Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lồng ghép bình đẳng giới trong thực hiện xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh

Thứ Hai, 04/12/2023 22:09 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Xác định việc thúc đẩy bình đẳng giới là yêu cầu cần thiết, khách quan khi còn tồn tại khoảng cách giới, đồng chí Lù Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoàng Su Phì cho biết sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác bình đẳng giới; lồng ghép bình đẳng giới trong việc thực hiện xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

 

Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 đã thông qua Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam (sửa đổi, bổ sung) phù hợp với tình hình, nhiệm vụ và đáp ứng yêu cầu của phong trào phụ nữ, công tác Hội LHPN Việt Nam trong giai đoạn mới. Điểm mới đặc biệt trong Điều lệ Hội là bổ sung quy định về công nhận hội viên danh dự nhằm ghi nhận, tôn vinh những người có tầm ảnh hưởng, đóng góp tích cực cho phong trào phụ nữ, hoạt động Hội, trong đó, “Hội viên danh dự cũng có thể là nam giới”.

Tại tỉnh Hà Giang, Hoàng Su Phì là cơ sở Hội đầu tiên của tỉnh kết nạp hội viên danh dự theo Điều lệ “đặc biệt” của Hội LHPN Việt Nam. Thời gian qua những hội viên danh dự của huyện Hoàng Su Phì đã đồng hành và có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả trong hoạt động của các cấp Hội nói chung, đặc biệt là đối với công tác bình đẳng giới trên địa bàn huyện. Liên quan đến nội dung này, đồng chí Lù Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện - một trong ba hội viên danh dự đầu tiên được kết nạp vào Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về việc thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự phát triển của phụ nữ của Huyện.

 Đồng chí Lù Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoàng Su Phì tại buổi gặp mặt nữ cán bộ chủ chốt và nữ cán bộ công đoàn cơ sở.

PV: Mục tiêu của bình đẳng giới là xoá bỏ sự phân biệt đối xử về giới, tiến tới bình đẳng giới thực chất; thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác giữa phụ nữ và nam giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Vậy đồng chí đánh giá như thế nào về thực trạng bình đẳng giới ở huyện Hoàng Su Phì hiện nay?

Đồng chí Lù Văn Chung: Trong những năm gần đây, để thúc đẩy bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực, cấp ủy, chính quyền huyện đã xây dựng nhiều Đề án, Chương trình, Kế hoạch thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tính đến nay, tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt trong toàn huyện là 80/401 đạt 20%, tỷ lệ đại biểu nữ tham gia Hội đồng nhân dân cấp huyện là 13/34 đạt 38,4%, cấp xã là 147/459 đạt 32,03%. Tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, HTX có sự thay đổi. Các hoạt động y tế, văn hóa, giáo dục tập hợp được sự tham gia đông đảo của cả nam và nữ. Đặc biệt, vai trò, vị thế và tiếng nói của người phụ nữ trong nhiều lĩnh vực đã thay đổi mạnh mẽ, người phụ nữ được phát huy khả năng, năng lực và cống hiến cho sự nghiệp.

Tuy vậy, tỷ lệ trên chưa đạt mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Tỷ lệ nữ đứng đầu ngành của địa phương chưa cao, nữ tham gia lực lượng lao động so với nam giới cũng còn thấp, thu nhập trung bình của nam giới cao hơn nữ giới. Vẫn còn tồn tại những quan niệm bất bình đẳng đối với phụ nữ theo truyền thống văn hoá trước kia, coi việc chính của phụ nữ là sinh con, đẻ cái, tề gia, nội trợ; hay tình trạng bạo lực gia đình ở một số hình thức vẫn còn tồn tại.

 Thời gian qua, nam giới đã đồng hành trong nhiều hoạt động của các cấp Hội và có vai trò rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động tại cơ sở.

PV: Xin đồng chí cho biết, việc thi hành Luật Bình đẳng giới ở huyện Hoàng Phì đã được thực hiện như thế nào và nội dung nào đạt kết quả khả quan nhất?

Đồng chí Lù Văn Chung: Trên thực tế, cả nam giới và nữ giới đều chịu những tác động từ bất bình đẳng giới, nhưng phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi hơn. Sau gần 20 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, huyện Hoàng Su Phì đã có nhiều tiến bộ rõ rệt trong trách nhiệm của các cơ quan chức năng cũng như nhận thức của người dân, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, kinh tế của từng cá nhân, gia đình.

Đặc biệt, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, lao động, việc làm; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao; đảm bảo tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đời sống gia đình; các hành vi bạo lực gia đình, xâm hại nhân phẩm người phụ nữ giảm; các tập tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình từng bước được xóa bỏ.

PV: Với những kết quả đạt được, xin đồng chí cho biết rõ hơn về công tác cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý? Huyện đã thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch cán bộ nữ để chuẩn bị nguồn cho nhiệm kỳ tới như thế nào?

Đồng chí Lù Văn Chung: Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được coi trọng, bước đầu gắn với công tác quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ. Tính đến tháng 10/2023, nữ lãnh đạo chủ chốt cấp xã là 46/233 người (đạt 20%), cấp huyện là 23/101 người (chiếm 18,5%). Công tác quy hoạch cán bộ nguồn các cấp phải gắn với quy hoạch lãnh đạo, quản lý, lấy quy hoạch cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cấp trên. Quy trình rà soát, bổ sung quy hoạch phải đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, công bằng, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, đúng quy định, nhân sự đưa vào quy hoạch phải bảo đảm đúng đối tượng, không vì cơ cấu, số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn.

Đồng chí Lù Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoàng Su Phì và đồng chí Hoàng Thị Hường, Chủ tịch Hội LHPN huyện (áo tím, đứng giữa) tại lễ ra mắt mô hình Ống tiết kiệm “3 sạch”. 

PV: Với vai trò lãnh đạo cấp ủy địa phương, cũng là Hội viên danh dự của Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì, xin đồng chí cho biết địa phương sẽ triển khai những hoạt động gì để thúc đẩy công tác bình đẳng giới trên địa bàn?

Đồng chí Lù Văn Chung: Do còn tồn tại sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả nên việc áp dụng các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là yêu cầu cần thiết khách quan khi còn tồn tại khoảng cách giới. Trước những khó khăn đó, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện sẽ có những biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới phù hợp với điều kiện thực tế ở địa bàn huyện, nhằm bảo vệ quyền lợi của cả hai giới, chứ không chỉ là biện pháp áp dụng riêng đối với phụ nữ để bảo vệ quyền, lợi ích của riêng phụ nữ, cụ thể:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy các cấp, chính quyền, phát huy vai trò của người đứng đầu về công tác bình đẳng giới. Lồng ghép công tác bình đẳng giới trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Huyện ủy về thực hiện xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng và triển khai các hoạt động truyền thông, các mô hình về bình đẳng giới phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Thứ ba, tổ chức tuyên truyền rộng rãi các chính sách về đảm bảo an sinh xã hội và tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái, các chính sách về bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; vận động thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới, những tập tục văn hoá có hại trong gia đình và cộng đồng; xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Thứ tư, quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ nữ cán bộ tiềm năng và cán bộ làm tham mưu công tác bình đẳng giới.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

 

Phương Nghi (thực hiện)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN