Một nửa số trẻ em mắc ung thư trên thế giới không được điều trị
(ĐCSVN) – Nghiên cứu mới về khảo sát ung thư ở trẻ dưới 15 tuổi đăng trên tạp chí y khoa The Lancet Oncology ngày 27/2 cho thấy, mỗi năm thế giới có khoảng 400.000 trẻ em mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên, chỉ có một nửa trong số này đăng ký điều trị tại các cơ sở y tế quốc gia.
Việc không được chẩn đoán và điều trị có thể dẫn đến tử vong cho người mắc bệnh ung thư
(Ảnh minh họa: The Guardian).
Nghiên cứu chỉ ra rằng, có tới 60% các nước trên thế giới thậm chí không có những nơi đăng kí điều trị ung thư; trong khi tại nhiều nước có điều trị ung thư thì cũng chỉ có một phần bộ phận nhỏ người dân biết đến.
Các nhà khoa học khi thực hiện nghiên cứu đã áp dụng phương pháp tính toán mới về gánh nặng bệnh tật kết hợp với số liệu của Cơ quan Giám sát sức khỏe toàn cầu thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cùng với kết quả khảo sát về y tế và các hộ gia đình do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thực hiện.
Trưởng nhóm nghiên cứu Zachary Ward, chuyên gia đến từ trường y tế công cộng thuộc Đại học Havard (Mỹ), cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy trung bình cứ 2 trẻ mắc bệnh ung thư thì có khoảng 1 trẻ chưa bao giờ được chẩn đoán bệnh và có thể tử vong do không được điều trị”.
Khảo sát dữ liệu từ 200 quốc gia cũng cho thấy, hơn một nửa số trẻ em mắc bệnh ung thư tại các khu vực châu Phi, Nam Trung Á và Thái Bình Dương không được chăm sóc y tế; trong khi tỷ lệ này ở Mỹ, châu Âu và Canada chỉ là 3%.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, có khoảng 92% ca mắc ung thư mới ở trẻ em là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là ở các quốc gia Tây Phi.
Các nhà khoa học ước tính thế giới sẽ có thêm 6,7 triệu trẻ em mắc bệnh ung thư trong giai đoạn 2015 - 2030. Trong số này, gần 3 triệu ca ung thư sẽ không được phát hiện nếu hệ thống chăm sóc y tế không được cải thiện nhanh chóng./.