Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Mộc mạc gốm cổ Phổ Khánh

Thứ Tư, 05/06/2024 11:14 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Làng gốm Phổ Khánh nổi tiếng với lịch sử hàng trăm năm tồn tại, đặc trưng của dòng gốm cổ này là sự thô phác, mộc mạc, in đậm dấu ấn chế tác ở những vùng làm gốm cổ của nền văn hóa Sa Huỳnh.

Gốm Phổ Khánh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) in đậm dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh - nền văn hóa có niên đại cách đây 3.500-2.000 năm. Một đặc trưng nổi bật của văn hóa Sa Huỳnh là nghệ thuật chế tác gốm của người tiền sử, phản ánh đậm nét về nền văn hóa cư dân vùng duyên hải Việt Nam từ hậu kỳ đá mới đến thời đại sắt sớm.

Theo những nghiên cứu khảo cổ học đã phát hiện hàng trăm hiện vật gồm nhiều chủng loại, chất liệu khác nhau, ở nhiều thời kỳ tại Quảng Ngãi. Các di chỉ này là minh chứng thuyết phục về cư dân tiền sử từng chế tác gốm tại đây, Phổ Khánh là một trong những vùng làm gốm cổ in đậm dấu ấn nền văn hóa Sa Huỳnh.

Bà Đặng Thị Mỹ, có thâm niên hơn 40 năm làm nghề gốm, thôn Vĩnh An, xã Phổ Khánh cho biết, đất sử dụng làm gốm Phổ Khánh phải chọn loại đất sét vàng, đất sét xanh đem về phơi thật khô rồi đập, sàng lấy đất mịn, nhào nặn, tạo hình, phơi khô rồi đem nung. Để có chất lượng gốm tốt, người thợ gốm pha trộn nguyên liệu đất sét theo tỷ lệ 2 đất xanh, 8 đất vàng rồi nhào nặn, chuốt đất đều để chế tác ra sản phẩm.

Người thợ gốm làng Phổ Khánh vẫn giữ phương pháp chế tác gốm thủ công truyền thống. Trong công đoạn chế tác sản phẩm gốm thô, người thợ kéo đất, nặn gốm trên chiếc bàn chày bằng gỗ, tròn, to như cái mâm. Tạo hình sản phẩm bằng cách dùng bàn xoay quanh trục cố định để chuốt gốm, tạo ra các sản phẩm dân dụng như bình, bát, đĩa... Mỗi loại sản phẩm trong quá trình chế tác đều có độ khó, dễ, cách nặn, cách tạo mịn cho sản phẩm khác nhau. Theo bà Mỹ, sản xuất gốm theo phương pháp thủ công, mỗi ngày, người thợ gốm lành nghề có thể chuốt được khoảng 70 sản phẩm.

 Bà Đặng Thị Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi chế tác gốm Phổ Khánh theo phương pháp truyền thống.

Đặc trưng nổi bật của dòng gốm Phổ Khánh là làm hoàn toàn bằng gốm mộc, không sử dụng một loại nước men nào. Để có mẻ gốm đạt chất lượng, người thợ gốm phải biết cách xem lửa và dừng đúng lúc. Thông thường, thời gian nung sẽ kéo dài từ 14 đến 24 tiếng.

Thời hưng thịnh làng gốm Phổ Khánh từng có trên 300 hộ dân làm nghề, do sức ép của thị trường, sự lấn lướt của các sản phẩm làm từ nhôm, sành, sứ cao cấp tạo ra những sức ép không nhỏ với những hộ làm gốm ở Phổ Khánh. Làng gốm tuổi đời trên 300 năm nay hiện còn khoảng 10 hộ làm nghề, tập trung tại các thôn Vĩnh An, thôn Trung Sơn. Điều đó đang đặt ra những vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của đất nước trong giai đoạn mới của các ngành văn hóa ở tỉnh Quảng Ngãi.

Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, để loại hình di sản quý này không bị rơi vào tình trạng mai một, mất đi, có vai trò quan trọng của chính quyền địa phương. Cùng đó cần sự chung tay của các cấp ngành văn hóa ở tỉnh Quảng Ngãi trong việc hỗ trợ, vận động người dân gìn giữ nghề gốm cổ truyền; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm gốm Phổ Khánh; sáng tạo ra các sản phẩm gốm mới đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Được biết để giữ gìn, phát triển nghề truyền thống, Ủy ban nhân dân xã Phổ Khánh đã đăng ký dòng gốm này là sản phẩm OCOP, từng bước vận động người dân duy trì mô hình sản xuất thủ công theo cách thức cổ truyền. Bên cạnh đó khuyến khích đầu tư công nghệ, sản xuất bằng máy móc, để vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường vừa gìn giữ nghiệp tổ.

Những năm gần đây, gốm mộc Phổ Khánh đã bắt đầu hồi sinh, sản phẩm gốm làm ra tiêu thụ được ở một số tỉnh, thành. Người thợ gốm đã có việc làm, ngày công bình quân trên 100.000 đồng/ngày, dù chưa nhiều nhưng đang từng bước giúp người thợ gốm giữ nghề xưa, góp phần gìn giữ và lan tỏa một vốn văn hóa quý của dân tộc đang lưu giữ ở tỉnh Quảng Ngãi.

N Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN