Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Mường Nhé: Thúc đẩy truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới

Thứ Hai, 11/12/2023 18:14 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Các cấp Hội Phụ nữ huyện Mường Nhé (Điện Biên) sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông các hoạt động thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS; vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân nâng cao nhận thức về mục tiêu, nội dung thực hiện lồng ghép giới, thúc đẩy bình đẳng giới; tiếp tục tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực triển khai thực hiện Dự án cho cán bộ Hội các cấp…

 Các Hội nghị đối thoại chính sách do Hội LHPN huyện Mường Nhé tổ chức nhằm đảm bảo tiếng nói, vai trò và sự tham gia thực chất của phụ nữ trong các hoạt động tại cơ sở.

Những kết quả bước đầu trong thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em thời gian qua đã và đang tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, từng bước thay đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ nói chung và phụ nữ người dân tộc thiểu số nói riêng trên địa bàn trên địa bàn huyện Mường Nhé.

Chú trọng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về bình đẳng giới

Nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN huyện Mường Nhé đã xây dựng và ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện. Các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em trên địa bàn huyện được các cấp Hội tập trung triển khai theo 4 nội dung trọng tâm gồm: Hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xoá bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hoá có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của cộng đồng; giám sát và phản biện; hỗ trợ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.

Đồng chí Phạm Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Nhé cho biết, với đặc thù là địa bàn có đồng bào DTTS chiếm tỉ lệ đến 93,6% dân số toàn huyện, trình độ dân trí còn hạn chế, do đó Hội xác định đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền; giao lưu chia sẻ kinh nghiệm công tác truyền thông về bình đẳng giới cũng như cử cán bộ tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao năng lực triển khai. Các cấp Hội cũng chú trọng lồng ghép nội dung Dự án vào Chương trình công tác Hội và các phong trào phụ nữ, đặc biệt trong các buổi tập huấn, truyền thông về bình đẳng giới, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho cán bộ Hội chuyên trách và các ngành liên quan đến hoạt động bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh trên Trang thông tin điện tử của Huyện và kênh thông tin của Hội nhằm tuyên truyền, vận động người dân thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các chương trình, chính sách, các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước qua đó góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương.

 Lễ ra mắt Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" của trường PTDTBT Mường Nhé.

Từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN huyện đã tổ chức được 7 lớp tập huấn cho 392 đại biểu. Trong đó có 3 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực thành lập và vận hành tổ truyền thông cộng đồng cho 174 đại biểu; tập huấn, hướng dẫn cho 52 đại biểu nâng cao năng lực triển khai mô hình “Địa chỉ tin cậy” cộng đồng trên địa bàn huyện; 2 hội nghị tập huấn hướng dẫn giám sát và đánh giá thực hiện nội dung bình đẳng giới trên địa bàn huyện Mường Nhé cho 120 đại biểu; 4 hội nghị đối thoại chính sách cấp xã tại các xã: Chung Chải, Nậm Vì, Sen Thượng, Sín Thầu; 1 hội nghị tập huấn hướng dẫn thành lập, vận hành Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” cho 50 đại biểu…

Cũng theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Nhé, trong quá trình thực hiện, Hội tăng cường theo dõi, kiểm tra nhằm nắm tình hình ở cơ sở về việc triển khai thực hiện Dự án, đôn đốc Hội LHPN các xã tổ chức triển khai thực hiện; cùng với đó ban hành Công văn đẩy nhanh tiến độ triển khai các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh thành lập Tổ truyền thông cộng đồng

Với sự vào cuộc tích cực của cán bộ Hội các cấp, đến nay, Mường Nhé đã thành lập được 24 tổ truyền thông cộng đồng với 231 thành viên, trong đó có 70 thành viên nữ, đạt 100% chỉ tiêu năm 2023; ra mắt 03 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” và 2 mô hình “Địa chỉ tin cậy”.

Đáng chú ý, Hội LHPN huyện Mường Nhé là đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh Điện Biên thành lập các Tổ truyền thông cộng đồng tại các xã trên địa bàn. Trong đó số lượng thành viên của Tổ từ 7 đến 10 người là Bí thư chi bộ thôn/trưởng thôn, chi hội trưởng phụ nữ, đại diện ban công tác mặt trận/các đoàn thể ở địa phương, người có uy tín trong cộng đồng… Tổ Truyền thông cộng đồng lấy người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái trong cộng đồng thuộc địa bàn của thôn/bản nơi thành lập tổ hoặc trên địa bàn xã là đối tượng truyền thông và phải đảm bảo mỗi tháng có ít nhất 1 hoạt động truyền thông. Đến nay, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 43 buổi truyền thông cộng đồng với trên 3.700 người tham gia, mục tiêu nhằm tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xoá bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hoá có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em tại địa phương.

100% Hội LHPN các xã của Mường Nhé cũng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến 4 gói chính sách hỗ trợ  phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em tới hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn. Qua khảo sát, năm 2023 có 43 phụ nữ đủ điều kiện hưởng gói hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em tại địa bàn có đông người DTTS, trong đó đã hỗ trợ được 13 phụ nữ thuộc đối tượng thụ hưởng.

Đồng chí Phạm Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Nhé cho biết, Tổ Truyền thông cộng đồng lấy người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái trong cộng đồng là đối tượng truyền thông và phải đảm bảo mỗi tháng có ít nhất 1 hoạt động truyền thông. 

Để xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phạm Thị Hà chia sẻ thêm, trong quá trình thực hiện, các cấp Hội cơ sở tiến hành khảo sát, nắm bắt thông tin, đề xuất của hội viên phụ nữ là thành viên của các tổ, nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ trên địa bàn có nhu cầu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh và kết nối thị trường. Đồng thời xác định đối tượng, nhu cầu, địa bàn hỗ trợ để có căn cứ tiến hành các thủ tục tiếp theo nhằm hỗ trợ các mô hình đảm bảo hiệu quả và tuân thủ các quy định hiện hành.

“Thực tế triển khai đã phát sinh một số hạn chế liên quan đến việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường cho các tổ/nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ. Hay như việc thành lập và duy trì hoạt động của tổ truyền thông cộng đồng; thành lập, nâng cao năng lực và hỗ trợ tổ chức hoạt động Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của trẻ em, cũng như mô hình “Địa chỉ tin cậy” - Chủ tịch Hội LHPN huyện chia sẻ.

Chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, đồng chí Hà cho hay, do đây là Chương trình mới giao Hội LHPN các cấp chủ trì thực hiện, kinh nghiệm còn hạn chế dẫn đến quá trình triển khai còn lúng túng. Việc duy trì các mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng”, Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, mô hình “Địa chỉ tin cậy” có hiệu quả trong thời gian dài là không khả thi do hạn chế về kinh phí. Ngoài ra, trên địa bàn huyện chưa có Hợp tác xã do phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ, mới có Tổ hợp tác trồng lạc đỏ tại xã Mường Toong do Hội Phụ nữ thành lập, quản lý, tuy nhiên để Tổ Hợp tác xây dựng được 01 Dự án đề nghị hỗ trợ là rất khó khăn.

Để tiếp tục thúc đẩy các hoạt động bình đẳng giới, năm 2024, Hội dự kiến thành lập 30 tổ truyền thông cộng đồng; 04 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; 11 cuộc đối thoại; 04 buổi tập huấn phát triển năng lực lồng ghép giới; tổ chức giao lưu các Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; chiến dịch Truyền thông xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới; xây dựng video clip “Cùng phụ nữ phát triển”... Năm 2025 tiếp tục triển khai các nội dung theo Kế hoạch giai đoạn, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đánh giá, đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngân vốn Dự án.

100% Hội LHPN các xã của Mường Nhé đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến 4 gói chính sách hỗ trợ  phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khoẻ trẻ em tới hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn. 

Để đạt mục tiêu trên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phạm Thị Hà nhấn mạnh, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông về các hoạt động Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân, nâng cao hiểu biết, nhận thức về mục tiêu, nội dung thực hiện lồng ghép giới, thúc đẩy bình đẳng giới trên địa bàn huyện. Tiếp tục tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực triển khai thực hiện Dự án cho cán bộ Hội các cấp.

Tập trung triển khai đảm bảo tiến độ, chỉ tiêu kế hoạch hàng năm; thực hiện các hoạt động chỉ đạo điều hành, tham vấn, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện hỗ trợ thực hiện Dự án. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện. Hội cũng sẽ tiến hành rà soát danh mục Dự án, sắp xếp triển khai thực hiện theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân; thực hiện các hoạt động đảm bảo tính đồng bộ trong các văn bản hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền, thường xuyên theo dõi các văn bản đã sửa đổi, bổ sung để kịp thời triển khai có hiệu quả các nội dung; làm tốt công tác theo dõi, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện Dự án tại các cấp Hội…

ĐP

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN