Linh vật nghê trong văn hoá Việt Nam
(ĐCSVN) - Nghê xuất hiện trong nhiều không gian sống của người Việt, từ nhà dân đến cung điện, đình, chùa, lăng tẩm…Thẩm thấu đời sống, tín ngưỡng, được dân gian hóa, nghê phản ánh một biểu tượng văn hoá dân gian của Việt Nam
Trong đời sống tín ngưỡng dân gian, nghê là linh vật xua đuổi ma quỷ và canh giữ cho chủ nhà. Bởi vậy từ xa xưa, những chú chó đá đã được dựng lên trước mỗi cổng làng, cổng đình, cổng nhà… ở nhiều làng quê vùng Bắc bộ. Đặc biệt là xuất hiện trong những không gian như cung điện, đền thờ, đình, miếu, dần chó đá hoá linh, được các nghệ nhân dân gian ở nhiều thời kỳ tạo hình với những chi tiết, dáng dấp oai phong, dũng mãnh, thiên biến vạn hóa và trở thành nghê.
Theo các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, nghê là một dạng sư tử được dân gian hóa. Trong lịch sử linh vật tạo hình của Việt Nam, rồng, phượng, sư tử, uyên ương... vào mỗi thời kỳ có sự thay đổi về hình dáng và ý nghĩa như: Thời Lý rồng uyển chuyển, nuột nà, tỉ mỉ, thời Trần, sư tử thiên về sự khỏe khoắn có hình dáng hiền lành và gần gũi với nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao. Thời vua Lê, chúa Trịnh, thời kỳ tranh chấp quyền lực, phân chia lãnh thổ, trật tự xã hội lỏng lẻo, do vậy, người nghệ sĩ dân gian đưa tư duy đó vào trong hình tượng sư tử, khiến nó trở thành linh vật gần gũi trong nghệ thuật dân gian.
Nghê mang hình tượng linh vật Việt. |
Trong lịch sử Thăng Long – Hà Nội, vị trí nghê xuất hiện mang một ý nghĩa cụ thể. Bốn ngôi đền trấn giữ hướng Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành Thăng Long xưa kia chính là Thăng Long tứ trấn. Đền Bạch Mã (trấn Đông) thờ thần Long Đỗ, Thành hoàng Hà Nội, xây dựng vào thế kỷ 9. Đền Voi Phục (trấn Tây), thờ Linh Lang, hoàng tử thời nhà Lý, xây dựng thế kỷ 11. Đền Kim Liên (trấn Nam), thờ Cao Sơn Đại Vương, xây dựng thế kỷ 17. Đền Quán Thánh (trấn Bắc), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, xây dựng vào thế kỷ thứ 10. Ở Thăng Long tứ trấn đều xuất hiện nghê, rõ nét nhất là hình tượng nghê đặt trên các cột trụ trước cổng mỗi ngôi đền thiêng.
Nghê là linh vật của văn hóa Việt Nam, còn lân thuộc văn hóa Trung Hoa. Sự khác biệt ở chỗ nghê không có sừng, dáng thanh, mình thon nhỏ, đuôi dài vắt ngược lên lưng, còn lân có sừng, thân hình tròn mập, đuôi ngắn. Nét đặc trưng nghê của người Việt không có biểu hiện hung dữ, ghê gớm, hăm dọa, mà gần gũi, phù hợp với cảnh quan, nhân tình thế thái của người Việt.
Theo các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, điểm khác nhau rõ ràng giữa nghê và lân còn ở bộ móng, nghê mang móng vuốt còn lân mang móng guốc.
Nghê gốm do nghệ nhân Việt Nam chế tác. |
Thẩm thấu tín ngưỡng, được dân gian hoá, sự tạo tác của nghệ nhân dân gian Việt Nam ở nhiều thời kỳ, đã khiến nghê trở thành một tác phẩm mỹ thuật điêu khắc có tính hư cấu cao của người Việt, mang đậm tính bản địa. Sức sáng tạo đó đã đưa nghê lên tầm một linh vật biểu tượng, mang bản sắc Việt Nam.
Biểu tượng Nghê không hình thành từ những huyền thoại mà ra đời và phát triển thông qua quá trình lao động, chế tác của các nghệ nhân, vì vậy mà biểu tượng Nghê lại trở nên gần gũi mà sống động với vô vàn hình dáng khác nhau, vô vàn kiểu thức khác nhau khiến cho ngôn ngữ tạo hình của linh vật này hết sức đa dạng và phong phú.
Mỗi loại nghê gắn với một hoàn cảnh trưng bày và ý nghĩa khác nhau trong văn hóa dân gian Việt Nam, từ sự bình dị, gần gũi, đến chính trực, ngay thẳng, dũng mãnh, quyền uy. Khi nghê hóa rồng, là biểu tượng cao cho quyền lực chính trực; khi nghê ngậm ngọc - biểu tượng cho sự khôn ngoan; khi nghê đứng chầu hai bên khán thờ - thể hiện vẻ uy nghiêm…
Sư tử trên ấn “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo”. Thời Lê Trung Hưng, Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709). |
Các nhà nghiên cứu mỹ thuật đánh giá, con nghê ở nhiều thời kỳ được tạo hình rất đẹp, nhất là nghê thời Lý, nhưng làm theo phong cách đó thường cầu kỳ, tốn kém, còn sư tử Trung Hoa trông hăm doạ, dữ dằn, gân guốc, chế tác lại đơn giản, rẻ tiền. Bởi lợi ích kinh tế, một số người Việt đã loại bỏ linh vật của mình dù nó mang tính thẩm mỹ và chiều sâu văn hóa hơn, nhất là không nghĩ rằng sử dụng linh vật ngoại là đang lãng quên văn hóa truyền thống của dân tộc mình.