Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

MTTQ Việt Nam phối hợp các tổ chức thành viên triển khai 4 chương trình giám sát

Thứ Sáu, 06/10/2023 21:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong năm 2024, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tập trung giám sát 4 nội dung, trong đó có giám sát trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện tập trung phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số...

 Quang cảnh Hội nghị.

Chiều 6/10, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã chủ trì Hội nghị cho ý kiến vào Dự thảo kế hoạch giám sát, phản biện xã hội năm 2024 và Dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội.

Thông tin về kế hoạch giám sát và phản biện xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, trong năm 2024, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tập trung giám sát 4 nội dung: Giám sát trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cử tri và Nhân dân gắn với thực hiện Quyết định 124-QĐ/TW ngày 02/8/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Giám sát việc thực hiện tập trung phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số theo Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong thời kỳ mới; Giám sát một số vụ việc khiếu nại, tố cáo khi có yêu cầu thực tế theo Chương trình phối hợp số 02/CTPH-MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS ngày 11/10/2018 giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn luật sư Việt Nam; Giám sát Luật tiếp cận thông tin.

Đối với hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, trong năm 2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ triển khai giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội trên địa bàn một số tỉnh, thành phố; Giám sát việc thực hiện đóng kinh phí công đoàn của các doanh nghiệp theo quy định của Luật Công đoàn; Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, chính sách lao động nữ, công tác cán bộ nữ, công tác chăm lo cho trẻ em là con công nhân, viên chức, lao động.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tập trung giám sát việc quản lý và sử dụng đất nông nghiệp; Giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp.

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giám sát việc thực hiện Luật Thanh niên và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giám sát việc bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm quy hoạch cán bộ để đảm bảo phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp uỷ và tổ chức đảng các cấp, tỉ lệ nữ cấp uỷ viên các cấp đạt từ 20 - 25%; Giám sát thực hiện Luật bình đẳng giới.

Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam giám sát việc thực hiện Nghị định số 150/NĐ-CP ngày 12/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu Chiến binh và Nghị định số 157/NĐ-CP ngày 24/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Cựu Chiến binh.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết thêm, cùng với những nội dung giám sát trong Kế hoạch, trong trường hợp cần thiết, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội có thể thực hiện giám sát đối với một số lĩnh vực khác khi phát sinh vấn đề nổi cộm, được dư luận quan tâm, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, đoàn viên, hội viên theo quy định của Luật MTTQ Việt Nam và các văn bản pháp luật có liên quan.

Thông tin về hoạt động phản biện xã hội, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, trong năm 2024, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ chủ trì phản biện xã hội  đối với Dự thảo Luật quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Phản biện xã hội Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Về phía các tổ chức chính trị - xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì phản biện xã hội dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi); Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phản biện xã hội Dự thảo Luật Luật quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chủ trì phản biện xã hội Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Phản biện xã hội dự án Luật Việc làm (sửa đổi); Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam chủ trì phản biện xã hội Dự thảo Luật Phòng không nhân dân; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phản biện xã hội dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên và dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận góp ý vào kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của UBTƯ MTTQ Việt Nam trong năm 2024; góp ý vào các nội dung báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, các ban, đơn vị liên quan tiếp thu, bổ sung hoàn thiện dự thảo kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của UBTƯ MTTQ năm 2024.

 Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị 

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, khi kế hoạch giám sát được ban hành, các cơ quan cần chủ động xây dựng các kế hoạch triển khai cụ thể, phối hợp chặt chẽ, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu. Trong quá trình triển khai cần tăng cường sự phối hợp của Mặt trận và các tổ chức thành viên, tạo cơ chế huy động sự tham gia của thành viên các Hội đồng tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội.

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng lưu ý các ban đơn vị liên quan tổng hợp các ý kiến và tiến hành rà soát các nội dung, trên cơ sở đó báo cáo Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam để xây dựng bản báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thực tế, khách quan, chân thực phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và cử tri.

Hương Diệp

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN