương trình, UBND tỉnh An Giang đã thành lập các đoàn kiểm tra các công trình trọng điểm, trọng tâm là các công trình, dự án thuộc các chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, quan điểm của tỉnh là giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giải ngân tốt, sẽ giúp phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng phát triển theo. Đây là tiêu chí đánh giá đơn vị, địa phương có hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong năm hay không. Tuy nhiên, phải đảm bảo mục tiêu ban đầu của dự án; tăng cường khối lượng giải ngân vốn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công trình.
Thông qua kiểm tra, UBND tỉnh đôn đốc, kịp thời xử lý vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án thuộc danh mục dự án kế hoạch đầu tư công từ nguồn vốn của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, định kỳ hàng tháng, các đơn vị đầu tư, đơn vị chủ quản Chương trình tiến hành họp báo cáo tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án dưới sự chủ trì của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Về phía UBND tỉnh đã tích cực thực hiện trách nhiệm trong việc ban hành các cơ chế, quy định tổ chức thực hiện các chương trình MTQG tại địa phương.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ đối ứng vốn ngân sách địa phương thực hiện Chương trình; Lập, phê duyệt và giao kế hoạch vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 5 năm, các năm 2022, 2023; Trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình MTQG, giữa các chương trình MTQG với các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Uỷ ban nhân dân tỉnh theo thẩm quyền đã ban hành các quyết định quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Huyện An Phú (An Giang) vận động cất mới nhà cho bà con dân tộc Chăm |
Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, nhìn chung tiến độ triển khai các văn bản của Trung ương và ban hành các văn bản quản lý, điều hành thực hiện các chương trình MTQG theo quy định tại Nghị định số 27/NĐ-CP ngày 19/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương đã được tỉnh thực hiện đúng tiến độ.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh An Giang được phân bổ vốn thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên 183 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương gần 167 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương.
Do năm 2022 được phân bổ vốn muộn cộng với việc tỉnh còn lúng túng trong tổ chức thẩm định, phê duyệt các dự án thuộc Chương trình MTQG nên tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt thấp.
Vì vậy, trong năm 2023, tỉnh An Giang đã tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, nâng cao tính khả thi của các dự án để có thể triển khai giải ngân vốn đầu tư công, không để chậm trễ.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, nhất là người đứng đầu các đơn vị trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các dự án, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cũng là tiêu chí xem xét đánh giá, đề xuất khen thưởng đối với các chủ đầu tư hoàn thành tốt kế hoạch vốn được giao; phê bình, rút kinh nghiệm đối với các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp, làm rõ trách nhiệm.
Tỉnh cũng yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị hồ sơ thủ tục đầu tư, rà soát từng thủ tục, từng khâu trong quá trình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư của từng dự án; xác định các khó khăn, vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ kịp thời; lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng, không để tồn đọng đến cuối năm mới thanh toán.
Song song với đó, An Giang áp dụng thống nhất các cơ chế, quy trình trong thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình; ưu tiên lựa chọn các nội dung hỗ trợ có định mức cao hơn; đảm bảo nguyên tắc không trùng lặp giữa các hoạt động, nội dung hỗ trợ đầu tư của các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình trên cùng một địa bàn, cùng một đối tượng thụ hưởng.
Những giải pháp này của An Giang nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo Kế luận số 65/KL-TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 12/NQ-CP, ngày 15/02/2020 của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Được biết, năm 2022, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng bằng sự tập trung quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh An Giang đã đạt kế hoạch đề ra (giảm từ 3 - 4%/năm).
Cụ thể, hộ nghèo dân tộc thiểu số đầu năm 2022, toàn tỉnh có 4.026 hộ, chiếm 14,85% tổng số hộ dân tộc thiểu số; đến cuối năm 2022, còn 3.161 hộ, chiếm tỷ lệ 11,7% tổng số hộ, mức giảm 3,15% so với đầu năm./.