Linh vật trong nghệ thuật điêu khắc dân gian Việt Nam
(ĐCSVN) – Linh vật - tác phẩm điêu khắc, in đậm sắc mầu văn hóa dân gian, được người Việt sáng tạo và sử dụng như những biểu trưng văn hóa để truyền đạt ý tưởng, niềm tin tâm linh, tôn giáo, phản ánh khả năng cảm thụ mỹ thuật của người Việt trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Nghệ thuật điêu khắc linh vật cổ của người Việt xuất hiện lâu đời và trải dài qua nhiều vùng văn hóa. Kho tàng nghệ thuật dân gian này được lưu giữ sâu rộng trong đời sống thường nhật, các bảo tàng, các đền chùa hay trong các nghi lễ tôn giáo… Nổi bật là các tác phẩm điêu khắc mang biểu tượng linh vật ở nhiều thời kỳ lịch sử được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng lịch sử Việt Nam; và trong các bộ sưu tập linh vật cổ, giúp công chúng thưởng lãm những nét đẹp của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam, ý nghĩa của linh vật đối với đời sống xã hội.
Qua đó, bồi đắp thêm khả năng cảm thụ nghệ thuật của công chúng, phát huy những giá trị di sản mỹ thuật truyền thống, làm lành mạnh môi trường thẩm mỹ cộng đồng, đồng thời góp phần giữ gìn và lan tỏa những giá trị truyền thống trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Trong những linh vật Việt, đứng đầu trong các linh vật người Việt tôn thờ là Tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng. Đề tài Tứ linh xuất hiện liên tục và dày đặc trong nhiều loại hình nghệ thuật từ cung đình tới dân gian. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian hình tượng Rồng gắn với hình tượng về tố tiên, cội nguồn dân tộc qua truyền thuyết “Con rồng cháu tiên”; Kỳ lân hiện thân của lòng nhân từ; Phượng là biểu tượng của thời thái bình thịnh trị, đại diện cho đức hạnh và cái đẹp; Rùa tượng trưng cho sự bền vững, trường tồn.
Biểu tượng tứ linh phản ánh đậm nét trong nhiều tác phẩm mỹ thuật, phản ánh bản sắc dân tộc và nghệ thuật điêu khắc ở mỗi thời kỳ lịch sử. Tiêu biểu như biểu tượng kỳ lân trên ấn vàng “Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo”, niên hiệu Thiệu Trị 7 (1847). Đây cũng là nguồn sử liệu quan trọng về triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.
Ấn vàng “Chính Hậu chi bảo” niên hiệu Minh Mệnh thứ 17. |
Hay biểu tượng Rồng sử dụng trên ấn vàng “Chính Hậu chi bảo” niên hiệu Minh Mệnh thứ 17 (1836). Cùng với các biểu tượng Tứ linh, nghệ thuật điêu khắc dân gian của người Việt cũng thể hiện sinh động qua nhiều tác phẩm điêu khắc lưu giữ tại các đình, chùa, trong không gian sống thường nhật ở những gia đình người Việt như hình tượng về sư tử, nghê, lân, nổi trội là các mẫu vật có niên đại thế kỷ 18 -19, phản ánh nghệ thuật điêu khắc dân gian được hình thành, phát triển qua quá trình dài lao động, sáng tạo của các nghệ nhân, bởi vậy các tác phẩm điêu khắc rất gần gũi và sống động với nhiều hình dáng, kiểu thức, khiến cho ngôn ngữ tạo hình của linh vật này hết sức đa dạng và phong phú.
Hình tượng nghê xuất hiện trong nhiều không gian sống của người Việt, từ nhà dân đến cung điện, đình, chùa, lăng tẩm… với chức năng trấn giữ, canh gác; Thẩm thấu đời sống, tín ngưỡng, nghê được dân gian hóa, trở thành một biểu trưng trong nền văn hóa dân gian Việt Nam.
Nghệ thuật điêu khắc dân gian còn cho thấy diện mạo mỹ thuật ở những vùng văn hóa của Việt Nam như tượng thần Garuda, thế kỷ 11-13, các hiện vật điêu khắc Chămpa quý hiếm đang lưu giữ tại nhiều bảo tàng ở Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nghệ thuật điêu khắc Chămpa có hai loại chính là phù điêu và tượng có chủ đề về chim thần Garuda, thần voi, sư tử, vũ nữ Apsara, thần Vishnu, thần Shiva...
Có thể thấy, linh vật phản ánh phong cách điêu khắc ở mỗi thời kỳ lịch sử, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. Loại hình nghệ thuật điêu khắc này đã và đang là nguồn cảm hứng sáng tạo với nhiều nghệ nhân đương đại, thông qua các tác phẩm điêu khắc, giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về sự sinh động của nền văn hóa Việt Nam.