Liêu xiêu đối mặt “bão giá” vật liệu xây dựng
(ĐCSVN) - Thời gian vừa qua là giai đoạn thử thách sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng trước áp lực tăng giá của các nguyên vật liệu đầu vào. Không chỉ giá sắt thép tăng cao (khoảng 40%) mà gần như giá tất cả các loại nguyên vật liệu như: xi-măng, cát, đá, nhôm, kính… đều đang “leo thang” đã khiến nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng phải liêu xiêu.
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, do hầu hết các chủ đầu tư đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký kết cho nên phải tự bù lỗ khi giá nguyên vật liệu tăng. Đơn cử, giá thép thường chiếm khoảng 20% trong tổng giá trị dự án, nên việc giá mặt hàng này tăng mạnh đã khiến chi phí xây dựng đội lên cao. Ngoài ra, nhiều loại vật liệu xây dựng khác như gạch, cát, đá, xi-măng… cũng đồng loạt tăng giá theo, gây áp lực lớn cho nhà thầu.
Đến thời điểm này, giá thép xây dựng dường như chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, việc các nguyên - nhiên liệu sản xuất thép tăng trở lại khiến giá thép liên tục bị đẩy lên cao. Cụ thể, tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá thép đã tăng 7 lần, tổng mức tăng lên đến 2,4 triệu đồng/tấn, từ mức 16,5-17 triệu đồng/tấn lên hơn 19 triệu đồng/tấn. Hiện mức giá của nhiều loại thép xây dựng trên thị trường như: Hòa Phát, Việt Nhật, Việt Ý, Pomina, thép Thái Nguyên, thép Miền Nam… vào khoảng 20 triệu đồng/tấn. Tính riêng từ đầu năm 2022, các loại vật liệu xây dựng tăng giá mạnh theo giá xăng dầu cũng như chịu tác động bởi căng thẳng Nga - Ukraine đã tác động trực tiếp tới giá thành xây dựng các công trình, dự án đầu tư công. Giá thép xây dựng liên tục tăng mạnh 600.000 - 1.400.000 đồng/tấn tùy loại.
Trong khi đó, các loại vật liệu xây dựng khác như cát, gạch cũng tăng khá mạnh. Thống kê trong ba tháng đầu năm 2022 của các hiệp hội liên quan tới xây dựng và vật liệu xây dựng cho thấy, nhiều loại vật liệu xây dựng tiếp tục tăng giá mạnh, trong đó một số mặt hàng có mức tăng vượt đỉnh, chẳng hạn xi-măng hiện tăng 100.000 đồng/tấn tùy thương hiệu, gạch xây dựng tăng khoảng 10%, gạch ốp trang trí tăng 10-15%, cát tăng 10.000 đồng/m3… so đầu năm. Đặc biệt, xi-măng trong nước đang chịu áp lực tăng giá lớn khi các nhiên liệu đầu vào như than, xăng dầu tăng giá.
Theo đánh giá của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, xi-măng là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng nguyên nhiên liệu. Cụ thể, giá than nhập khẩu vẫn giữ ở mức cao, do chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường năng lượng thế giới. Giá than trong nước lại đang thấp hơn so thế giới, song có thể tiếp tục điều chỉnh trong năm nay, do chi phí sản xuất khai thác than hầm lò cao hơn. Thực tế, để ổn định sản xuất, đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm, một số doanh nghiệp sản xuất xi-măng đã thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm xi-măng bao và xi-măng rời từ cuối tháng 3 vừa qua.
Và dù đã cố gắng tìm giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên nhiên vật liệu, nhưng Công ty CP Xi-măng Hà Tiên 1 (Vicem Hà Tiên) vẫn không thể bù đắp chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay. Do đó, doanh nghiệp này đã phải xem xét cân đối lại giá bán xi-măng để đảm bảo bù đắp một phần chi phí ngày càng tăng cao. Việc điều chỉnh tăng giá bán được áp dụng bắt đầu từ ngày 23/3 đối với các loại xi-măng bao với mức tăng thêm 100.000 đồng/tấn, đã bao gồm VAT.
Trong khi giá các loại nguyên vật liệu như: thép, xi-măng, cát, sỏi, nhân công, ca máy… đều tăng đáng kể, phần lớn hợp đồng ký với chủ đầu tư lại theo hình thức trọn gói hoặc đơn giá cố định nên nhà thầu không chỉ giảm lợi nhuận mà còn đứng trước nguy cơ thua lỗ nếu không có biện pháp ứng phó và được tháo gỡ khó khăn kịp thời.
Về vấn đề này, ông Hoàng Ngọc Tú, Phó Tổng giám đốc Nhà thầu Xây dựng Delta đánh giá, giá xăng dầu cùng với sắt thép, xi-măng, cát xây dựng tăng làm nhiều doanh nghiệp “liêu xiêu trong bão giá”. Trong khi đó, áp lực tăng giá cũng khiến giá nhân công tăng, trong khi tiến độ các công trình xây dựng không thể lùi chờ giá giảm.
Đồng cảm với quan điểm này, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tổng Tư lệnh, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12) cho biết, chưa bao giờ các nhà thầu xây dựng gặp khó khăn như lúc này. Trong tình trạng bão giá vật liệu xây dựng, các nhà thầu xây dựng lâm vào tình trạng “càng làm nhiều, càng lỗ nhiều”.
Minh chứng là ngay tại dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam, sau “bão giá” thép đầu năm ngoái, việc giá xăng dầu, nhựa đường, sắt thép... tiếp tục leo thang từ đầu năm 2022 đã đẩy nhiều nhà thầu thi công vào tình cảnh thua lỗ. Cụ thể, tại hai dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây ước tính, chi phí xây dựng đội giá thêm 20-30% so đơn giá ban đầu trong hợp đồng ký kết. Với mức trượt giá này, đa số các nhà thầu thi công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam đều đang gặp khó, càng thi công… càng lỗ.
Tương tự, đối với các doanh nghiệp bất động sản, cho dù báo cáo của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam công bố ngày 5/4/2022 cho biết, thị trường xây dựng Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng trên thực tế, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành xây dựng và vật liệu xây dựng trong năm 2021 chỉ đạt 0,63%, rất thấp so mức tăng trưởng trung bình 7,2%/năm trong 10 năm trở lại đây.
Thực tế, việc liên tục tăng giá vượt ngoài khả năng dự báo và tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng việc thực hiện các hợp đồng xây dựng, nhất là các hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói... Điều này dẫn đến tình trạng tại một số gói thầu, dự án có hiện tượng nhà thầu thi công cầm chừng, cá biệt có trường hợp dừng thi công do không đủ nguồn lực để thực hiện, làm chậm tiến độ công trình, dự án. Giá vật liệu xây dựng tăng cao còn dẫn đến hệ lụy các dự án đầu tư xây dựng đang thực hiện có khả năng bị đội vốn, chi phí thực hiện vượt so với tổng mức đầu tư, dự toán đã được phê duyệt.
Thậm chí, có nhà thầu đã chọn giải pháp thay vì thi công cầm chừng chờ giá vật liệu xây dựng giảm xuống thì phải đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công nhằm hạn chế ảnh hưởng từ giá vật liệu có thể tiếp tục tang. Đồng thời, triệt để tiết kiệm các chi phí khác. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn huy động nguồn vốn của cổ đông và vốn tự có của đơn vị để chủ động mua đầy đủ vật liệu xây dựng phục vụ thi công...
Trước tình hình giá cả nguyên vật liệu xây dựng chính đang có nhiều biến động trong xu thế tăng, khó dự báo ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng, nhiều địa phương đã tổ chức xác định giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng bám sát diễn biến của thị trường và công bố kịp thời, theo định kỳ hàng tháng, tuy nhiên vẫn còn một số địa phương xác định giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quý, công bố chậm, chưa bám sát diễn biến thị trường hoặc chưa sát với giá thị trường. Ngoài ra, nhiều danh mục công bố còn thiếu một số vật liệu xây dựng chủ yếu…Nếu tình trạng này còn kéo dài sẽ gây khó khăn, vướng mắc cho công tác lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng của các chủ thể liên quan, ảnh hưởng tiến độ thực hiện và công tác giải ngân của các dự án.
Với vai trò đầu mối quản lý trực tiếp các chủ thể trong công tác lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Xây dựng tập trung thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định để công bố chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng, thiết bị công trình trên địa bàn. Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh các hiện tượng “đầu cơ, thổi giá”.
Mới đây, để kịp thời giải quyết những tác động tiêu cực do biến động giá nhiên nguyên vật liệu xây dựng lên các dự án đầu tư xây dựng, công trình giao thông, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để quản lý giá, bình ổn giá các vật liệu xây dựng, đặc biệt là nguyên vật liệu xây dựng cung ứng cho các công trình giao thông.
Cụ thể, tại Công văn số 2360/VPCP-CN ngày 15/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nghiên cứu ban hành, điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách theo thẩm quyền về cơ chế chính sách quản lý giá nhiên, vật liệu xây dựng; kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền.
Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo quy định và khẩn trương thực hiện các giải pháp để quản lý giá, bình ổn giá các vật liệu xây dựng công trình xây dựng nói chung và đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm quốc gia theo đúng quy định của pháp luật.
Thiết nghĩ, với sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương, những khó khăn của doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng trong việc đối mặt “bão giá” nguyên vật liệu xây dựng sẽ dần được tháo gỡ một cách thực tế, kịp thời.
Tuy nhiên, để bình ổn thị trường dài lâu và giảm thiểu những hệ lụy không đáng có từ việc giá vật liệu xây dựng tăng cao, Nhà nước cần có sự can thiệp bằng các công cụ quản lý vĩ mô theo thẩm quyền. Hơn lúc nào hết, ngay bây giờ, chúng ta cần một chiến lược phát triển tổng thể ngành công nghiệp cung ứng vật liệu xây dựng đồng bộ trong mối liên kết hữu cơ phía cung cấp nguyên liệu và các ngành sử dụng vật liệu xây dựng chứ không chỉ đơn thuần là giải pháp tình thế để đối phó khi sự việc xảy ra và quẩn quanh nghĩ chuyện quản lý giá, trong khi doanh nghiệp và các nhà thầu thì mãi cứ liêu xiêu vì liên tục phải đối mặt “bão giá”./.