Mang tiếng nói của Nhân dân đến gần hơn với Quốc hội
(ĐCSVN) – Trình bày chương trình hành động khi trúng cử tại hội nghị tiếp xúc cử tri đơn vị bầu cử số 3, số 5 và số 6 của TP Hà Nội, các ứng cử viên đều thể hiện rõ quan điểm và mong muốn được trở thành người đại biểu dân cử, góp sức xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, thực sự của dân, do dân và vì dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Ngày 7/5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố (TP) Hà Nội tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV tại đơn vị bầu cử số 3, số 5 và số 6.
Các ứng viên ĐBQH tham dự buổi tiếp xúc cử tri tại quận Thanh Xuân. |
* Đơn vị bầu cử số 3 (các quận: Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và Cầu Giấy), 5 ứng cử viên gồm: Bà Dương Minh Ánh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội; ông Nguyễn Phi Thường, Thành ủy viên, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội; bà Đặng Thị Kim Tuyến, chuyên viên Phòng Thông tin thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội; bà Phạm Thị Ngọc Yến, Chi ủy viên, Chủ tịch Công đoàn bộ phận nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu và phát triển cây trồng đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Thanh Xuân.
Tại hội nghị, cử tri đã nghe đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Xuân giới thiệu tóm tắt tiểu sử của 5 ứng cử ĐBQH khóa XV.
Trình bày chương trình hành động, các ứng cử viên khẳng định sẽ quan tâm, kiểm tra ngay đối với những dự án trọng điểm trên địa bàn như tuyến đường 2,5, tuyến đường Tôn Thất Tùng kéo dài… xem đang vướng mắc ở đâu. Trong việc cải tạo chung cư cũ, thành phố sẽ tính toán hài hòa giữa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước. Cùng với đó, sẽ phản ánh, đề đạt những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cử tri đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền…
Các ứng viên cũng cho biết, sẽ quan tâm đến đời sống, việc làm, thu nhập, điều kiện làm việc và sinh sống của công nhân, viên chức, lao động. Tiếp tục có những ý kiến để hoàn thiện chính sách pháp luật, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người lao động. Đồng thời tham gia bàn và quyết định các giải pháp nhằm phát triển đất nước, Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại…
Trao đổi tại Hội nghị, các cử tri tán thành với chương trình hành động của các ứng viên ĐBQH; đồng thời bày tỏ mong muốn, các ứng cử viên trúng cử sẽ thực hiện đúng chương trình hành động đã trình bày.
Các ứng viên ĐBQH tham dự buổi tiếp xúc cử tri tại quận Hà Đông. |
* Đơn vị bầu cử số 6 (quận Hà Đông, huyện Thanh Oai và huyện Thanh Trì), 5 ứng cử viên gồm: Ông Phạm Đức Ấn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; ông Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga, Hội thẩm Tòa án nhân dân TP Hà Nội; ông Lương Thế Huy, chuyên gia chính sách về giới, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường; ông Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và bà Lê Thị Thu Trang, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông, Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Hà Đông.
Phát biểu tại hội nghị, các ứng cử viên bày tỏ mong muốn nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của cử tri; khi trúng cử sẽ nỗ lực làm việc với tinh thần cao nhất, tích cực đóng góp công sức trong quá trình xây dựng, thực thi và giám sát thực thi pháp luật; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, tiến hành các hoạt động thực tế tại đơn vị ứng cử cũng như thành phố để kịp thời phản ánh tới các cơ quan có thẩm quyền.
Ứng cử viên Phạm Đức Ấn cho biết, nếu trúng cử, ông tham gia nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến nhằm triển khai có hiệu quả các chương trình an sinh xã hội, tập trung vào giúp đỡ gia đình chính sách, các hộ cận nghèo; tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại, ngân hàng số để tăng tiện ích cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Ứng viên Đỗ Đức Hồng Hà cho biết, với những kiến thức được tích lũy trong lĩnh vực tư pháp, bản thân sẽ giám sát chặt chẽ, bảo đảm thực thi pháp luật nghiêm minh, nhất là các quy định pháp luật về tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp…Ông cũng tích cực giám sát khắc phục những quy định không phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân; ngăn chặn, loại trừ “lợi ích nhóm” làm tổn hại đến lợi ích của đất nước và nhân dân.
Trong khi đó, ông Lương Thế Huy khẳng định, sẽ sử dụng kiến thức pháp lý và kinh nghiệm nghiên cứu để tham gia vào việc xây dựng và phản biện các dự án luật; bảo đảm các cơ chế thực thi quyền công dân, quyền con người phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các quy định của pháp luật. Đồng thời, tích cực tham gia vào hoạt động đối ngoại của Quốc hội, các diễn đàn nghị sĩ trẻ, cơ chế liên nghị viện để Việt Nam tiếp tục thể hiện sự tích cực, trách nhiệm đối với khu vực và quốc tế.
Ứng viên Nguyễn Kim Sơn cho biết, với trách nhiệm là người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo cả nước, ông sẽ quan tâm nhiều hơn đến tình hình thực tế để kiến nghị xây dựng pháp luật, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để thúc đẩy giáo dục, đào tạo phát triển. Từ đó tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo. Đối với ngành Giáo dục Thủ đô, ông Nguyễn Kim Sơn khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ để giải quyết một số vấn đề như phát triển một số trường đại học của thành phố; củng cố hệ thống dạy nghề và giáo dục thường xuyên…
Bà Lê Thị Thu Trang cho biết sẽ phát huy năng lực và kinh nghiệm, tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào việc phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, chất lượng và nâng cao kỹ năng nghề, gắn kết giữa doanh nghiệp với đào tạo để tăng cơ hội việc làm sau tốt nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và đất nước. Bên cạnh đó, là ứng cử viên nữ, bà Lê Thị Thu Trang cũng quan tâm đến vấn đề quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ và xâm phạm quyền trẻ em.
Tại hội nghị, các cử tri quận Hà Đông mong muốn các ứng cử viên trúng cử sẽ thực hiện tốt những vấn đề được nêu trong chương trình hành động. Cử tri cũng đề nghị các ứng cử viên nếu trúng cử cần quan tâm hơn nữa đến công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố; sửa đổi quy định của pháp luật về đất đai; hỗ trợ giao đất dịch vụ chuyển đổi nghề cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp; sửa đổi, bổ sung các quy định về công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư…
Các ứng viên ĐBQH tham dự buổi tiếp xúc cử tri tại quận Tây Hồ. |
* Đơn vị bầu cử số 5, 5 ứng cử viên gồm: Bà Vũ Thúy Hiền, Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nghiên cứu văn hóa - xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội; Ông Vũ Tiến Lộc, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ khóa VIII, IX…; ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an TP Hà Nội; bà Nguyễn Ngọc Yên, Phó Trưởng phòng Quản lý giáo dục - nuôi dưỡng, Trung tâm Bảo trợ xã hội III Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ.
Trình bày chương trình hành động khi trúng cử trở thành ĐBQH khóa XV, các ứng cử viên đều thể hiện rõ quan điểm và mong muốn được trở thành người đại biểu dân cử, góp sức xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, thực sự của dân, do dân và vì dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các ứng cử viên đều mong muốn nhận được sự ủng hộ của cử tri và nhân dân quận Tây Hồ nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung…
Với các lĩnh vực công tác của mình, các ứng viên hứa là sẽ đem hết kiến thúc chuyên môn đang công tác để góp phần làm cho các lĩnh vực đó ngày càng tốt hơn. Đồng thời, tiếp tục đóng góp xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, pháp luật nhằm khắc phục những bất cập trong cải cách thủ tục hành chính; luôn gần gũi, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các cử tri để đưa các vấn đề cử tri quan tâm thảo luận tại nghị trường Quốc hội.
Phát biểu tại hội nghị, các cử tri quận Tây Hồ đánh giá cao chương trình hành động của các ứng cử viên; mong muốn các ứng cử viên khi được bầu làm ĐBQH khóa XV thực hiện đúng chương trình hành động của mình. Trong đó, cử tri quận Tây Hồ quan tâm đến các vấn đề như bảo đảm an ninh, an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cũng như kiểm soát người nhập cảnh trái phép trên địa bàn Hà Nội, phát triển văn hóa người Hà Nội, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng…
Tiếp thu ý kiến của cử tri, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khẳng định sẽ truyền tải những ý kiến của cử tri đến cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.../.