Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Liên hợp quốc kêu gọi nỗ lực bảo vệ trẻ em trước nạn mua, bán người

Thứ Ba, 23/07/2024 15:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Trong thông điệp được đưa ra nhân Ngày thế giới phòng chống mua, bán người năm nay (30/7/2024), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định “mua bán người là một tội ác khủng khiếp nhằm vào những người dễ bị tổn thương trong xã hội. Chúng ta cần tập trung bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong số chúng ta, đó là trẻ em”.

1/3 số nạn nhân của nạn mua bán người trên thế giới là trẻ em

Theo Liên hợp quốc, 1/3 số nạn nhân của nạn mua bán người trên thế giới là trẻ em. (Ảnh minh họa: europa.eu)

Ngày 22/7, truyền thông nước ngoài dẫn số liệu thống kê từ người đứng đầu Liên hợp quốc cho thấy, trẻ em chiếm 1/3 số nạn nhân của nạn mua bán người, bao gồm phải đối mặt với tình trạng lạm dụng kinh hoàng, ép buộc lao động, bị bán làm cô dâu, phải đi lính hay buộc phải tham gia các hoạt động phạm pháp.

Ông Guterres chỉ ra rằng tình trạng bất bình đẳng gia tăng và toàn cầu hóa đã thúc đẩy các mạng lưới mua bán người phức tạp thách thức các khuôn khổ pháp lý truyền thống, tạo ra các hình thức nô lệ mới. Nhà lãnh đạo Liên hợp quốc đồng thời cho biết thêm rằng các nền tảng trực tuyến khiến trẻ em tiếp tục trở thành đối tượng bị bóc lột tình dục và bạo lực trên cơ sở giới, đồng thời cho phép những kẻ mua bán người bóc lột nạn nhân ở phạm vi xuyên biên giới.

Tổng thư ký Liên hợp quốc lưu ý rằng những vết sẹo về thể chất và tâm lý của những tội ác của nạn mua bán người mà trẻ em phải gánh chịu sẽ tồn tại dai dẳng cho đến tuổi trưởng thành, cướp đi sự hồn nhiên, tương lai và các quyền cơ bản của các em. Từ lập luận nêu trên, ông Guterres nhấn mạnh: "Chúng ta phải tăng cường các phản ứng bảo vệ - bao gồm các cơ chế tư pháp với trẻ em, nâng cao nhận thức, hỗ trợ trẻ em không có người đi cùng khi thực hiện các hoạt động di chuyển, chăm sóc cho những nạn nhân sống sót và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của việc bóc lột bằng cách hỗ trợ những gia đình dễ bị tổn thương”.

Cụ thể, người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi các chính phủ, các tổ chức và khu vực tư nhân, bao gồm cả các công ty công nghệ, tăng cường nỗ lực và hợp tác để không trẻ em nào trở thành nạn nhân và mọi kẻ mua bán người đều bị trừng phạt.  

“Nhân dịp này, chúng ta hãy đổi mới cam kết của mình vì một tương lai mọi trẻ em đều được an toàn và tự do” - ông Guterres nhấn mạnh.

Việt Nam - thành viên tích cực của cộng đồng thế giới trong đẩy lùi nạn mua, bán trẻ em

Để phòng, chống tội phạm mua bán người, Liên hợp quốc, các quốc gia Đông Nam Á và các tổ chức quốc tế đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng như: Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Nghị định thư về phòng, chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường không, bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Công ước về quyền trẻ em; Nghị định thư không bắt buộc bổ sung cho Công ước về quyền trẻ em, buôn bán trẻ em, mua dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em; Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; Công ước nghiêm cấm và hành động khẩn cấp xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất…

Cùng với các nước trên thế giới và khu vực, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm ký kết, tham gia các công ước, nghị định thư của Liên hợp quốc; thỏa thuận, tuyên bố, bản ghi nhớ của ASEAN, các nước trong khu vực; Hiệp định, thỏa thuận hợp tác với các nước có liên quan về phòng, chống mua bán người, đặc biệt đối với các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã đưa ra nhiều thay đổi quan trọng trong khung pháp lý của mình, đồng thời tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong phòng, chống tội phạm mua bán người. Các bước tiến này không chỉ thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực thi các điều ước quốc tế mà còn phản ánh sự nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống pháp luật mạnh mẽ để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Với những nỗ lực nêu trên, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, đặc biệt là trẻ em.

Công an huyện Tương Dương (Nghệ An) phá chuyên án, bắt đối tượng Cụt Thị Mùi (sinh năm 1991, trú tại xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) về hành vi mua bán trẻ em, qua đó giải cứu thành công 3 nạn nhân. (Ảnh: Gia Ân) 

Tại Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và Thông tin đối ngoại tháng 7/2024, Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự dẫn số liệu của Ban Chỉ đạo 138/CP, trong 10 năm (2014 - 2023), Việt Nam phát hiện, điều tra khoảng trên 2.400 vụ mua bán người/3.800 đối tượng, 5.700 nạn nhân. Trong 10 năm qua, tình hình tội phạm mua bán người có xu hướng giảm đáng kể về số lượng vụ mua bán người, số đối tượng và số nạn nhân qua các năm, đặc biệt từ năm 2018 trở đi. Tỷ lệ trung bình của tội phạm mua bán người vào khoảng 240 vụ/380 đối tượng/570 nạn nhân/1 năm.

Còn theo số liệu thống kê do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đưa ra tại Hội nghị, trong 6 tháng đầu năm, các cấp Hội địa phương đã phát hiện và lên tiếng 1.364 vụ việc liên quan đến xâm hại, bạo lực phụ nữ và trẻ em, chủ yếu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em.

Tổng đài 1900969680 của Ngôi nhà Bình yên (NNBY) thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển - Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tiếp nhận 942 cuộc gọi (tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái), thực hiện 1.546 lượt tham vấn (trong đó vấn đề bạo lực gia đình chiếm 85%). Tổng số tạm lánh của NNBY Hà Nội là 36 người tạm trú (22 người lớn, 14 trẻ em); trong đó, NNBY bạo lực có 31 người tạm trú (17 phụ nữ, 14 trẻ em); NNBY mua bán có 05 người tạm trú (04 phụ nữ; 01 nam giới); tiếp nhận mới 32 người tạm trú (18 phụ nữ; 14 trẻ em). NNBY Cần Thơ hỗ trợ và tiếp nhận mới 07 người tạm trú (03 phụ nữ, 04 trẻ em). Trong kỳ báo cáo, có 144 phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình (BLGĐ), nạn nhân mua bán người (MBN) trở về được phát hiện (BLGĐ 123 người, MBN 21), các cấp Hội đã giúp đỡ 122/144 nạn nhân được tiếp cận ít nhất 01 dịch vụ trợ giúp xã hội, đạt tỷ lệ 85%.

Mua, bán trẻ em đề cập đến các hành vi bóc lột trẻ em gái và bé trai, chủ yếu để cưỡng bức lao động và bóc lột tình dục. Trẻ em chiếm một phần không nhỏ trong số nạn nhân của nạn mua, bán người trên toàn thế giới và cứ ba nạn nhân trẻ em thì lại có hai nạn nhân là bé gái.

Đôi khi trẻ em bị bán bởi một thành viên trong gia đình hoặc một người quen, thậm chí bị dụ dỗ bởi những lời hứa hão huyền về giáo dục và một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, những đứa trẻ bị buôn bán và bóc lột này bị giam giữ trong điều kiện giống như nô lệ, không có đủ thức ăn, chỗ ở hoặc quần áo, thường bị ngược đãi nặng nề và bị cắt đứt mọi liên lạc với gia đình.

Trẻ em thường bị buôn bán để bóc lột tình dục vì mục đích thương mại hoặc lao động, chẳng hạn như giúp việc gia đình, làm nông, làm việc tại nhà máy và khai thác mỏ, hoặc bị buộc phải chiến đấu trong các cuộc xung đột. Những đứa trẻ dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là những người tị nạn và di cư, thường bị săn đón và hy vọng về một nền giáo dục, một công việc tốt hơn hoặc một cuộc sống tốt hơn ở một nơi ở mới.

Mọi quốc gia trên thế giới đều bị ảnh hưởng bởi nạn buôn người và kết quả là trẻ em buộc phải bỏ học, mạo hiểm mạng sống và bị tước đoạt thứ mà mọi đứa trẻ đều xứng đáng có được, đó là tương lai của các em. Chính vì thế, việc nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người cần trở thành công việc thường xuyên, lâu dài để mỗi gia đình, mỗi trẻ em trên thế giới này đều được sống trong yên bình, hạnh phúc./.

T.Lan

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN