Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Liên hợp quốc kêu gọi tăng cường hành động nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu

Thứ Năm, 27/10/2022 16:24 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Các cam kết quốc tế mới nhất về khí hậu còn "rất xa" mới đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris là giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2°C và nỗ lực giới hạn mức tăng ở 1,5°C vào cuối thế kỷ này.

 Khí thải tại một khu phức hợp sản xuất ở Toronto, Canada (Ảnh: UN)

Theo báo cáo mới vừa được Cơ quan Khí hậu Liên hợp quốc (UNFCCC) công bố ngày 26/10, những nỗ lực chống lại sự nóng lên toàn cầu không cho phép chúng ta "đưa mình vào con đường hướng tới một thế giới ở mức 1,5°C". Báo cáo cho thấy rằng các cam kết về khí hậu của 193 bên trong Thỏa thuận Paris có thể đưa thế giới vào tình trạng ấm lên khoảng 2,5°C vào cuối thế kỷ này.

Chưa đầy hai tuần trước khi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP27 sẽ được tổ chức tại Ai Cập, ông Simon Stiell, Thư ký điều hành về Khí hậu của Liên hợp quốc, cho biết: “Chúng ta đang ở rất xa mức độ và tốc độ cắt giảm khí thải cần thiết để đưa mình vào con đường tiến tới một thế giới 1,5°C”. Cảnh báo được đưa ra khi, theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nồng độ trong khí quyển của 3 loại khí nhà kính chính - carbon dioxide (CO2), methane (CH4) và nitrous oxide (N2O) - đã lên tới mức kỷ lục mới vào năm 2021.

Hướng tới mức tăng phát thải 10,6% vào năm 2030, so với mức năm 2010

Báo cáo do Cơ quan Khí hậu Liên hợp quốc công bố hôm 26/10 cũng cho thấy các cam kết hiện tại sẽ làm tăng lượng khí thải lên 10,6% vào năm 2030, so với mức năm 2010. Con số này có cải thiện so với đánh giá hồi năm ngoái, vốn cho rằng các quốc gia đang trên đà tăng lượng khí thải lên 13,7% vào năm 2030, so với mức năm 2010. Phân tích năm ngoái cũng cho thấy lượng khí thải dự báo sẽ tiếp tục tăng sau năm 2030. Tuy nhiên, phân tích năm nay nhận định rằng lượng khí thải không tăng sau năm 2030 song vẫn không cho thấy xu hướng giảm nhanh mà khoa học cho là cần thiết đối với thập kỷ này.

Tuy nhiên, dữ liệu khoa học mới nhất từ Ủy ban liên chính phủ của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC) chỉ ra rằng lượng khí thải phải giảm 45% vào năm 2030, so với mức năm 2019. Mức giảm này là cần thiết để đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận Paris về hạn chế nhiệt độ tăng lên 1,5°C vào cuối thế kỷ này.

Để duy trì mục tiêu này, theo Liên hợp quốc, chính phủ các quốc gia phải tăng cường kế hoạch hành động về khí hậu ngay từ bây giờ và thực hiện chúng trong 8 năm tới.

Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP 27 sẽ được tổ chức tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập, từ ngày 6 – 18/11 tới đây. Tại hội nghị này, ông Stiell kêu gọi các quốc gia tham dự cần trình bày cách thức họ sẽ thực hiện Thỏa thuận Paris ở quốc gia mình thông qua luật pháp, chính sách và chương trình, cũng như cách họ sẽ hợp tác và hỗ trợ việc triển khai. Đồng thời, chuyên gia về khí hậu của Liên hợp quốc cũng kêu gọi các quốc gia đạt được tiến bộ tại COP27 trong 4 lĩnh vực ưu tiên: giảm nhẹ, thích ứng, thiệt hại và tài chính.

Mức khí nhà kính cao kỷ lục

Về phần mình, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ngày 26/10 cho biết mức khí nhà kính đang ở mức cao kỷ lục.

Theo WMO, kể từ khi các phép đo có hệ thống bắt đầu cách đây gần 40 năm, sự gia tăng nồng độ khí metan hàng năm chưa bao giờ mạnh như vào năm 2021. Tốc độ gia tăng lượng khí cacbonic trong giai đoạn năm 2020 – 2021 cũng cao hơn tốc độ tăng trung bình hàng năm của 10 năm trước đó. Các phép đo do các trạm của mạng lưới WMO Global Atmosphere Watch thực hiện cho thấy nồng độ này tiếp tục tăng vào năm 2022 trên toàn cầu.

Lực bức xạ, gây ra sự ấm lên của hệ thống khí hậu, đã tăng khoảng 50% từ năm 1990 – 2021. Nguyên nhân là do khí nhà kính khó phân hủy, trong đó carbon dioxide đóng góp gần 80% vào sự gia tăng này.

Vào năm 2021, nồng độ trong khí quyển của carbon dioxide là 415,7 phần triệu (ppm), của metan là 1.908 phần tỷ (ppb) và của nitơ oxit là 334,5 ppb, tăng 149%, 262% và 124% tương ứng, so với thời kỳ tiền công nghiệp, khi các hoạt động của con người chưa làm xáo trộn sự cân bằng tự nhiên của các khí này trong khí quyển.

Tổng thư ký WMO cho biết: “Bản tin về khí nhà kính của WMO đã nhấn mạnh một lần nữa thách thức ghê gớm này, đồng thời cũng là một nhu cầu thiết yếu: chúng ta phải hành động khẩn cấp để giảm phát thải khí nhà kính và ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng cao hơn nữa trong tương lai”. Theo ông Petteri Taalas, việc tiếp tục tăng nồng độ các khí nhà kính chính, bao gồm cả nồng độ metan tăng kỷ lục, cho thấy rằng chúng ta đang đi sai hướng. Chính vì vậy, cần có những chiến lược hiệu quả về chi phí để giải quyết lượng khí thải metan, đặc biệt là trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch. Ngoài ra, ưu tiên hàng đầu là giảm mạnh và khẩn cấp lượng khí thải carbon dioxide, vốn là thủ phạm chính của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan. Những lượng khí thải này sẽ tác động đến khí hậu trong hàng nghìn năm thông qua việc băng tan ở các cực, làm ấm đại dương và mực nước biển dâng cao.

Theo Tổng thư ký WMO, chúng ta cần chuyển đổi hệ thống công nghiệp, năng lượng và giao thông, và toàn bộ cách sống của chúng ta. Các chuyển đổi cần thiết có giá thành hợp lý về mặt kinh tế và khả thi về mặt kỹ thuật./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN