Mô hình “Cô đỡ thôn bản” góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế
(ĐCSVN) - Nhà nước cần tiếp tục quan tâm và có chính sách phù hợp đối với mô hình “Cô đỡ thôn bản” để góp phần đạt được mục tiêu lĩnh vực y tế trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 đã đề ra.
So với phụ nữ dân tộc Kinh, Hoa, phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) đang còn tồn tại một số vấn đề về bất bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế. Chẳng hạn, còn khoảng 12% phụ nữ mang thai không đến các cơ sở y tế khám thai lần thứ nhất; tỷ lệ này rất cao ở dân tộc La Hủ 54,7%, La Ha 36,5%, Mảng 34,1%.
Vẫn còn 13,6% phụ nữ DTTS không sinh con tại cơ sở y tế mà sinh con tại nhà nhưng không có cán bộ chuyên môn đỡ đẻ. Thực trạng này là một trong các nguyên nhân dẫn đến các tai biến khó lường như chết mẹ sau sinh, chết trẻ em dưới 1 tuổi hoặc ảnh hưởng đến sức khoẻ của phụ nữ và trẻ sơ sinh.
Bên cạnh đó, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) vẫn còn 16,5% trạm y tế chưa đạt chuẩn quốc gia; gần 1/5 trạm y tế chưa có bác sĩ, số nhân viên nữ hộ sinh chỉ chiếm 15,1%; 16,5% thôn chưa có nhân viên y tế thôn bản.
So với phụ nữ dân tộc Kinh, Hoa, phụ nữ dân tộc thiểu số đang còn tồn tại một số vấn đề về bất bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế (Ảnh: Mạnh Cường) |
Trong điều kiện đó thì vai trò của cô đỡ thôn bản (CĐTB) càng trở nên rất quan trọng ở vùng DTTS&MN.
Được hình thành từ những năm 90 của thế kỷ trước, đội ngũ CĐTB đã đóng góp không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại các vùng đồng bào DTTS, đặc biệt trong việc giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh.
CĐTB là những người sinh sống tại cộng đồng DTTS, sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để truyền đạt cho người dân thôn bản những thông tin quan trọng về chăm sóc sức khỏe, đồng thời cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản.
Để trở thành CĐTB, mỗi học viên phải trải qua quá trình học tập ít nhất 6 tháng theo chương trình và nội dung đào tạo của Bộ Y tế. Với kiến thức, kỹ năng được đào tạo và thực hành tại các bệnh viện, CĐTB có thể chăm sóc bà mẹ khi có thai và sinh con, đỡ đẻ an toàn, phát hiện các tai biến ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, thực hiện các kỹ năng cứu sống cơ bản và chuyển tuyến kịp thời.
Một ví dụ là tại tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới Cao Bằng - nơi đồng bào DTTS chiếm trên 90% dân số, từ năm 2009 đến năm 2017, tỉnh đã đào tạo và bố trí được 120 cô đỡ thôn bản tại 120 thôn bản vùng sâu, vùng xa. Số lượt phụ nữ có thai được cô đỡ thôn bản khám thai và tư vấn là 1.817 lượt, vận động 515 phụ nữ mang thai đến đẻ tại cơ sở y tế. 204 bà mẹ đẻ tại nhà được cô đỡ thôn bản đỡ đẻ.
Đến nay, với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, toàn quốc đã có 3.077 CĐTB được đào tạo.
Bà Đào Hồng Lan - Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá, mạng lưới CĐTB có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.
Nhờ có cùng ngôn ngữ, phong tục, tập quán và tín ngưỡng, lại ở ngay trong cộng đồng nên giữa CĐTB và đồng bào không còn khoảng cách về địa lý và văn hóa, dễ dàng tiếp cận tới bà mẹ, trẻ em ở những vùng khó khăn, cung cấp các dịch vụ phù hợp, gần gũi với đồng bào, được đồng bào DTTS tin tưởng, chấp nhận.
Cô đỡ thôn bản có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em dân tộc thiểu số |
Bộ Y tế cho rằng mạng lưới CĐTB đã góp phần không nhỏ vào thành tựu của Việt Nam trong việc hoàn thành các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trước đây và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay.
"Uỷ ban Dân tộc ghi nhận những công lao to lớn của đội ngũ các CĐTB, đã ngày đêm không quản nắng mưa, "vác tù và hàng tổng", đi từng ngõ, gặp từng nhà, tuyên truyền vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ DTTS trong quá trình mang thai, sinh nở, chăm sóc trẻ em. Công sức của đội ngũ CĐTB đã giúp các thai phụ tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế, hạn chế tai biến không đáng có, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong mẹ, trẻ em", ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc nêu rõ.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, năm 2023 và những năm tiếp theo, đất nước ta có nhiều cơ hội để hội nhập và phát triển, nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức cả về phát triển kinh tế lẫn an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe cho người dân. Đặc biệt, một thách thức không nhỏ là sự cách biệt lớn về sức khỏe giữa các khu vực địa lý, giữa các nhóm dân tộc.
Bà Lesley Miller, Phó trưởng Đại diện tổ chức UNICEF cũng cho rằng, sức khoẻ và sự sống còn của bà mẹ luôn cần là ưu tiên hàng đầu, cấp bách trong Chương trình Chăm sóc sức khỏe và phát triển của Việt Nam.
Một trong các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới được quy định trong pháp luật Việt Nam là: “Chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới”.
Do vậy, để duy trì những tiến bộ vượt bậc mà Việt Nam đã đạt được trong những thập kỷ qua, cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để đảm bảo rằng tất cả các bà mẹ, bất kể dân tộc hay địa bàn sinh sống, đều được chăm sóc tốt trong thời kỳ mang thai và sinh đẻ. Các CĐTB ở miền núi và vùng sâu, vùng xa là nguồn lực quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu. Việc duy trì và mở rộng đội ngũ CĐTB có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả đạt được về sức khỏe bà mẹ, cứu sống các bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Mặc dù Việt Nam đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng để duy trì, củng cố và phát triển đội ngũ CĐTB nhưng việc thực thi còn có sự khác nhau giữa các địa phương, dẫn tới việc duy trì hoạt động của đội ngũ CĐTB gặp nhiều khó khăn.
Nhiều địa phương không bố trí kinh phí hỗ trợ cho CĐTB hoạt động. Tính đến 31/01/2023, đã có 1.528 CĐTB được đào tạo nhưng ngừng hoạt động do không có kinh phí. Hiện tại, số CĐTB được hưởng phụ cấp đã giảm xuống chỉ còn 911 người, trong đó có 732 người kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn bản.
Cô đỡ Lý Thị De - xóm Rằng Khoen, xã Mã Ba, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng cho hay, đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 83 cô đỡ thôn bản đang hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được đào tạo. Những người đang làm nhiệm vụ CĐTB đều có nguyện vọng mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ phù hợp để động viên họ làm tốt nhiệm vụ của mình.
Trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 có một mục tiêu gồm 4 chỉ tiêu về lĩnh vực y tế. Đó là Chỉ tiêu 1: Tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2025 và 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2030; Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản giảm còn 42/100.000 trẻ sinh sống vào năm 2025 và xuống dưới 42/100.000 vào năm 2030; Chỉ tiêu 3: Tỷ suất sinh ở vị thành niên giảm từ 23 ca sinh/1.000 phụ nữ xuống 18/1.000 vào năm 2025 và dưới 18/1.000 vào năm 2030; Chỉ tiêu 4: Tỷ lệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khoẻ dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới đạt 40% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.
Để góp phần đạt được các chỉ tiêu quốc gia, có lẽ phần việc khó nhất cần giải quyết vẫn là ở vùng DTTS&MN. Việt Nam hiện vẫn đang gặp rất nhiều thách thức trong việc giảm chênh lệch về tình trạng sức khỏe, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc.
Trong hoàn cảnh đó, CĐTB người DTTS tại các vùng khó khăn là một giải pháp tạm thời nhưng rất hiệu quả nhằm giúp gỡ bỏ những rào cản về địa lý, văn hóa và kinh tế khiến cho phụ nữ người DTTS không thể tiếp cận được tới các dịch vụ khám thai, đỡ đẻ an toàn và chăm sóc sau sinh; đồng thời góp phần thực hiện các chỉ tiêu quốc gia về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế mà Chính phủ đã đề ra./.