Liên hợp quốc: Hơn 2 tỷ người không được tiếp cận với nước sạch
(ĐCSVN) – Báo cáo toàn cầu về tài nguyên nước vừa được Liên hợp quốc công bố cho thấy hơn 2 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh môi trường.
Theo Liên hợp quốc, được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh là quyền của con người và là một trong những Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Mặc dù có tiến bộ đáng kể trong 15 năm qua song mục tiêu này vẫn nằm ngoài tầm với của phần lớn dân số thế giới. "Tiếp cận với nước là quyền mang tính sống còn của mỗi con người. Tuy nhiên, hàng tỷ người vẫn bị tước đoạt quyền đó" – bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cho biết. Trong năm 2015, 3 trong số 10 người (2,1 tỷ người) không được tiếp cận với các dịch vụ nước an toàn và 4,5 tỷ người, hoặc 6 trong số 10 người, đã bị tước quyền quản lý vệ sinh một cách an toàn. Chúng ta đang ở xa mục tiêu mà Liên hợp quốc đặt ra là bảo đảm quyền tiếp cận nguồn nước và vệ sinh cho tất cả mọi người và bảo đảm quản lý bền vững tài nguyên nước.
Báo cáo của Liên hợp quốc cũng phân tích nguyên nhân của thực trạng này và đưa ra các cách thức để giảm thiểu bất bình đẳng, đồng thời nêu rõ có thể bảo đảm quyền nước sạch và vệ sinh trở thành hiện thực "với điều kiện có ý chí tập thể để tiến về phía trước và nỗ lực để tập hợp những người "bị bỏ lại phía sau" trong quá trình ra quyết định" – bà Azoulay nói.
"Chính những con số đã nói lên tất cả. Báo cáo chỉ ra rằng nếu tình trạng suy thoái của môi trường tự nhiên và áp lực không bền vững đối với tài nguyên nước của thế giới vẫn tiếp diễn thì 45% GDP toàn cầu và 40% sản lượng ngũ cốc thế giới sẽ gặp nguy hiểm vào năm 2050" – ông Gilbert F. Houngbo, Chủ tịch UN-Water và Chủ tịch Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) cho biết. "Những người dân nghèo và bị thiệt thòi sẽ bị ảnh hưởng, làm gia tăng bất bình đẳng [...]. Báo cáo năm 2019 nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh các phương pháp tiếp cận trong cả chính sách và thực tiễn để giải quyết những nguyên nhân này loại trừ bất bình đẳng" – ông nói thêm.
Trên phạm vi toàn thế giới, một nửa số người uống nước từ các nguồn không được bảo vệ là người dân ở châu Phi. Ở khu vực châu Phi cận Sahara, chỉ có 24% dân số được sử dụng nguồn nước uống an toàn và 28% dân số sử dụng các cơ sở vệ sinh cơ bản, không chia sẻ với các hộ gia đình khác.
Các bất bình đẳng về tiếp cận ở châu Phi cũng chuyển thành bất bình đẳng giới. Chủ yếu phụ nữ và trẻ em gái phải chịu phần lớn gánh nặng liên quan đến thu thập nước khi họ dành hơn 30 phút mỗi ngày so với thời gian dành để học tập.
Trong cùng quốc gia, cũng tồn tại sự khác biệt lớn giữa giàu và nghèo. Ở thành phố, người nghèo sống trong những ngôi nhà không có nước máy thường phải trả nhiều tiền hơn cho nước (gấp 10 – 20 lần so với hàng xóm của họ trong các khu dân cư giàu có).
Ngoài ra, báo cáo ghi nhận sự gia tăng đáng kể các cuộc xung đột về nước. Trong giai đoạn từ năm 2000 – 2009, có 94 cuộc xung đột về nước; trong khi từ năm 2010 – 2018, con số này là 263 cuộc xung đột./.