Liên kết vùng và nâng cao sức cạnh tranh vùng cho Tây Nguyên
(ĐCSVN) – Mặc dù được đánh giá là nhiều tiềm năng, song hiện Tây Nguyên vẫn được biết đến là vùng đất còn nhiều khó khăn. Tại Hội nghị gặp gỡ địa phương và ngoại giao đoàn khu vực Tây Nguyên năm 2016 do Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức mới đây đã tập trung nhấn mạnh 2 yếu tố để Tây Nguyên bứt phá, đó là liên kết vùng và nâng cao sức cạnh tranh của vùng.
Khai thác tốt mọi tiềm năng, thế mạnh của Tây Nguyên
Trong phiên thảo luận “Tiềm năng liên kết kinh tế vùng Tây Nguyên và nâng cao sức cạnh tranh của vùng” thuộc các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị gặp gỡ địa phương và ngoại giao đoàn vào Tây Nguyên năm 2016 do Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức vào sáng 9/6 vừa qua tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết: Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng là vùng đất có tiềm năng lớn về phát triển thủy điện, nông lâm nghiệp, chế biến nông lâm sản, du lịch và khai thác, chế biến bô xít, luyện nhôm, công nghiệp sau nhôm.
Phát huy các lợi thế và tiềm năng của mình, những năm qua được hỗ trợ đầu tư của Trung ương và nhiều nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài vào, các tỉnh Tây Nguyên đã tạo nên những bước chuyển mới trong phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương; trong đó đáng kể là phần lớn các dự án thuộc quy hoạch thủy điện bậc thang được triển khai xây dựng và hoàn thành đưa vào phát điện đã góp phần quan trọng hòa vào dòng điện lưới quốc gia cũng như thúc đẩy kinh tế- xã hội trên địa bàn phát triển. Tuy nhiên, hiện tại nhiều nơi ở Tây Nguyên vẫn còn một số dự án thủy điện vừa và nhỏ chưa được đầu tư; trong đó có một số dự án vẫn thuộc diện cần tiếp tục rà soát sau năm 2015 để loại bỏ. Đối với khai thác chế biến bô xít, chủ trương của Chính phủ đến năm 2020 mới dừng lại ở việc hoàn thành 2 dự án Alumin (thử nghiệm) Tân Rai, Nhân Cơ và nhà máy luyện nhôm Trần Hồng Quân.
Các đại biểu qua trao đổi, thảo luận đã nhấn mạnh 2 vấn đề
là liên kết vùng và nâng cao sức cạnh tranh của vùng cho Tây Nguyên
Trao đổi tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, những đầu tư đưa vào khai thác các tiềm năng của thủy điện hay phát triển các dự án khai thác bô xít như ở trên đã kể tuy bước đầu đã góp phần tạo ra những thay đổi quan trọng cho Tây Nguyên, song chưa phản ánh tương xứng với thế mạnh của Tây Nguyên.
Theo ông Nguyễn Đức Phong, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nguyên thì việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của Tây Nguyên trong giai đoạn trước mắt ngoài những vẫn đề đã đặt ra ở trên còn phải tập trung vào việc phát triển nông lâm nghiệp, công nghiệp chế biến nông lâm sản và du lịch.
Về tiềm năng phát triển nông lâm nghiệp và công nghiệp chế biến nông, lâm sản, theo ông Phong, Tây Nguyên có 2 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp (850,1 ngàn ha đất trồng cây hằng năm và 1.150,7 ha đất trồng cây lâu năm…) và 3,2 triệu ha đất lâm nghiệp. Diện tích đất bazan Tây Nguyên chiếm 74,25% diện tích đất bazan của cả nước (2.060.606 ha). Đây là loại đất quý, cần phải sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả cao.
Trong khi đó, ông Phong cũng khẳng định: Nông nghiệp Tây Nguyên hiện bước đầu đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung cao về một số loại nông sản có thế mạnh trên thị trường trong nước và thế giới như cà phê (sản lượng 1,3 triệu tấn, chiếm 94% sản lượng của cả nước, riêng cà phê robusta gấp 3 lần năng suất bình quân của thế giới); hồ tiêu (93 ngàn tấn, chiếm 56% sản lượng của cả nước); sắn (2,6 triệu tấn, chiếm 26% sản lượng cả nước; ngô (1,3 triệu tấn, chiếm 25% sản lượng cả nước); chè (228 ngàn tấn, chiếm 24% sản lượng cả nước); hạt điều (56 ngàn tấn, chiếm 22% sản lượng cả nước); cao su (chiếm 27% diện tích và 18% sản lượng cả nước).
“Đây là điều kiện thuận lợi để Tây Nguyên phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo chiều sâu gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm sản chủ lực của vùng, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế”- ông Nguyễn Đức Phong khẳng định.
Cùng chung nhận định cho rằng Tây Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, ông Ngô Đông Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, du lịch cũng là một điểm sáng để Tây Nguyên khai thác, phát triển. Theo ông Hải, Tây Nguyên có 2,25 triệu ha rừng tự nhiên, trong đó có 13 vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; hệ thống sông, suối có nhiều thác nước hùng vĩ, cảnh quan đẹp, thế mạnh về phát triển nông nghiệp và 54 dân tộc anh em cùng sinh sống với nhiều nét văn hóa độc đáo… là tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái- văn hóa; khai thác tiềm năng cảnh quan rừng và sản xuất nông lâm nghiệp gắn với khai thác giá trị lịch sử, văn hóa của các dân tộc để hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo của vùng.
Vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế
Dù những bước chuyển kể trên khá ấn tượng, tạo cho bộ mặt Tây Nguyên ngày nay có nhiều điểm sáng. Tuy nhiên trên thực tế, việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế- xã hội ở Tây Nguyên hiện vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo ông Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông thì, hạn chế đầu tiên phải nhắc đến phải nói đến là giao thông. Ông Hải cho rằng, tuy hiện hiện nay dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14A đã tạo điều kiện để kết nối, lưu thông hàng hóa giữa 4 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông với TP.Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam bộ. Song, nói chung kết cấu hạ tầng giao thông tại Tây Nguyên chưa đảm bảo lưu thông hàng hóa và hành khách với tốc độ cao cũng như việc thông suốt giữa các địa phương trong vùng và liên vùng. Tây Nguyên cũng chưa có hệ thống đường sắt và giao thông đường không chưa nối tuyến quốc tế (mởi chỉ hàng không nội địa). Cạnh đó, việc huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng ở hầu hết 5 tỉnh Tây Nguyên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu; chưa có cơ chế tăng cường sự điều phối nhằm kết nối nội vùng và ngoại vùng. Hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung manh mún, lạc hậu, chưa hình thành các cực tăng trưởng, kém tính kết nối, làm giảm khả năng thu hút đầu tư. Đây thực sự là những “điểm nghẽn” của quá trình phát triển kinh tế- xã hội ở Tây Nguyên.
Thương hiệu nông sản Tây Nguyên chỉ được biết đến
ở một số địa phương chứ chưa chưa phải của toàn vùng
Đẩy mạnh liên kết vùng để Tây Nguyên phát triển
Phát triển hạ tầng giao thông và sản xuất là hướng đề xuất đầu tiên được các đại biểu trao đổi tại Hội thảo. Theo ông Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thì ngay bây giờ, Tây Nguyên phải nghiên cứu, đề xuất sửa đổi và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hoàn chỉnh hệ thống giao thông liên kết các tỉnh Tây Nguyên với nhau và với các tỉnh Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, với các tỉnh của Lào, Campuchia trong khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam; phát triển các cặp cửa khẩu hiện có và dự kiến đầu tư giai đoạn tới nâng cấp cửa khẩu quốc tế Đăk Ruê, Đăk Per; hình thành hệ thống giao thông thông suốt, góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế- xã hội khu vực theo các cam kết giữa 3 Chính phủ Campuchia-Lào-Việt Nam. Đồng thời, các địa phương cũng có nhiều huy động các nguồn lực để phát triển giao thông nông thôn.
Cùng với đó, các đại biểu cũng thống nhất phải phát triển du lịch, cần xây dựng chiến lược phát triển về du lịch chung của cả vùng Tây Nguyên trên cơ sở liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp. Thông qua đó để phát triển hạ tầng du lịch thống nhất nhằm phát huy lợi thế so sánh của các địa phương về đặc thù sinh thái, văn hóa, lợi thế điều kiện tự nhiên để phát triển các sản phẩm du lịch, hình thành các trung tâm, điểm đến, chương trình, tuyến thu hút khách du lịch, thúc đẩy lan tỏa tới các vùng khác.
Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng đề nghị Tây Nguyên cũng nên liên kết phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông lâm nghiệp chủ lực. Trước hết, các tỉnh lấy cà phê, hồ tiêu làm sản phẩm chủ lực liên kết trên cơ sở liên kết giữa các doanh nghiệp, các cơ sở, các hộ sản xuất kinh doanh từ cung cấp các yếu tố đầu vào đến sản xuất và chế biến, tạo ra sản phẩm tiêu dùng cuối cùng có giá trị gia tăng và chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường và mang đặc sắc riêng của Tây Nguyên./.