Nạn đói tiếp tục gia tăng tại Trung Đông và Bắc Phi
(ĐCSVN) – Nạn đói tiếp tục gia tăng tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, nơi xung đột và khoảng cách ngày càng lớn giữa thành thị và nông thôn đang kìm hãm những nỗ lực của khu vực nhằm xóa bỏ nạn đói vào năm 2030.
Trong báo cáo vừa công bố ngày 8/5, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo hơn 52 triệu người tiếp tục bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và kinh niên tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Theo đó, xung đột vẫn là yếu tố chính dẫn tới những đau khổ liên quan đến nạn đói trong khu vực. Hơn 2/3 số người bị đói ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi – tương đương với gần 34 triệu người – sống ở các quốc gia bị xung đột, cao hơn so với 18 triệu người bị đói khác không sống ở các quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp bởi xung đột. Các trường hợp bị còi cọc, chậm tăng trưởng và thiếu dinh dưỡng ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột cũng nghiêm trọng hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Theo ông Abdessalam Ould Ahmed, Trợ lý Tổng Giám đốc và Đại diện khu vực của FAO tại Trung Đông và Bắc Phi, các cuộc xung đột và tình hình bất ổn trong khu vực có ảnh hưởng lâu dài đến an ninh lương thực và dinh dưỡng của các nước bị ảnh hưởng, cũng như các nước láng giềng. “Xung đột đã làm gián đoạn sản xuất lương thực và chăn nuôi ở một số quốc gia và điều này đã ảnh hưởng đến nguồn thực phẩm sẵn có trong khu vực" – ông nói thêm. "Sự gia tăng dân số nhanh chóng, tài nguyên thiên nhiên mong manh và khan hiếm, mối đe dọa ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và chức năng hạn chế của các dịch vụ và cơ sở hạ tầng nông thôn đang làm trầm trọng thêm những đau khổ liên quan đến nạn đói".
Bên cạnh đó, cáo cáo của FAO cũng lưu ý rằng khu vực này không chỉ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực mà một số quốc gia trong khu vực còn có tỷ lệ béo phì đặc biệt cao, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, lối sống của họ, nền kinh tế và sinh kế, cũng như hệ thống y tế ở các nước này. Giải quyết vấn đề béo phì liên quan đến việc xây dựng hệ thống thực phẩm có thể bảo đảm chế độ ăn uống lành mạnh và bổ dưỡng, tăng nhận thức cộng đồng về các vấn đề liên quan đến thực phẩm và tuyên truyền, giáo dục họ về các nguy cơ thừa cân và béo phì.
Chuyển đổi nông nghiệp không thích hợp cản trở nỗ lực xóa bỏ nạn đói và suy dinh dưỡng vào năm 2030
Báo cáo cho thấy các cuộc xung đột không chỉ tác động tiêu cực tới những nỗ lực của khu vực Trung Đông và Bắc Phi trong việc đạt được mục tiêu xóa bỏ nạn đói, mà còn cả ảnh hưởng tới cả mức độ chuyển đổi nông nghiệp nông thôn.
Ông Ould Ahmed nhấn mạnh: Các quốc gia không xung đột đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc chuyển đổi các khu vực nông thôn theo hướng bền vững, bao gồm cả việc cải thiện quản lý tài nguyên nước. Những nước này cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực hơn về an ninh lương thực và dinh dưỡng so với các quốc gia gặp phải xung đột, hay có mức độ chuyển đổi nông nghiệp thấp hơn". Chuyên gia của FAO cũng đồng thời nêu rõ sự cần thiết phải nỗ lực nhiều hơn để thúc đẩy việc làm ở khu vực nông thôn và giảm khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, cải thiện năng suất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ ở khu vực nông thôn.
Trong báo cáo vừa công bố, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc cũng lưu ý tình trạng thất nghiệp, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi và phụ nữ, là một thách thức lớn đối với khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Ngoài ra, còn có khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, với sự chênh lệch đáng kể về mức sống và tỷ lệ nghèo đói cũng như khác biệt về hiệu suất lao động giữa nông nghiệp truyền thống và công nghiệp và dịch vụ. Khoảng cách chênh lệch cũng ngày càng mở rộng hơn khi tiếp cận với giáo dục, y tế, dịch vụ công cộng hoặc nhà ở. Đồng thời, khu vực nông thôn là nơi cư trú của gần 40% dân số và phần lớn người nghèo.
Báo cáo cho thấy mức lương trung bình của những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp thấp hơn so với những người không làm việc trong lĩnh vực này. Trung bình, tỷ lệ nghèo ở nông thôn nhiều gấp đôi so với tỷ lệ nghèo ở thành thị.
Tăng cường hành động để chuyển đổi nông nghiệp nông thôn và đạt mục tiêu xóa bỏ nạn đói
Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, ở cấp độ khu vực, có nhiều cách để chuyển đổi nông nghiệp theo cách bền vững. Có thể kể đến việc cải thiện tiếp cận thị trường cho nông dân; thúc đẩy đầu tư vào chuyển giao nông nghiệp và công nghệ cùng những đổi mới khác; cải thiện việc quản lý tài nguyên nước; và thay đổi những chính sách quan trọng tạo điều kiện chuyển đổi từ canh tác tự cấp sang các hệ thống sản xuất đa dạng và thương mại hơn.
"Cần phải khuyến khích nông dân sản xuất dựa trên lợi thế so sánh của khu vực" – ông Ould Ahmed nêu rõ, đồng thời lưu ý rằng khu vực Trung Đông và Bắc Phi có tiềm năng lớn về sản xuất trồng trọt và chăn nuôi đòi hỏi ít đất canh tác và nước hơn, nhưng lại có lợi thế về lao động nhiều hơn.
Báo cáo nhấn mạnh rằng cần có nhiều nỗ lực và hành động hơn để hỗ trợ xây dựng và thực hiện các chính sách và chương trình nhằm xóa bỏ sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị./.