Liên hợp quốc kêu gọi cắt giảm chi tiêu quân sự để cứu vãn các mục tiêu phát triển bền vững
(ĐCSVN) - Ngày 15/7, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu chuyển hướng các nguồn lực từ chiến tranh sang các sáng kiến hòa bình và phát triển bền vững.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed. (Ảnh: arabnews) |
Phát biểu thay mặt Tổng thư ký Antonio Guterres tại cuộc họp của Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững, bà Mohammed kêu gọi hành động ngay lập tức và quyết đoán để cứu vãn các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) đang bị lung lay.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc trăn trở: các cuộc xung đột ở Gaza, Sudan, Ukraine và các khu vực khác đang gây ra thiệt hại nặng nề về sinh mạng con người và chuyển hướng sự chú ý chính trị cũng như các nguồn lực khan hiếm khỏi công việc cấp bách là chấm dứt nghèo đói và ngăn chặn thảm họa khí hậu. Qua đó, bà Mohammed nhấn mạnh sự cần thiết phải cắt giảm ngân sách quân sự và thay vào đó chuyển nguồn vốn hướng tới hòa bình và phát triển.
Đề cập tới việc thực thi các mục tiêu SDGs, bà Mohammed lưu ý rằng chỉ có 17% mục tiêu đi đúng hướng khi thời hạn 2030 đến gần. “Các thế hệ tương lai xứng đáng nhận được hơn 17% tương lai bền vững” – bà Mohammed nói.
Từ thực trạng nêu trên, bà Mohammed vạch ra chiến lược tăng tốc nhằm đáp ứng thời hạn hoàn năm 2030 cho các mục tiêu.
Bước đầu tiên là thiết lập hòa bình. Theo quan điểm của bà Mohammed, các nguồn lực chính trị và tài chính nên được chuyển hướng từ xung đột sang nỗ lực phát triển.
Bên cạnh đó, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số; kêu gọi các quốc gia tăng cường kế hoạch hành động về khí hậu vào năm 2025, điều chỉnh chúng theo giới hạn 1,5 độ C phù hợp với Thỏa thuận Paris và đầu tư vào việc mở rộng kết nối kỹ thuật số.
Đề cập tới nỗ lực giải quyết những thách thức tài chính cản trở tiến độ hoàn thành các SDGs, bà Mohammed đã chỉ ra khoảng cách tài chính ngày càng tăng và tình trạng tài chính bất ổn ở nhiều nước đang phát triển.
Bên cạnh việc ghi nhận những cải cách đang diễn ra tại các ngân hàng phát triển đa phương và việc tái sử dụng quyền rút vốn đặc biệt, bà Mohammed cũng kêu gọi các biện pháp mạnh mẽ hơn. Theo lập luận của lãnh đạo Liên hợp quốc: “Chúng ta phải tiến xa hơn và nhanh hơn để thúc đẩy tiến trình thực hiện SGDs”. Đồng thời bà cũng kêu gọi tăng khả năng cho vay, mở rộng khả năng tiếp cận nguồn tài chính dự phòng và các giải pháp nợ toàn diện.
Hình chiếu logo của SDGs tại Hội trường Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Ảnh: UN) |
Trong lời phát biểu cùng ngày, bà Mohammed nhắc lại cam kết của SDGs là "không để ai bị bỏ lại phía sau". Bà nhấn mạnh sự cần thiết phải ưu tiên cho những nhóm dân cư dễ bị tổn thương, đề cao quyền của người khuyết tật và chống lại bất bình đẳng giới.
“Đạt được chương trình nghị sự này có nghĩa là đặt những người và nhóm dễ bị tổn thương lên hàng đầu trong các kế hoạch, chính sách và ngân sách phát triển quốc gia” - Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Dennis Francis nhấn mạnh thế giới đang có 1,1 tỷ người sống trong nghèo đói đa chiều.
“Ngày nay, 1,1 tỷ người đang sống trong nghèo đói đa chiều. Nếu chúng ta không làm gì để tạo ra tác động tích cực, 8% dân số toàn cầu - tương đương 680 triệu người, sẽ vẫn phải chịu nạn đói vào năm 2030" - ông Francis cảnh báo.
Không chỉ kêu gọi hành động ngay lập tức và toàn diện, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của đói nghèo, nhấn mạnh mối liên hệ giữa chúng với xung đột, biến đổi khí hậu và các cú sốc kinh tế.
Bên cạnh đó, ông Francis đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh SDGs năm ngoái - đã thông qua tuyên bố chính trị mạnh mẽ và đưa ra một giai đoạn hành động tăng tốc mới nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển toàn cầu vào năm 2030.
Nhìn về phía trước, ông Francis bày tỏ sự lạc quan về Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai sắp tới. Đây sẽ là một sự kiện mang tính thay đổi nhằm củng cố ý chí chính trị và giải quyết sự bất bình đẳng của hệ thống tài chính toàn cầu./.